Gọi điện thoại “điều” dân đến nhận quyết định

Xử sơ thẩm, tòa án quận đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người dân. Khi thụ lý, tôi nhận thấy tòa sơ thẩm đã xác định sai đối tượng khởi kiện, đáng lẽ quyết định ban hành sau mới là đối tượng khởi kiện nhưng tòa sơ thẩm lại xác định quyết định ban đầu. Đau đầu hơn, nếu giờ xác định lại đối tượng khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện đối với quyết định sau đã hết.

Khi mở phiên tòa phúc thẩm, tôi băn khoăn không biết gỡ rối như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Rõ ràng việc tòa sơ thẩm xác định sai đối tượng khởi kiện, không hướng dẫn cho người dân kiện đúng đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân... Đang chưa biết làm thế nào thì tôi nghe nguyên đơn trình bày: “Tôi không hề biết chuyện ủy ban ban hành thêm một quyết định hành chính sau quyết định mà tôi đang khởi kiện ở đây”.

Tôi nghĩ ngay đến quy định trong Luật Tố tụng hành chính, rằng với trường hợp cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, là đối tượng được nhận quyết định thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ nhận được quyết định hành chính đó. Từ đây, tôi hỏi xoáy sâu hai bên về việc có giao và nhận quyết định hành chính được ban hành sau không. Tôi hỏi ủy ban có gửi quyết định cho nguyên đơn hay không và gửi bằng cách nào. Đại diện ủy ban trả lời họ có gọi điện thoại cho nguyên đơn đến nhận nhưng nguyên đơn không đến, sau đó ủy ban làm thủ tục niêm yết tại xã, biên bản niêm yết có cán bộ xã làm chứng. Ngược lại, phía nguyên đơn khẳng định họ không hề nhận được cuộc gọi nào của ủy ban, không hề biết ủy ban có ban hành quyết định sau và cũng chưa nhận được một quyết định nào ngoài quyết định đang là đối tượng khởi kiện.

Nghe hai bên nói qua nói lại, nút thắt trong lòng như được mở ra. Tôi quay sang chất vấn đại diện ủy ban: “Là cán bộ, các anh phải nắm rõ luật chứ! Luật nào cho phép cán bộ được gọi điện thoại điều dân tới ủy ban nhận quyết định? Với lại các anh chỉ niêm yết quyết định tại xã thì ai biết, họa hoằn lắm người dân mới lên xã thì ai thấy quyết định được niêm yết ở đấy…”.

Từ những lý do trên, thay vì đình chỉ vụ án (vì đối tượng khởi kiện là quyết định trước của ủy ban đã không còn, đã được thay thế bằng quyết định sau), tôi cùng HĐXX đã hủy bản án sơ thẩm.

Thiệt tình, qua trao đổi với nguyên đơn, tôi biết chắc là ông này biết ủy ban có ra quyết định hành chính lần sau nhưng vì ông ta không đồng ý với quyết định này và nội dung quyết định lần 2 không bao hàm hết những yêu cầu khởi kiện của ông nên ông… làm lơ luôn. Nhưng biết sao được, chính ủy ban sai ngay từ đầu thì họ phải chịu trách nhiệm. Vì xét cho cùng, cơ quan nhà nước không được đẩy cái sai của mình cho người dân gánh chịu.

Thẩm phán chuyên xử án hành chính TAND TP.HCM

PHAN THƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm