Hơn cả tình yêu - Bài 1: 30 năm làm chỗ dựa cho chồng

LTS: Có những người âm thầm hy sinh, chấp nhận thiệt thòi suốt cuộc đời để bù đắp cho những mất mát của người lính về từ chiến trường. Cuộc đời những người vợ của thương binh nặng là một bức tranh về tình nghĩa, về đức hy sinh.

Với tâm nguyện “bù đắp cho anh những thiệt thòi mà chiến tranh đã cướp mất”, chị Lê Thị Mịn ở Chân Mộng, Đoan Hùng (Phú Thọ) đã tình nguyện làm vợ anh thương binh nặng Nguyễn Đình Vân.

Lá thư tình vô vọng

Đôi tay gầy guộc, chị Mịn lần giở những lá thư đã loang lổ màu thời gian nhưng từng nét chữ nắn nót vẫn còn hiện lên rõ ràng. Lật đến lá thư thứ năm, chị dừng lại. Đôi mắt ngấn nước, chị nói đó là lá thư mà anh Nguyễn Đình Vân đã gửi cho chị kèm theo lời cầu hôn. Lời cầu hôn của một người thương binh đã bị chiến tranh cướp đi 80% sức khỏe.

Anh Vân vốn người gốc Hải Dương, khi hay tin cha hy sinh ở chiến trường, mẹ anh đã dắt díu con cái lên sinh cơ, lập nghiệp rồi đi thêm bước nữa ở Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ). Không ngờ, chỉ ít lâu sau bố anh lại sừng sững trở về.

Nghịch cảnh do chiến tranh rồi cũng dần nguôi, bố anh cũng tìm cho mình một tổ ấm mới.

17 tuổi, anh Vân đã tình nguyện lên đường nhập ngũ vào năm 1975. Cũng từ đó, anh bặt tin. Phải đến nhiều năm sau người thân mới hay tin anh vẫn còn sống, đang điều trị tại BV 108 với thương tật 80% sau một trận quần nhau với địch để đưa thi hài đồng đội ra khỏi ổ phục kích.

Hơn cả tình yêu - Bài 1: 30 năm làm chỗ dựa cho chồng ảnh 1

Chị Lê Thị Mịn cùng chồng lúc còn sống và cậu con nuôi. Ảnh: VIẾT THỊNH (Chụp lại từ tư liệu gia đình chị Mịn)

Trở về quê khi chỉ còn nửa người cử động, anh Vân tự bó hẹp mình trên chiếc xe lăn. Cuộc sống của anh sẽ vẫn kéo dài như thế, nếu không có ngày anh được gặp chị Mịn khi đó đang là bí thư đoàn và tổ trưởng sản xuất của Xí nghiệp Gạch ngói Phú Yên (tỉnh Hải Dương). “Thời đó, tôi cùng tổ với em Mai (em cùng mẹ khác cha với anh Vân) chị em đều đồng cảnh xa nhà nên thân nhau như ruột thịt” - chị Mịn kể. Trong những đêm hai chị em nằm ngủ cạnh nhau, Mai vẫn thường kể cho chị về hoàn cảnh gia đình mình, về người anh giỏi giang nhưng thiệt thòi trong cuộc sống và hiện đang chịu cảnh thương tật vì chiến tranh. Những câu chuyện như thế cứ đi qua rồi đọng lại trong đầu chị.

Một ngày nọ, chị Mịn nói với Mai muốn được về thăm anh Vân một lần cho biết. Lần đầu tiên gặp gỡ, tình thương của một người có trái tim đa cảm như chị Mịn dường như đã được khơi dậy khi thấy anh Vân ngồi bất động trên chiếc xe lăn, nửa người đã liệt, ngay đến cả việc vệ sinh anh cũng không thể tự làm được mà phải nhờ vào một chiếc ống thông ra từ tuyến bụng.

Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng ấy chính là duyên phận để bắt đầu cho một chuyện tình đầy cảm động và trắc trở. Kể từ sau khi gặp chị Mịn, trái tim của một chàng thanh niên thuở nào tưởng đã bị chôn vùi vì mặc cảm thương tật bỗng dưng trỗi dậy. Dù anh vẫn biết, giữa anh và cô bí thư đoàn hát hay ấy là một khoảng cách rất xa. Nghĩ vậy nhưng vẫn có những động lực vô hình nào đó khiến anh không thể kìm nén tình cảm của mình mãi trong lòng. Những lá thư tình lặng lẽ ấy cứ lần lượt được viết ra nhưng rồi cứ viết xong anh lại giấu ở đầu giường không dám gửi đi. Chỉ đến khi cô em phát hiện ra và nhận làm cầu nối cho anh thì lá thư ấy mới đến được tay chủ nhân. Trong thư, anh Vân luôn dành cho người thương của mình những tên gọi đặc biệt, có lúc anh gọi chị là “người tình cảm nhất thế gian”, có khi là “Hồng Mịn - người thương thầm lặng”…

Chị nói: “Chiến tranh lấy đi của anh ấy đôi chân nhưng tình cảm của anh ấy thì không ai lấy đi được!”.

Đám cưới bất ngờ và nhiều nước mắt

Tình cảm đơn phương của anh thương binh nặng Nguyễn Đình Vân với chị Mịn cứ kéo dài trong vô vọng. Nhưng rồi cái khoảnh khắc không ai ngờ nhất cũng tới. Đó là ngày 8-10-1988, ngày chị Mịn quyết định lên xe hoa với anh Vân, vượt qua bao nhiêu ngăn trở của gia đình.         

Nhớ lại ngày ấy, chị Mịn nói: “Đến tận lúc quyết định về với anh, tôi cũng chưa có với anh một chút gì gọi là tình yêu, tất cả dường như chỉ là tình thương với một người mà những người như tôi phải bù đắp”. Thậm chí, kể cả lúc nhận lời với anh, chị Mịn cũng nói với anh Vân rằng: “Nếu đến ngày cưới, em thay đổi ý định anh cũng đừng buồn nhé”.

Tình huống đó cuối cùng đã không xảy ra nhưng đúng ngày hạnh phúc nhất của anh đã có một việc lấy đi rất nhiều nước mắt của nhiều người. Không hiểu vì sao, người bố dượng của anh Vân lại ra mặt phản đối chị Mịn đến với anh Vân. Nên thay vì đứng lên phát biểu với tư cách đại diện họ nhà trai, người bố dượng ấy đã đưa một người đàn ông thọt chân, thập thễnh bước lên sân khấu như một cách chế giễu cho sự khập khiễng của đôi trẻ trong ngày trọng đại. “Tôi không nhớ hôm đó đã khóc như thế nào nhưng đó là lần đầu tiên trong đời tôi khóc nhiều thế, nước mắt cay xè của sự tủi phận” - chị Mịn nói.

Nghĩa tình còn lại

Trở thành vợ của một thương binh mà cuộc sống chỉ gắn với chiếc xe lăn, với biết bao nhiêu thương tổn còn hằn trong cơ thể chắc chắn là thử thách, là sự hy sinh lớn đối với bất kỳ người phụ nữ nào. Dù đã cố hình dung ra những khó khăn mà mình phải đối mặt nhưng thực tế với chị vẫn khốc liệt hơn trong suy nghĩ của mình.

Mấy chục năm làm vợ anh nhưng chị nào được hưởng đầy đủ quyền làm vợ của mình. Mọi sinh hoạt dù là nhỏ nhất của anh Vân, cũng phải một tay chị cáng đáng. Không còn được làm việc ở nhà máy cũ, chị chuyển hẳn lên Đoan Hùng để tiện bề chăm sóc người chồng kém may mắn của mình. Chị không nhớ nổi, đã bao lần đưa anh đi, đưa anh về trên con đường quen thuộc từ nhà mình đến BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Có những lần chị ở lại hằng tháng để chăm sóc anh. Hình ảnh chị ở bệnh viện quen thuộc đến nỗi nhiều bác sĩ, y tá đã coi chị như người nhà. Những vướng bận lo toan, những đêm thức trắng chăm chồng… đã nhanh chóng cướp đi của chị khuôn mặt thôn nữ, để lại nước da ngăm ngăm.

Không có con, anh chị đón cháu Vũ Đức Giang (con trai của Mai - em gái anh Vân) về cho vui cửa, vui nhà. Nhiều lần thấy vợ vất vả ngược xuôi, hết việc nhà lại tất tả lên viện chăm sóc chồng, có những lúc giúp anh thay quần áo, cả hai đổ vật ra sàn nhà. Lần đó, anh Vân đã đấm thùm thụp vào người mình rồi ôm lấy vợ mà nói: “Anh có tội, vì anh mà em phải khổ, anh đáng chết, đáng chết lắm… chỉ vì anh yêu em quá”. Những lúc đó, chị chỉ biết quay đi nuốt nghẹn từng giọt nước mắt.

Hơn 30 năm chung sống cùng anh trong dưới một mái nhà, chị đã dành hết tất cả tình cảm của mình cho chồng. Nhưng thương tật của anh ngày càng nặng, số tiền trợ cấp thương tật chỉ đủ để cho anh chữa bệnh. Rồi năm ngoái, cái ngày không mong muốn ấy đã cướp anh ra khỏi vòng tay chị. Anh Vân mất đi nhưng câu chuyện đầy cảm động về sự hy sinh của chị để bù đắp cho những thiệt thòi mà anh Vân đã trải qua vẫn mãi còn.

Câu chuyện về sự hy sinh của chị Mịn khiến nhiều người cảm động, nhận chị làm mẹ nuôi. Với họ, chị như một người mẹ hiền, một cô Tấm đã bù đắp một phần vết thương chiến tranh.

Hơn cả tình yêu - Bài 1: 30 năm làm chỗ dựa cho chồng ảnh 2

Chị Mịn và một trong những cô con nuôi cảm kích sự hy sinh của chị. Ảnh: VIẾT THỊNH (Chụp lại từ tư liệu gia đình chị Mịn)

Trong một lá thư gửi chị, em Phạm Thị Trang, Trường THPT Yên Mỗ A, Ninh Bình viết: “Việc làm của cô, sự hy sinh của cô giống như một câu chuyện cổ tích, mà cô là cô Tấm trong câu chuyện đó. Bởi vì cô đang làm thay việc của chúng cháu. Những đứa con được sinh ra sau chiến tranh, nhờ một phần xương máu của những người như chú Vân”.

HỒ VIẾT THỊNH

Mời các bạn đón đọc bài 2: Không quên lời hẹn

Anh giấu bặt tin tức về mình để không phiền lụy người thân. Nhưng tình yêu của một người con gái đã khiến anh trở lại quê nhà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm