Mậu Thân 1968 - 45 năm nhìn lại - Bài 4: Đòn tấn công bất ngờ, táo bạo (*)

Sách giáo khoa của Học viện Quân sự West Point (Mỹ) đã viết như thế.

Đêm 29 rạng ngày 30-1, thời khắc lịch sử của giao thừa tết Mậu Thân 1968, trên các đô thị ở bờ nam vĩ tuyến 17, suốt từ Quảng Trị đến Cà Mau rung chuyển vì cuộc tổng công kích đồng loạt của quân giải phóng. Các lực lượng vũ trang đã bất ngờ tấn công vào 5/6 thành phố lớn, 37 thị xã, 64 thị trấn, quận lỵ trên toàn miền Nam.

Đồng loạt nổ súng

Theo kế hoạch, giờ nổ súng (giờ G) trên toàn miền Nam là 2 giờ đêm giao thừa nhưng miền Bắc thay đổi lịch (trong đó tháng Chạp âm lịch chỉ có 29 ngày), đón tết Mậu Thân sớm một ngày so với lịch ở miền Nam. Do đó mới có sự chuệch choạc trong việc chấp hành ngày, giờ diễn ra cuộc tổng tấn công đồng loạt. Kết quả là các lực lượng vũ trang khu V và Tây Nguyên nổ súng sớm theo lịch mới, mở đầu từ Khánh Hòa, thị xã Tuy Hòa (Phú Yên), tiếp đến là thị trấn Tân Cảnh - Kon Tum, thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)...

Một ngày sau, đêm giao thừa theo lịch miền Nam, khi hiệu lệnh tổng tấn công được mở đầu bằng lời thơ chúc tết của chủ tịch Hồ Chí Minh, các đô thị còn lại đồng loạt tấn công và nổi dậy, từ Sài Gòn-Gia Định, Huế, Kiến Tường, Định Tường đến Bình Dương, Kiên Giang... Riêng TP Đà Nẵng, một trong ba trọng điểm, không nổ súng vì kế hoạch bị lộ ngay trước giờ G.

Mậu Thân 1968 - 45 năm nhìn lại - Bài 4: Đòn tấn công bất ngờ, táo bạo (*) ảnh 1

Quân Mỹ đang tải thương sau khi ta tấn công vào tòa đại sứ vào đêm giao thừa Mậu Thân 1968. Ảnh: TƯ LIỆU

Vì là đòn tấn công chiến lược rộng lớn và đồng loạt, sử dụng yếu tố bất ngờ nên kế hoạch được giữ tuyệt mật, ngay sát giờ nổ súng mới được phổ biến. Khi được hỏi về sự kiện Mậu Thân 1968, ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, nguyên Thành ủy viên năm 1968, chia sẻ: “Cảm nhận khái quát nhất đối với Mậu Thân thì thằng địch bất ngờ. Nhưng mà ta là những người trong cuộc cũng bất ngờ”. Đại tá Nguyễn Văn Tòng (Sáu Tòng), nguyên Chính ủy Sư đoàn 9 chủ lực Miền, bồi hồi nhớ lại: “Thư động viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tôi bỏ trong cặp, tới vùng ven mới đánh máy gửi cho đơn vị trước giờ G độ chừng 1 tiếng để anh em đọc”.

Cuộc tổng tấn công đồng loạt và táo bạo của quân giải phóng đã khiến phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) bất ngờ hoàn toàn và không kịp phản ứng. Ông Nguyễn Văn Binh, Quận trưởng quận Gò Vấp - chế độ VNCH, không thể nào quên tiếng điện thoại reo liên hồi trong ngày đầu năm mới. “Tôi có bảy xã, cùng một lúc các tiểu đoàn của tôi báo về đồng loạt bị tấn công hết, mà bị nặng nhất là khu vực Thị Nghè” - ông Binh nói.

Một cuốn sách giáo khoa về lịch sử quân sự in năm 1969 và được các học viên Học viện Quân sự West Point (Mỹ) sử dụng trong việc nghiên cứu chiến tranh Việt Nam, đã viết: “Điều đầu tiên cần nói về cuộc tổng tiến công là tình báo của đồng minh đã thất bại ngang với trận Trân Châu cảng năm 1941 và trận tiến công Ardennes năm 1944. Bắc Việt Nam đã giành được sự bất ngờ hoàn toàn”.

Lực lượng xung kích

Trong Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Sài Gòn-Gia Định được xác định là chiến trường trọng điểm của trọng điểm, nơi có các mục tiêu quan trọng mà bằng bất cứ giá nào ta cũng phải đánh, để đánh thẳng vào ý chí xâm lược của kẻ thù. Nhiệm vụ xung kích, tiên phong được giao cho các chiến sĩ lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định.

Cố Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) từng nói: “Đầu tiên là dùng lực lượng xung kích (biệt động) chiếm lĩnh các mục tiêu. Sau biệt động tới thanh niên, sinh viên để hỗ trợ, trang bị súng cho biệt động giữ mục tiêu. Mục tiêu đây là cửa mở, chiếm cửa mở để đại quân (bấy giờ dùng đại quân nhưng sau này không đúng), các tiểu đoàn mũi nhọn tiếp ứng, vào chiếm hẳn mục tiêu”.

Đúng giờ G, các chiến sĩ biệt động đồng loạt tấn công vào năm mục tiêu chiến lược quan trọng. Đội 3 đánh Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn. Đội 4 đánh chiếm đài phát thanh. Đội 5 đánh Dinh Độc Lập. Đội 6 và 9 đánh Bộ Tổng tham mưu. Đội 11 đánh chiếm Tòa Đại sứ Mỹ. Nhiệm vụ chiếm và giữ cửa mở được lực lượng biệt động Sài Gòn hoàn thành, thậm chí hoàn thành vượt mức thời gian được giao. Thế nhưng vào phút chót, đại quân - các tiểu đoàn mũi nhọn đã không thể xuất hiện để tiếp ứng. Khi buộc phải đơn thương độc mã chiến đấu giữa vòng vây kẻ thù đông hơn gấp bội lần thì sự hy sinh của họ dường như là một tất yếu. 88 chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu thì có đến 56 người đã hy sinh, số ít còn lại hầu hết đều rơi vào tay giặc và bị đày ra Côn Đảo.

Chiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định đã làm rúng động cả nước Mỹ và lan rộng khắp thế giới. Đặc biệt, với trận đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ, nơi được mệnh danh là trung tâm chỉ đạo chiến tranh chống cộng lại bị chính Việt cộng chiếm đóng. Một hình ảnh vượt xa trí tưởng tượng của thế giới và của công chúng Mỹ.

Năm mũi tấn công Sài Gòn

Ngoài các mục tiêu trọng điểm trong thành phố do lực lượng biệt động Sài Gòn đảm nhiệm, lực lượng do năm phân khu phụ trách, phối hợp tấn công các mục tiêu ở các quận vùng ven, thực hiện kế hoạch bao vây, cô lập Sài Gòn. Lực lượng quân giải phóng ở năm mũi tấn công tương đương với 14 tiểu đoàn. Vòng ngoài là các đơn vị thuộc các Sư đoàn 5, 7, 9 - chủ lực Miền, làm nhiệm vụ chặn đường các lực lượng Mỹ và VNCH về Sài Gòn tiếp ứng.

Do thời gian hành quân gấp rút, địa hình trắc trở, nhiều đơn vị vừa hành quân vừa đánh địch nên phần lớn không kịp thời gian theo đúng kế hoạch. Thêm vào đó, tuyến phòng thủ của địch ở vùng ven khá mạnh nên dù chiến đấu rất anh dũng nhưng hầu hết các tiểu đoàn mũi nhọn và các đơn vị bộ đội địa phương trên năm mũi tấn công vào Sài Gòn đã không thể thực hiện nhiệm vụ tiếp ứng cho lực lượng biệt động đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu trong nội thành. Quân số các tiểu đoàn cũng bị thương vong nặng sau mỗi trận đánh, có tiểu đoàn chỉ còn lại 1/5 đến 1/10 quân số.

Đại tá Nguyễn Văn Triết, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1 Sư đoàn 9, rưng rưng khi nhớ lại ký ức của trận đánh năm xưa. Vào thời điểm đó, đơn vị ông là tiểu đoàn mũi nhọn duy nhất của Sư đoàn 9 được giao đánh chiếm Trung tâm huấn luyện Quang Trung vào đúng giờ G. Ông kể: “Khi đánh mục tiêu này, tiểu đoàn gặp rất nhiều khó khăn vì đây là một mục tiêu lớn, quân số địch rất đông. Trong khi tiểu đoàn lại chỉ có hai đại đội, thiếu một đại đội do phương tiện vận chuyển không đáp ứng được. Dù vậy, khi giờ G đến, toàn đơn vị nhanh chóng tấn công và chiếm lĩnh được mục tiêu. Khi ta đột vào, cùng với trong nội thành cũng đã tấn công thì nó hoảng loạn lên và kéo ra hàng nhưng ta không đủ lực lượng để giải quyết hàng quân này. Nó thấy vậy nên né dần, rút dần rồi tổ chức phản kích lại ta ngay trong đêm…”.

Đại tá Vũ Ba, nguyên cán bộ tham mưu Miền, kể ngày mùng 5 tết Mậu Thân, tại sở chỉ huy cơ bản đóng ở phía sau, Tư lệnh Hoàng Văn Thái không nhận được báo cáo từ chiến trường gửi về. Biết tình hình chiến trường rất căng thẳng và gây cấn, vị tư lệnh liền phái ông xuống chiến trường gặp tướng Trần Văn Trà để báo cáo nguyên văn rằng: “Dựa vào tin tức của các đài phát thanh phương Tây, như anh đã biết, ta có thể đánh giá là bước đầu cơ bản ta đã giành được thắng lợi. Thắng lợi chiến lược quan trọng. Ý nghĩa thắng lợi to lớn đến đâu, hiện giờ ta chưa có thể hình dung được”.

Tháng 1-1968, có 515.000 lính Mỹ, 1 triệu lính VNCH mà Sài Gòn vẫn không được bảo vệ. Tất cả người dân Mỹ đều nhìn thấy hình ảnh tòa đại sứ nằm dưới tầm lửa đạn trên tivi tại phòng khách mọi gia đình. Họ tự hỏi tại sao điều này lại có thể xảy ra. Tổng thống của chúng ta đã tuyên bố chúng ta đang đi đến khúc ngoặt của cuộc chiến và đang chuẩn bị giành thắng lợi đến nơi rồi. Cuộc tấn công tết bộc lộ ra cho người dân Mỹ thấy rằng toàn bộ cuộc chiến này dựa trên cơ sở của một lời dối trá.

Giáo sư sử học Mỹ LARRY BERMAN

Nhiệm vụ của họ là xông vào sứ quán Mỹ. Làm được gì ở bên trong sứ quán không quan trọng, mà mục đích là phải xông vào được nơi đó đánh một đòn tượng trưng cho toàn bộ cuộc tiến công… Họ đã thành công hết sức to lớn.

DAVE RICHARD PALMER (Tiếng kèn gọi quân)

Tuy là một trận đánh nhỏ về số người tham gia nhưng đã kích động mạnh công chúng Mỹ về chính trị và tâm lý: Sứ quán Mỹ, nơi ngọn cờ sao và vạch (chỉ cờ Mỹ - TS) chính thức cắm trên lãnh thổ Việt Nam là điểm tượng trưng cho mọi cố gắng và quyền lực Mỹ làm cho người ta nghĩ rằng các lực lượng cộng sản mạnh hơn nhiều so với mức mà Chính phủ Mỹ mô tả…

DON OBERDORFER (Tet, NXB Doubleday & Company, Inc, Garden City, New York, 1971)

Đạo diễn LÊ PHONG LAN

Ký tới:Tấn công, tấn công liên tục

(*) Tiếp theo trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 2-2 và đón đọc kỳ tới trên số báo Thứ Hai, 4-2-2013.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm