Kiện lao động tập thể, tòa nào thụ lý?

aHơn 300 công nhân ủy quyền cho Ban Chấp hành Công đoàn khởi kiện công ty đòi hơn 5,6 tỉ đồng tiền lương... Tòa tỉnh đẩy xuống tòa huyện, tòa huyện trả về tòa tỉnh, hai tòa cứ chỉ qua chỉ lại, không thống nhất được về thẩm quyền thụ lý...

Từ năm 2009 đến tháng 4-2011, Công ty TNHH Sao Đại Hùng, trụ sở tại Khu công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa (hiện đang tạm ngưng hoạt động, chờ tiến hành thủ tục phá sản) đã nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn… của hơn 300 công nhân.

Nhiều lần yêu cầu nhưng lãnh đạo công ty không giải quyết, hơn 300 công nhân này đã ủy quyền cho Ban Chấp hành Công đoàn công ty này khởi kiện yêu cầu công ty phải thanh toán các khoản tổng cộng hơn 5,6 tỉ đồng.

Chỉ qua, đá lại

Đầu tiên, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty Sao Đại Hùng nộp đơn khởi kiện ra TAND huyện Cam Lâm (nơi Công ty Sao Đại Hùng đặt trụ sở). Nhận đơn, TAND huyện Cam Lâm cho rằng đây là một vụ kiện lao động tập thể, thẩm quyền giải quyết thuộc TAND tỉnh Khánh Hòa. Vì vậy, TAND huyện Cam Lâm đã hướng dẫn Ban Chấp hành Công đoàn khởi kiện ra TAND tỉnh.

Kiện lao động tập thể, tòa nào thụ lý? ảnh 1

Tháng 4-2011, Ban Chấp hành Công đoàn nộp đơn khởi kiện ra TAND tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, sau đó TAND tỉnh Khánh Hòa có thông báo chuyển đơn kiện này xuống TAND huyện Cam Lâm để thụ lý, giải quyết. Theo TAND tỉnh, đây chỉ là tranh chấp dân sự giữa người sử dụng lao động với người lao động nên thẩm quyền giải quyết thuộc TAND huyện Cam Lâm.

TAND huyện Cam Lâm vẫn giữ nguyên quan điểm rằng đây là vụ kiện lao động tập thể, không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình nên từ chối thụ lý. Tháng 4-2012, Ban Chấp hành Công đoàn tiếp tục gửi đơn khởi kiện Công ty Sao Đại Hùng ra TAND tỉnh Khánh Hòa. Một lần nữa, TAND tỉnh nhận định đây chỉ là tranh chấp cá nhân người lao động với chủ sử dụng lao động nên chuyển đơn xuống cho TAND huyện Cam Lâm...

Sau khi có văn bản trao đổi xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ của TAND tỉnh, gần đây TAND huyện Cam Lâm đã lần lượt thụ lý từng đơn kiện riêng lẻ của các công nhân (cho đến nay là gần 200 trường hợp).

Kiện tập thể: Thẩm quyền thuộc tòa tỉnh

Về mặt thẩm quyền xét xử, TS Lê Thị Thúy Hương (Trưởng bộ môn Luật lao động ĐH Luật TP.HCM) cho biết hiện nay Công ty Sao Đại Hùng mới chỉ đang tạm ngưng hoạt động chờ tiến hành thủ tục phá sản chứ chưa có quyết định cho phép chấm dứt hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, tranh chấp giữa công ty với công nhân trong trường hợp tập thể công nhân ủy quyền cho Ban Chấp hành Công đoàn khởi kiện về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… theo quy định là tranh chấp lao động tập thể về quyền.

Thẩm quyền, thủ tục, trình tự để giải quyết dạng tranh chấp lao động tập thể về quyền này được quy định tại Mục III Bộ luật Lao động (sửa đổi, bổ sung năm 2006). Theo đó, tranh chấp phải được đưa ra hòa giải tại Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động.

Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn giải quyết thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Nếu sau khi chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết mà các bên vẫn còn tranh chấp thì mỗi bên có quyền yêu cầu TAND giải quyết hoặc tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.

Sau khi tiến hành các thủ tục tiền tố tụng như trên, căn cứ vào quy định tại điểm a khoản 1 Điều 34 BLTTDS thì TAND tỉnh Khánh Hòa chính là nơi có thẩm quyền giải quyết tiếp vụ kiện này.

Tuy nhiên, trong trường hợp các công nhân không ủy quyền cho Ban Chấp hành Công đoàn nữa mà tự đứng ra khởi kiện như gần đây thì theo quy định, thẩm quyền xét xử lại thuộc về TAND huyện Cam Lâm.

Vụ kiện càng kéo dài, công nhân càng thiệt thòi

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong (đơn vị quản lý Khu công nghiệp Suối Dầu) nhìn nhận vụ kiện này càng bị kéo dài thì các công nhân sẽ càng bị thiệt thòi. Bởi lẽ qua xác định, hiện giá trị tài sản đăng ký của Công ty Sao Đại Hùng là 80 tỉ đồng, còn theo báo cáo, công ty đang nợ 40 tỉ đồng. Mới đây Công ty Sao Đại Hùng cũng đã bị nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài gửi đơn khởi kiện ra tòa đòi nợ hàng chục tỉ đồng.

Ngày 1-3, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã có công văn gửi UBND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ hiện vụ án đang bị kéo dài, chưa biết thời gian cụ thể giải quyết dứt điểm khiếu kiện của người lao động. Vì vậy, Ban quản lý kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh - với tư cách là chủ tịch Hội đồng thi hành án của tỉnh - ra quyết định ưu tiên trích một phần số tiền từ việc bán tài sản thi hành án của Công ty Sao Đại Hùng, tương ứng với số nợ lương hiện nay của công ty để giải quyết lương, bảo hiểm xã hội… cho người lao động. Đây là việc làm cần thiết nhằm phòng ngừa việc xét xử vụ kiện này diễn ra chậm hơn các vụ kiện khác thì số tiền bán tài sản của Công ty Sao Đại Hùng sẽ được sử dụng hết, không còn để trả lương, bảo hiểm xã hội… cho các công nhân.

LÊ XUÂN - HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm