Ly hôn vì lệch pha

Người chồng có bằng thạc sĩ, làm luật sư và là giảng viên ở trường đại học, còn chị là một công nhân. Trước khi thành vợ chồng, hai người có thời gian hai năm tìm hiểu nhau. Và để cưới chị làm vợ, anh bất chấp sự phản đối của gia đình. Nhưng rồi sống với nhau một thời gian, khi đã có một con chung, người chồng bảo mình không tìm được sự chia sẻ của vợ trong công việc nên quyết định ly hôn để giải thoát cho mình. Còn chị thì vì con nên không muốn ly hôn, cố níu kéo chồng.

Trước tòa, người chồng kể chị không biết chăm sóc cho bản thân và cho gia đình; là phụ nữ mà không biết mua quần áo đẹp mặc, lại chẳng chịu tắm rửa; nhà cửa lúc nào cũng bề bộn, quần áo vứt lung tung, tủ lạnh thì chất vô số đồ ăn, đáng lẽ vất đi cũng bỏ vào…

“Con bẩn tôi có thể tắm cho nó, nhà bẩn tôi sẽ quét, cái bếp, cái tủ lạnh bẩn tôi có thể lau chùi, quần áo vất lung tung tôi có thể xếp gọn và mang đi giặt… Nhưng tôi chỉ làm một lần, hai lần, không thể làm mãi. Tắm và giặt cho cô ấy cũng thế, tôi không làm được. Tôi là một người đàn ông, đi làm kiếm tiền lo cho vợ con chứ không phải đi làm mấy chuyện lặt vặt như thế” - người chồng nói.

Tòa nói những chuyện đó chị có thể sửa được. Người chồng đáp lại: “Tôi góp ý rồi nói chị gái nhắc khéo nhưng cô ấy vẫn thế, chẳng chịu thay đổi. Cô ấy học thấp nhưng dọn dẹp nhà cửa, ăn mặc đẹp thì đâu cần học! Tôi cũng đã lên mạng lấy những thông tin về cách ứng xử, cách làm vợ, làm mẹ, kiến thức về nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… in ra cho cô ấy đọc, cô ấy vứt một góc. Có những lúc tôi điên lên, định đánh vợ nhưng kiềm chế được”. Quay sang vợ, người chồng tiếp: “Anh đi làm, đưa tiền, em để đâu hết mà không nỡ mua bộ quần áo mà mặc. Anh đã khuyên em như thế nào?…”.

Vì muốn níu kéo chồng, chị vừa khóc vừa nói: “Em sẽ sửa, sẽ cố gắng sống tốt hơn, chỉ mong anh vì con mà nghĩ lại!”. Chồng: “Sao cô ra tòa lúc nào cũng khóc thế? Tôi có thể chấp nhận một người vợ học thấp nhưng không thể chấp nhận một người vợ không có nhận thức! Nhà, xe tôi đã giao hết cho cô để ra đi tay trắng, cô còn đòi gì nữa?”.

Chị nghẹn ngào: “Tôi đi làm công nhân lương chỉ 3-4 triệu đồng/tháng mà phải lo ăn uống cho cả gia đình, quần áo, sữa, thuốc men… cho con, tháng nào cũng 6-7 triệu đồng. Tiền không đủ, tôi phải đi vay mượn nên đâu dám mặc đẹp như người khác. Còn anh, làm được bao nhiêu tiền đâu có đưa cho vợ”.

Rồi chị kể do đi làm công nhân từ sáng đến tối mịt mới về, có hôm còn tăng ca nữa nhưng về nhà chị vẫn cơm bưng nước rót cho anh. Nhà cửa bẩn chị cũng lau, áo quần anh chị cũng giặt, cơm ngày nào cũng nấu nhưng chẳng khi nào anh về ăn.

Chồng: “Sao cô ngu thế! Là người thì phải biết làm chủ được mình chứ! Cô cứ như thế thì sao tôi chịu được. Tôi đi làm cả ngày đã mệt mỏi, về đến nhà muốn tìm được sự đồng cảm, chia sẻ, cô có làm được không?”.

Chị đáp: “Lúc còn yêu, tôi đã nói rồi, anh hãy chọn cho mình một người có học thức cao mà lấy mới xứng. Anh không nghe giờ lại chê vợ học thấp, không có nhận thức và ăn ở bẩn. Thời gian qua, vì nghĩ đến con, tôi đã chịu đựng rất nhiều…”.

Tòa khuyên rằng anh chị hãy nghĩ đến con mà bỏ qua, thông cảm cho nhau. Bởi những lý do cả anh và chị đưa ra không đến mức phải ly hôn…

Người chồng: “Tôi là một thằng đàn ông, là một luật sư và là một giảng viên, tôi thích cưới vợ là cưới, còn không thích nữa thì ly hôn. Không ai có thể ép tôi hết!”.

Sau cùng, TAND TP.HCM đồng tình với quan điểm của VKS, chấp nhận kháng cáo của người chồng, sửa bản án sơ thẩm tuyên chấp nhận đơn ly hôn của người chồng, giao con cho chị nuôi, mỗi tháng chồng phải cấp dưỡng 4 triệu đồng tiền nuôi con. Bởi theo tòa, quá trình sống chung vợ chồng đã không có sự hòa hợp, không có tiếng nói chung trong cuộc sống và hiện nay không còn sống chung nên ly hôn là hợp lý.

NGỌC THÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm