Khổng Tử: Tránh người chứ không tránh đời

Sau này, nghe Tử Lộ thuật lại câu nói đó, Khổng Tử đã bùi ngùi thốt lên: “Ta không thể sống cùng chim muông. Nếu thiên hạ có đạo thì ta cần sửa nó làm gì?!”.

“Nhu quyền”nhập thế

Làm kẻ sĩ, ai cũng cần phải lo thân. Nhưng lớn hơn nỗi lo đó phải là nỗi lo cho thiên hạ. Khổng Tử là người có nỗi lo này. Mà trong bất cứ thời đại nào cũng vậy, muốn góp sức mình lo cho thiên hạ thì kẻ sĩ gần như chỉ có một con đường duy nhất là phải nhập thế. Và Khổng Tử cũng đã chọn con đường này. Ông không lảng tránh thực tại dù giai đoạn mà ông sống (661-478 trước CN) hoàn toàn không phải là “kỷ nguyên vàng” trong lịch sử Trung Hoa.

Ngay từ trẻ, trong một lần được gặp Lão Tử ở đất Chu, ông đã được bậc đàn anh minh triết và nhân đức tặng cho những lời gan ruột: “Kẻ thông minh và sâu sắc là gần cái chết vì họ khen chê người ta một cách đúng đắn. Kẻ giỏi biện luận, đầu óc sâu rộng làm nguy đến thân mình vì họ nêu lên cái xấu của người khác. Kẻ làm con không có cách gì để giữ mình. Kẻ làm tôi không có cách gì để giữ mình”… Biết vậy nhưng Khổng Tử vẫn dấn thân vào những nẻo đường cát bụi theo cách của riêng mình, lấy “nhu” thuần “cương”...

Lớn lên trong một gia cảnh nghèo khó, chỉ nhờ những nỗ lực tu thân không mệt mỏi mà Khổng Tử mới vươn lên trở thành một danh trí đường thời.  Thông tuệ nhưng ông không bao giờ kiêu căng: “Ta chẳng phải sinh ra đã biết tất cả, là do ưa thích đạo cổ xưa, cần mẫn tìm học hỏi mà nên”. Tự trọng nhưng ông không bao giờ cố chấp. Ông từng nói: “Bá Di, Thúc Tề không nhớ oán giận cũ, nên hiếm người giận họ”. Có lẽ chính nhờ thế nên ông từng được rất nhiều bậc vương giả trọng dụng, hầu như đến đâu ông cũng được vời vào cung cấm để bàn chính sự.

Năm 56 tuổi, ông còn được Lỗ Định Công đưa lên chức tướng quốc… Khi một môn đệ của ông là Tử Cầm đã hỏi bạn đồng môn là Tử Cống về bí quyết khiến Khổng Tử hay được vời vào tham dự chính sự, nhờ “do thầy cầu xin hay do người ta yêu cầu” thì Tử Cống đã lý giải như sau: “Thầy Khổng có đức tính ôn, lương, cung, kiệm, nhường nhịn nên được như vậy. Cách cầu việc của thầy khác với lối xin việc của người khác”.

Gieo hạt nhân nghĩa

Không (không thể) tránh đời không hợp mà chỉ (chỉ có thể) tránh được người không hợp nên Khổng Tử chủ trương truyền bá những tiêu chí nhân văn để thiên hạ ngày một nhiều hơn những người có quyền mà vẫn có đức theo các tiêu chí mà ông suy tôn. Trong cách nhìn của ông, không nhất thiết phải đứng ra cầm quyền mới là làm chính trị vì Kinh Thượng Thư viết rằng: Ta chỉ thực hiện đạo hiếu, sống với anh em. Phổ biến đạo ra khắp chính trường, cũng là làm chính trị rồi, cứ gì phải ra làm chính trị?”.

Theo Khổng Tử, một xã hội lành mạnh phải là nơi mà mỗi người trong chúng ta hành xử theo đúng vị trí đang giữ. Khi Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử  về việc làm chính trị thì phải như thế nào, ông đã đáp:

- Vua phải theo đúng đạo làm vua, tôi phải theo đúng đạo làm tôi, cha phải phải theo đúng đạo làm cha, con phải theo đúng đạo làm con!

Muốn mọi người làm theo đúng phận sự của mình thì người cầm quyền cũng cần phải biết cách sắp xếp mọi người vào đúng chỗ của họ. Khi Lỗ Ai Công hỏi cách làm sao cho dân phục, Khổng Tử đã nêu ra rất ngắn gọn nguyên tắc mà có lẽ ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời nào cũng có thể làm khẩu hiệu của công tác tổ chức cán bộ: “Bổ nhiệm người ngay thẳng trên kẻ ác, ắt dân phục. Xếp kẻ ác trên người ngay thẳng thì dân không phục”.

Theo cách nhìn của ông, trong một xã hội, một quốc gia, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, mọi sự hay hay dở đều chủ yếu phụ thuộc vào cách hành xử của người cầm quyền, của sếp trưởng. Xưa nay, nhà cầm quyền nào cũng cần làm mọi việc để cho xã hội mà mình cai trị được ổn định, vì không an cư thì không thể lạc nghiệp được. Mà muốn xã hội ổn định thì người cầm quyền phải có đức, phải hành xử theo các nguyên tắc đạo đức. Ông nhắc nhủ các quân vương: “Cầm quyền phải có đức, giống như sao Bắc Đẩu ở nơi cố định cho các ngôi sao vây quanh”. Khổng Tử chủ trương nhân trị: “Khổng Tử nói: Lãnh đạo dân bằng pháp luật đều dùng hình phạt, dân có thể tránh được sai phạm nhưng mất lòng tự trọng. Lãnh đạo dân bằng đức độ và lễ khiến người ta biết xấu hổ mà tự cảm hóa”.

Tất nhiên, ở thời hiện đại, chúng ta đều hiểu rằng, nếu chỉ làm theo lời Khổng Tử không thôi thì không chỉ không đủ mà còn dễ khiến xã hội trở nên xộc xệch bởi tâm trạng hoàn toàn có thể “sớm nắng chiều mưa” hay tư lợi của người cầm quyền vì không có những cột mốc vững chãi và nghiêm khắc làm chuẩn mực. Thế nhưng không phải vì thế mà tư tưởng nhân trị lại hoàn toàn bị phá giá vì nói cho cùng, không hướng tới một cứu cánh nhân văn thì mọi nỗ lực xây dựng và phát triển xã hội loài người đều có thể hóa thành lợi bất cập hại.

Nói được làm được

Khi Tử Lộ hỏi về người quân tử, thì Khổng Tử nói: “Tu dưỡng mình kính cẩn”. Tử Lộ lại hỏi tiếp: “Như thế là đủ ư?” thì lời đáp là: “Tu dưỡng mình để làm yên người khác.” Tử Lộ lại lặp lại câu hỏi thứ hai thì Khổng Tử mới nói: “Tu dưỡng bản thân để làm yên trăm họ. Việc này khó đến nỗi vua Nghiêu, vua Thuấn còn khó làm được”.

Với chủ trương hành đạo rồi mới truyền đạo (sách Luận ngữ chép: “Tử Cống hỏi về quân tử. Khổng Tử đáp: Trước hết, thực hành lời mình nói, sau mới nói ra”), nên Khổng Tử trong bất cứ tình huống nào của cuộc đời, dù oái oăm đến mấy, đều luôn giữ được một tinh thần lạc quan. Chủ trương “cầu việc” của ông  giữa thói đời đen bạc thể hiện trong câu nói: “Chẳng lo buồn vì không có địa vị, chỉ lo không có đức tài xứng với địa vị ấy. Không cần lo người khác không hiểu mình, nên lo làm sao có năng lực khiến cho người khác biết mình”.

Thông thường, Khổng Tử luôn giữ thái độ khiêm nhường và không bao giờ quá cáu giận khi những lời khuyên bảo anh minh của ông không được những đối tượng cần tới chúng thực hiện. Nhưng khi đã cầm cờ trong tay thì ông cũng thừa đủ kiên quyết để thực hiện đúng theo những nguyên tắc mà ông đã chủ trương. Được nắm quyền tướng quốc của nước Lỗ, Khổng Tử thực sự góp phần làm cho tình hình ở đây thay đổi một cách căn bản.

Mặc dù là người nhân nghĩa nhưng ông cũng không ngại ra lệnh giết quan đại phu mắc tội làm rối loạn chính sự nước Lỗ là Thiếu Chính Mão. Những biện pháp cai quản đất nước nghiêm túc của ông đã mau chóng dẫn tới kết quả nhỡn tiền. Sách Sử ký của Tư Mã Thiên kể: “Sau khi (Khổng Tử) tham dự chính quyền trong nước ba tháng, những người bán cừu bán lợn trong nước không dám bán thách, con trai con gái ở trên đường đi theo hai phía khác nhau, trên đường không nhặt của rơi. Những người khách ở bốn phương đến thành ấp không cần phải nhờ đến các quan, bởi vì người ta đều xem họ như người trong nhà…”.

Người trước, mình sau

Khổng Tử đã tổng hợp lại rất nhiều quy tắc dành cho các bậc quân tử, tức là hình mẫu mà cả người trên lẫn người dưới trong xã hội đều muốn noi theo hoặc trở thành người quân tử. Khổng Tử luôn đặt vai trò người quân tử trong xã hội lên vị trí chủ đạo, coi đây là động lực phát triển chính yếu của sự phát triển. Hình mẫu bậc quân tử trong cách nhìn của ông như sau: “Quân tử ăn không cầu no, chỗ ở không cầu an toàn quá mức, làm việc minh mẫn mà lời nói thận trọng, là kẻ có đạo chính đáng, có thể gọi là người hiếu học”. Tử Cống hỏi: “Nghèo khổ mà không nịnh bợ, giàu có mà không kiêu ngạo, như vậy được chưa?”, Khổng Tử đáp: “Như vậy là được, nhưng không bằng nghèo mà lạc quan, giàu mà chuộng học lễ nghĩa”. Cũng phải nói rằng, Khổng Tử không bao giờ chủ trương học vẹt, mà ông luôn đề cao cách học có suy nghĩ. Ông nói: “Học mà không suy nghĩ sẽ trở nên rối rắm, chỉ suy nghĩ mà không học sẽ rất mỏi mệt”. Ông cũng từng nói với môn đệ tên là Tử Hạ: “Ngươi nên trở thành học trò quân tử, không nên trở thành học trò tiểu nhân”. Ông cũng nói: “Đức hạnh mà không tu dưỡng, học không giảng giải, thấy việc nghĩa không làm, mắc điều sai không chịu sửa chữa, đó là những nỗi lo của ta”.

Khổng Tử có cách nhìn rất chuẩn mực về lối sống lành mạnh của người quân tử: “Quân tử nói năng chậm rãi, thực hành thì nhanh nhẹn”.

Theo ông, bậc quân tử luôn phải biết phê bình và tự phê bình khi đặt mình trước những kẻ tiểu nhân: “Người quân tử chỉ biết điều nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết điều lợi… Quân tử nghĩ đến đạo đức, tiểu nhân nghĩ đến đất đai… Quân tử coi trọng hình thức phép tắc, tiểu nhân chỉ mong ân huệ…”. Và trước cả người hiền: “Nhìn thấy người hiền thì noi theo, thấy kẻ không hiền thì xem xét lại mình”. Ông chủ trương: “Quân tử không cần tranh đua, có thể tranh đua khi bắn cung thôi. Vái chào khi bước lên bắn, xong ngồi uống rượu nâng chén mừng nhau - đó mới chính là lối tranh đua của quân tử”.

Khổng Tử nhân ái nhưng không phải là người dễ dãi với cái xấu. Tử Cống hỏi: “Người quân tử có ghét ai không?”, Khổng Tử nói: “Có ghét. Ghét kẻ đi nói xấu người khác, ghét cấp dười gièm pha cấp trên, ghét người dũng mà không giữ lễ, ghét người quả quyết mà không thông hiểu lý lẽ…”. Còn môn đệ Tử Cống thì lại ghét “kẻ hay rình mò người khác mà tự nhận người trí, ghét kẻ thiếu khiêm tốn mà nhận mình là dũng, ghét người bới móc chuyện riêng tư người khác mà tự nhận mình là liêm…”.

Khổng Tử là bậc quân tử không chỉ của một thời mà của muôn đời. Có điều, khi tóc ngả màu sương thì câu hát quen thuộc của ông vẫn là: “Miệng của đàn bà kia có thể làm cho ta bỏ chạy/ Những người đàn bà kia đến thăm có thể làm cho nước mất nhà tan/ Ta đi lang thang phiêu bạt cho đến hết đời”. Âu đó cũng là số phận thường gặp của những bậc hiền triết.

Theo Lưu Hùng Văn (ANTG cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm