Chiều 15-12-1986, ông Nguyễn Văn Nhãn (trưởng trạm thu mua nông sản xã Tân Bình, Phụng Hiệp, Hậu Giang) báo với bí thư Đảng ủy xã thông tin trong số đường người dân chở đến bán nghi có vôi bột. Bí thư xã Tân Bình đã chỉ đạo ông Nguyễn Hoàng Việt (lúc này mới 24 tuổi, ủy viên thư ký thường trực UBND xã Tân Bình) đại diện xã xuống kho của trạm để xem xét tình hình.
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Đến đây, ông Việt mới biết số đường nghi có trộn vôi bột là của gia đình ông do Nguyễn Hoàng Mười (Út Mười, em trai ông Việt) chở đến bán. Ông Việt yêu cầu ông Nhãn lập biên bản số đường này (32 cần xé với trọng lượng mỗi cần xé khoảng 50 kg - PV) và chất riêng một chỗ để chờ lãnh đạo xã đi công tác về họp giải quyết.
Ngay chiều đó, ông Nhãn đã báo vụ việc cho Công an huyện Phụng Hiệp. Út Mười bị công an tạm giữ để làm việc rồi thả ra. Sau đó, ông Việt bị khởi tố về hành vi làm hàng giả, mua bán hàng giả, đến ngày 12-1-1987 thì bị bắt tạm giam vì chủ lò đường - nơi gia công mía thành đường kết tinh khai việc bỏ vôi bột vào đường là do ông Việt yêu cầu.
Ngày 23-1-1987, TAND huyện Phụng Hiệp đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Điều đáng nói là vụ của ông Việt lại được tùy tiện ghép với nhiều trường hợp làm đường kém chất lượng khác để gom thành một vụ án chung. Mặt khác, các cơ quan tố tụng cũng không trưng cầu giám định chất lượng của số đường thu giữ nhưng tòa vẫn phạt ông Việt tổng cộng 18 tháng tù về các tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và làm hàng giả, buôn bán hàng giả, đồng thời tịch thu 32 cần xé đường mất phẩm chất.
Ông Việt liên tục khiếu nại về vụ án của mình nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng. Ảnh: G.TUỆ
Sau đó, ông Việt kháng cáo xin giảm hình phạt và xin lại số đường đã bị tịch thu để bán lấy tiền giúp đỡ gia đình vì hoàn cảnh khó khăn. Đến ngày 23-7-1987, ông được cho tại ngoại chờ xét xử phúc thẩm.
Tháng 12-1988, TAND tỉnh Hậu Giang xử phúc thẩm đã nhận định cấp sơ thẩm kết án các bị cáo, trong đó có ông Việt về tội làm hàng giả và buôn bán hàng giả theo Điều 167 BLHS 1985 là chưa đúng. Mặt khác, việc cấp sơ thẩm gom chung các trường hợp xảy ra ở nhiều nơi khác nhau, thời gian khác nhau, bị cáo khác nhau thành một vụ án là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Từ đó, tòa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại với tội danh khác và xét xử từng vụ việc cụ thể, riêng biệt.
Chuyển xử lý hành chính
Sau khi có bản án phúc thẩm, ông Việt đã nhiều lần liên hệ với các cơ quan tố tụng của huyện Phụng Hiệp yêu cầu đưa vụ việc của ông ra xét xử dứt điểm nhưng không cơ quan nào trả lời.
Tháng 11-1994, sau gần sáu năm kể từ khi có bản án phúc thẩm, Công an huyện Phụng Hiệp mới có quyết định khởi tố ông Việt về hành vi lừa dối khách hàng. Tháng 5-1995, VKS huyện Phụng Hiệp có cáo trạng truy tố ông Việt về tội danh này. Sau đó, không thấy tòa triệu tập xét xử, ông Việt khiếu nại yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ án. Mãi đến hơn hai năm sau (ngày 18-7-1997), ông Việt mới được mời lên Công an xã Tân Bình và được một công an viên giao lại Quyết định số 08 do Viện trưởng VKSND huyện Phụng Hiệp Trần Văn Quang ký ngày 17-7-1997 với nội dung: “Xét thấy hậu quả xảy ra không lớn, mức phạm tội lần đầu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; chuyển xử lý hành chính”.
Ông Việt kể rằng đã không nhận quyết định vì không đồng ý nhưng có ghi ý kiến của mình vào đó là quyết định không rõ ràng, chưa xác thực và đề nghị giải quyết dứt điểm vụ án.
“Tôi khẳng định tôi vô tội. Đường của tôi không mất phẩm chất, tỉ lệ vôi không cao và là loại đường kết tinh tốt không bị hư, bản thân tôi không dùng vị thế của cán bộ xã để ép chủ lò đường như các cơ quan tố tụng địa phương quy kết. Mặt khác, nếu xét thấy hậu quả xảy ra không lớn, hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì tại sao ngay từ đầu không xử lý hành chính mà lại khởi tố, bắt tạm giam, kết án, lôi tôi vào vòng tố tụng hình sự hơn chục năm trời?” - ông Việt bức xúc.
Từ đó đến nay, ông Việt vẫn thường xuyên khiếu nại đề nghị làm sáng tỏ vụ việc của mình nhưng không một cơ quan nào đứng ra giải quyết. Cũng không có một cơ quan nào tiến hành “xử lý hành chính” đối với ông theo Quyết định số 08 của VKS huyện Phụng Hiệp.
Chưa biết cơ quan nào giải quyết khiếu nại
Trao đổi, ông Hà Văn Quang (Viện trưởng VKS huyện Phụng Hiệp) cho biết qua kiểm tra thì năm 2005, khi chia tách huyện Phụng Hiệp (cũ) thành thị xã Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp thì VKS huyện Phụng Hiệp hiện nay không được bàn giao hồ sơ vụ án của ông Việt. Ông Quang đề nghị chúng tôi liên hệ với VKS thị xã Ngã Bảy để hỏi (VKS thị xã Ngã Bảy đã trả lời ông Việt là không lưu hồ sơ, thậm chí không lưu cả Quyết định số 08).
Ông Võ Hoàng Khải (Chánh án TAND huyện Phụng Hiệp) cho biết tòa này từng nhận đơn cùng các giấy tờ kèm theo của ông Việt yêu cầu đòi bồi thường và đã chuyển hồ sơ về TAND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo. “Để giải quyết dứt điểm vụ việc của ông Việt, theo tôi, trước hết phải xem xét có oan hay không, có thuộc trường hợp được bồi thường oan hay không, sau đó cấp tỉnh phải xác định thẩm quyền giải quyết là thuộc địa phương nào. Nếu trách nhiệm thuộc về tòa chúng tôi thì chúng tôi sẽ làm ngay” - ông Khải nói.
Chúng tôi liên hệ với ông Liêng Quang Thắng (Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang) thì được biết tòa tỉnh đã chuyển hồ sơ vụ việc của ông Việt về cho TAND huyện Phụng Hiệp từ đầu tháng 10-2013 để tòa huyện xem xét. Chúng tôi hỏi lại ông Khải thì ông Khải nhìn nhận TAND huyện có nhận hồ sơ do tòa tỉnh chuyển trả nhưng phía tỉnh không cho ý kiến chỉ đạo nên sẽ trao đổi lại với lãnh đạo TAND tỉnh rồi trả lời sau.
UBND tỉnh đã yêu cầu làm rõ đúng sai UBND tỉnh đã nắm thông tin về vụ việc này và yêu cầu các cơ quan chức năng trong đó có tòa án, VKS, công an tiến hành xem xét lại vụ việc để làm rõ đúng sai. Trong vụ việc của ông Việt, điều lấn cấn là thời điểm đó khi xử lý vụ này đã không tiến hành kiểm định chất lượng của số đường được cho là kém chất lượng, trộn nhiều vôi bột. Hiện nay các cơ quan chức năng vẫn đang xem xét và chưa báo cáo lại cho tỉnh. Ông Nguyễn Liên Khoa, |
GIA TUỆ