Hai người mù đi biển

Câu chuyện về người mù đi biển ở xã Quảng Xuân (Quảng Trạch, Quảng Bình) thoạt nghe cứ tưởng chừng như đùa. Thế nhưng có gặp hai lão Dương Văn Khư và Lê Văn Hận mới thấy hết những gì mà họ đã trải. Đó là về những chuyến đi biển đầy mạo hiểm. Có lúc họ tưởng chừng đã bỏ mạng ngoài khơi...

Vượt lên số phận

Vừa bước chân tới nhà ông Dương Văn Khư, một người ở cạnh bảo: “Ông ở ngoài biển rồi, không có trong nhà đâu”. Theo đường mòn dẫn ra biển, chúng tôi gặp ông: làn da đen sạm, hốc mắt sâu... Ông chỉ tay ra biển: “Hôm nay biển động mấy bác cháu kéo mà cá ít lắm..”.

Ngồi cuốn lại tấm lưới ông kể, hồi còn nhỏ (khoảng chín tuổi) do đau mắt đỏ không có thuốc chữa nên ông bị nổ hai con mắt. Vì vậy bố mẹ ông khóc cả mấy năm trời, thương cho ông không biết sau này làm gì mà sống khi họ qua đời. Vì vậy, ông thấy mình phải làm được một việc gì đó chứ không thể dựa vào cha mẹ mãi, thế là ông tập đan lưới cùng bố.

Lần đầu tiên cầm vào lưới, ông Khư cần mẫn sờ từng cục chì, phao, từng đường lưới nhưng vẫn đan nhầm hỏng không biết bao tấm lưới. Sau đó, ông đi tìm lưới hỏng của người ta vứt về học. “Nhìn tui đan từng mảng lưới bố tui đã khóc vì vui sướng, ông không tin tui lại làm được như vậy...” - ông nói.

Từ đó ông bắt đầu nghĩ đến nghề đi biển cùng với những người trong làng nhưng ý định đó không được bố chấp thuận. Người bình thường đi biển còn gặp bao khó khăn huống chi là người mù. Thế nhưng mỗi lúc bố vắng nhà, ông lại trốn đi với bạn cùng làng, kéo cá gần bờ. Bố mẹ ông cũng không ngăn cấm nữa. Tuy vậy, khi ông xin bạn bè đi theo thuyền ra biển đánh cá thì chẳng ai cho vì nghĩ rằng ông sẽ không làm được việc.

ấm ức, hằng ngày ông sắm lưới chèo thuyền thúng ra đánh cá. Bạn bè cuối cùng đã gọi đi cùng với yêu cầu nếu làm được việc thì cho đi tiếp, còn không làm được thì ông phải ở nhà. “Lần đầu tiên tui lo lắm, áp lực đè lên khiến tui càng quyết tâm hơn. Không có mắt thì tui dùng tai để nghe ngóng, mũi giúp nhận biết sự thay đổi thời tiết...”.

Nhìn ông làm việc hăng say và rất bài bản, các bạn bảo: “Chắc thằng Khư nó nhìn được chứ nó làm không khác gì người thường”. Chẳng mấy chốc ông trở thành thành viên chính thức của đội đánh cá và nghề đi biển bắt đầu gắn bó với ông.

Hai người mù đi biển ảnh 1

Biển đã làm cho ông Dương Văn Khư vơi bớt nỗi buồn về thân phận của mình. Ảnh: V.LONG

Cũng như ông Dương Văn Khư, ông Lê Văn Hận tìm đến biển với cái tên là Hận (trước đó ông có tên là Lê Chậm, sau khi mắt ông bị mù thì ông dùng tên này) vì ông chán chường tất cả, hận cuộc đời đã cướp đi của ông đôi mắt.

Lúc nhập cuộc, không ai tin ông sẽ sống bằng nghề đi biển. Nhưng rồi mỗi lần ra khơi, ông đã cảm nhận được hết những luồng gió, những con sóng vỗ vào mạn thuyền và cảm nhận được những đàn cá dưới biển sâu. Nhờ rất nhanh nhẹn, không khác gì một người bình thường nên ông đã được góp vốn đi đánh cá.

Tiếng tăm ông Hận vang khắp nơi, nhiều cô gái thương ông vì khâm phục ý chí của một chàng trai mù. Trong số đó, bà Nguyễn Thị Long, người cùng làng đã cùng ông xây dựng gia đình.

Thoát chết giữa đại dương

Mỗi lần đi biển ông Dương Văn Khư luôn đối mặt với những nguy hiểm, nhiều khi ông nghĩ không còn sống sót để trở về.

Lần đi biển khiến ông Khư nhớ nhất là vào năm 1985, ông cùng bốn người ra khơi, vừa cách bờ khoảng 10 km thì trời nổi dông mưa lớn, sóng biển cao hất tung thuyền. “Riêng tui bị sóng đánh rơi xuống biển. Anh em đi cùng hoảng hốt tìm nhưng không thấy. Tui nhớ mỗi khi ngoi lên được mặt nước là bị sóng nhấn chìm xuống lại.

Nhờ kinh nghiệm đối chọi với sóng biển, tui tính từng đợt sóng lên xuống để tránh bị sóng đánh chìm. Nhờ vào sức đẩy của sóng tui bơi dần vào bờ. Được vài phút thì kiệt sức, tui cởi áo ra bịt một đầu lại rồi đập mạnh xuống nước để cho khí vào trong áo làm áo phồng lên, nắm chặt vào để không bị chìm.

Đến khi tui định buông tay thì nghe chân mình dẫm lên cát. Tui đứng dậy thì đúng là đáy biển, chắc chắn gần bờ rồi. Dồn hết sức tui bơi vào tận bờ thì bị ngất lịm đi không biết gì, tỉnh dậy đã thấy mình đang nằm trên giường bệnh...” - ông Dương Văn Khư kể.

Hai người mù đi biển ảnh 2

Ông Lê Văn Hận kể lại chuyện thoát chết trên biển của mình. Ảnh: V.LONG

Cũng câu chuyện đối mặt với tử thần, ông Lê Văn Hận vẫn còn nhớ như in năm 1982, ông cùng với bảy người lên thuyền đi đánh cá thì gặp bão. “Mấy anh em khác cố gắng quay mũi thuyền để vào bờ, vừa mới chạy được một đoạn thì sóng đánh lật thuyền. Khi đó tui chỉ nghe giọng anh Nam hô lớn cố bơi vào bờ đi anh em, rồi sau đó không nghe ai nói gì nữa. Tui bị trôi dạt trên biển khoảng 8 tiếng, khi đuối sức chuẩn bị chìm dần xuống biển thì có chiếc thuyền đánh cá đi qua cứu và đưa tui vào bờ, may mắn những người đi cùng cũng được cứu. Ba tháng liền tui nằm liệt giường không đi lại được...” - ông Hận nói.

Tìm sự sống trên biển

Sau lần ông Hận thoát chết, vợ ông Hận không muốn ông ra khơi mà tìm kiếm một nghề khác làm ăn. Bao đêm nằm suy nghĩ, ông thấy chẳng có nghề nào cho thu nhập cao như nghề đánh cá, giờ nếu đổi nghề thì chắc chắn không đủ ăn. Vì vậy ông tiếp tục ra khơi. “Nhưng lần này tui đưa vợ con vào Bình Thuận. Ở đây biển lặng, những người mù như tui dễ tìm kiếm miếng ăn...”.

ông dồn tiền mua một thuyền thúng cùng với đứa con đầu đi đánh cá về đổi gạo ăn qua ngày. Còn vợ ông thì đan lưới phụ giúp thêm.

Cuộc sống khó khăn, từng đứa con lần lượt ra đời gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền lại đè nặng khiến ông phải đưa vợ con về lại quê hương để theo những chiếc thuyền lớn đi ra Hoàng Sa.

Giờ đây các con đã lớn nhưng những chuyến đi biển của ông cũng không hề giảm. “Vì biển đã cho tui cuộc sống ngày hôm nay, còn sức khỏe là tui còn ra khơi...” - ông tâm sự.

Khác với ông Hận, ông Dương Văn Khư chọn cuộc sống một thân một mình. Hằng ngày ông phải theo những con thuyền ra biển đánh cá kiếm cơm ăn, áo mặc để không dựa dẫm vào ai. “Nhưng giờ già rồi, tui chỉ tham gia đánh gần bờ và kéo lưới với những thanh niên trong làng thôi, được bao nhiêu ăn bấy nhiêu chứ giờ đi xa bờ tuổi già sức yếu không còn đi nổi nữa...” - ông nói.

Lúc chúng tôi trở về, hai ông đang chuẩn bị cho những chuyến đi mới của mình. Ông Dương Văn Khư nói: “Người bình thường làm được, tui cũng phải chứng minh mình không phải là kẻ vô dụng...!”.

NGUYỄN VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm