Mê bài bạc tan hoang cửa nhà

1. Trưa một ngày đầu tháng 3 nắng chói chang ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), T. lấy túi lưới chuẩn bị đi lăn hào. Vợ T. ngồi cùng người hàng xóm trước nhà vừa lột ghẹ vừa đong đưa võng ru con ngủ. Bất chợt, T. quay sang bảo vợ đưa cho mình 10 ngàn đồng để đi đánh đề. Gặp lúc nhà khó khăn, vợ T. thật thà bảo rằng hết tiền rồi, số tiền ít ỏi còn lại để mai đóng tiền điện...

Thay vì phải hiểu chuyện thì T. quay sang cự cãi với vợ. Vợ T. cũng bực bội nên đôi co lại với chồng. Trong lúc cãi vã, giằng co, móng tay của người vợ đã làm trầy xước cổ T. Thấy hai vợ chồng xô xát, người hàng xóm vội vàng can ngăn. Vợ T. lại ngồi xuống lột ghẹ, còn T. không chịu đi mà tiếp tục ngồi kế bên lải nhải chửi vợ.

Mê bài bạc tan hoang cửa nhà ảnh 1

Một lúc sau, khi vợ T. chồm người lên đưa võng cho con, cơn nóng bức trong người không hiểu từ đâu trào lên, như bị ma xui quỷ khiến, T. chộp lấy túi lưới bên trong đựng cây búa và vài vật dụng khác vụt mạnh vào đầu vợ. Người hàng xóm vội nhào đến dìu vợ T. vào trong rồi kêu người đưa vợ T. đến bệnh viện khâu vết thương.

Ở đây, thay vì kể hết sự tình cho bác sĩ biết để điều trị đúng hướng thì vợ T. lại bảo rằng làm nhà bị trúng đinh nên hơi đau. Bác sĩ nghe kể cũng chỉ cho thuốc về nhà uống chứ không nghĩ đến chuyện tồi tệ hơn. Đến chiều, sau khi đã về nhà, vợ T. hôn mê, đi cấp cứu thì không còn kịp nữa.

Kết luận giám định cho thấy người vợ chết vì chấn thương sọ não. T. bị bắt rồi bị khởi tố, truy tố về tội giết người.

2. Tại phiên xử sơ thẩm cuối tháng 8 của TAND tỉnh Kiên Giang, chủ tọa đã hỏi khá nhiều điều về tình tiết vụ án. Một điều mà vị thẩm phán này rất bức xúc là đánh vợ xong, thấy vợ bị thương như thế mà T. vẫn không hề có hành động nào cứu giúp, để mặc cho vợ đau đớn, tự đi bệnh viện một mình.

Tòa xót xa: “Dù trước đó bị cáo quá tức giận, không kiềm chế được bản thân, bị cáo tuy không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng thực hiện hành vi nguy hiểm, bị cáo cũng phải giật mình nhìn lại chứ! Nói gì thì nói, bị cáo đã thực hiện hành vi một cách cố ý, cáo trạng truy tố bị cáo về tội giết người là có căn cứ, đúng pháp luật. Hành vi của bị cáo đã gây nên cái chết oan uổng cho vợ, làm cho gia đình lâm vào cảnh đau thương”...

Tuy nhiên, tòa cũng xét thấy bị cáo do nóng giận tức thời, không kiềm chế được bản thân, sau khi phạm tội đã thật thà khai báo, gia đình bị cáo thật sự khó khăn, có ba con nhỏ, trong đó có một cháu chỉ mới một tuổi, rất cần được sự chăm sóc của người cha. Mặt khác, ngay cả gia đình người bị hại cũng tha thiết xin giảm hình phạt cho bị cáo nên cuối cùng tòa chỉ phạt T. năm năm tù. Ngoài ra, do phía nạn nhân không yêu cầu về trách nhiệm bồi thường nên tòa không xét đến.

3. Một gia đình đang êm ấm phút chốc ly tan vì hành vi bạo lực của người chồng, người cha. Người xấu số khuất núi thì đã an bề, còn lại ba đứa trẻ nhỏ vốn đang cần sự thương yêu, chăm sóc của cha mẹ thì giờ đã phải lâm vào cảnh bơ vơ, tang tóc.

Vụ việc của T. chỉ là một trong số rất nhiều vụ bạo hành gia đình mà ngành tòa án phải đưa ra xét xử trong thời gian qua. Hầu hết nạn nhân là người vợ, người mẹ. Dù pháp luật đã có những quy định để xử lý hành vi bạo lực gia đình, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì khởi tố nhưng điều đáng buồn là tệ nạn này vẫn tái diễn.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra những lý do để giải thích như sự bất bình đẳng giới trong xã hội vẫn còn, nhiều phụ nữ lệ thuộc hoàn toàn vào chồng nên cam chịu nhẫn nhục, sự khó khăn về kinh tế, sự thiếu cảm thông trong hôn nhân...

Nhưng có lẽ một nguyên nhân nữa cũng góp phần giúp cho nạn bạo hành gia đình vẫn còn đất sống là sự thờ ơ của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền pháp luật, trong cái tâm lý là “nội bộ gia đình người ta, xen vào làm gì”. Chỉ đến khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra như thương tích nặng, án mạng..., cơ quan chức năng có mặt can thiệp, xử lý thì chuyện cũng đã rồi.

Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, những hành vi sau đây bị xem là hành vi bạo lực gia đình:

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng.

- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

- Cưỡng ép quan hệ tình dục...

Người vi phạm tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chẳng hạn, theo Nghị định 87 ngày 21-11-2001 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình), hành vi ngược đãi, hành hạ thành viên trong gia đình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tiền 200.000-500.000 đồng... Nếu ngược đãi, hành hạ thành viên trong gia đình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, có thể bị xử về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 151 BLHS. Nếu cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, có thể bị xử về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 104 BLHS. Nếu cố ý gây án mạng, có thể bị xử về tội giết người theo Điều 93 BLHS.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng đưa ra những biện pháp xử lý người vi phạm như đưa ra góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Ngoài ra, nếu nạn nhân có đơn yêu cầu, người vi phạm có thể bị chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc với nạn nhân trong thời hạn ba ngày...

GIANG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm