Michelle Obama: Chinh phục người Mỹ và thế giới

Hậu duệ của người nô lệ gốc Phi

Bà Michelle Obama, tên thật là Michelle LaVaughn Robinson, sinh ngày 17-1-1964 tại Chicago, bang Illinois. Ông sơ Jim Robinson của bà là một người nô lệ gốc Phi ở  đồn điền Friendfield bang South Carolina. Ông cố Fraser Robinson, mất một cánh tay, bán báo, làm thợ giày và  công nhân trong một xưởng xẻ gỗ. Ông nội Fraser Robinson Jr. dời nhà từ South Carolina tới Chicago làm công nhân cho Dịch vụ Bưu điện Mỹ.

Michelle Obama: Chinh phục người Mỹ và thế giới ảnh 1

Vợ chồng ông Obama và Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị (giữa)

Những câu chuyện về dòng họ nhà Robinson đang được lưu giữ trong ký ức của bà cô họ chị em chú bác ruột với người ông nội còn sống nhưng đã 80 tuổi. Cha của bà Michelle Obama là ông Fraser Robinson III, công nhân của nhà máy nước thành phố Chicago, đã chết. Mẹ là bà Marian Shields Robinson, một thư ký, đã nghỉ việc để chăm sóc gia đình.

Gia đình bà là một gia đình truyền thống, có đủ cha và mẹ,  rất chú trọng tới việc giáo dục con cái. Cả gia đình cùng ăn cơm, cùng chơi games, cùng đọc sách và chia sẻ với nhau mọi vui buồn.

Trở thành đệ nhất phu nhân

Trong chiếc nôi gia đình êm ấm đó, Michelle đã được  học hành tới nơi tới chốn. Bản thân Michelle nổi tiếng học  giỏi. Bà lấy bằng cử nhân hạng danh dự tại đại học Princeton năm 1985 và bằng tiến sĩ luật tại Trường Luật Harvard năm 1988. Princeton và Harvard là hai trường đại học danh giá nhất nước Mỹ cũng như của thế giới. Hai tấm bằng, kết quả của một quá trình học tập chuyên cần, đã đưa Michelle vào đời với rất nhiều thuận lợi.

Michelle Obama: Chinh phục người Mỹ và thế giới ảnh 2

Bà Michelle Obama với các nữ sinh viên ở London, Anh

Michelle bắt đầu làm việc cho Công ty luật Sidley Austin, chuyên về lãnh vực tiếp thị và sở hữu trí tuệ. Ở đó, Michelle quen ông Barack Obama - cộng tác viên của công ty. Michelle được giao nhiệm vụ làm cố vấn cho ông. Công việc đã nối kết hai người lại. Họ yêu nhau, hẹn hò rồi kết hôn năm 1992.

Công việc cuối cùng của bà trước trước chiến dịch vận động tranh cử của ông Barack Obama là phó chủ tịch phụ trách cộng đồng và đối ngoại của Bệnh viện Đại học Chicago. Lương của bà cao hơn lương thượng nghị sĩ của ông Barack Obama. Theo hồ sơ thuế năm 2006 của hai vợ chồng, lương cửa Michelle Obama là 273.618 USD/năm trong khi lương thượng nghị sĩ của ông Barack Obama là 157.082 USD.

Michelle Obama là vị đệ nhất phu nhân gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ và là đệ nhất phu nhân thứ ba có bằng tiến sĩ sau bà Hillary Clinton và bà Laura Bush.

Giúp chồng thành công

Bà Michelle Obama đã tỏa sáng trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của chồng, được ví như “vũ khí bí mật” của ông Barack Obama. Qua chiến dịch tranh cử, Michelle Obama chứng tỏ tài hùng biện và sức thuyết phục đặc biệt đối với cử tri nữ. Bà tự viết các bài diễn văn và nhiều khi ứng khẩu phát biểu không cần soạn trước.

Michelle Obama: Chinh phục người Mỹ và thế giới ảnh 3

Bà Michelle Obama

Michelle Obama để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng người dân Mỹ qua bài diễn văn đọc trong đêm đầu tiên ở Đại hội toàn quốc đảng Dân Chủ năm 2008. Trong bài diễn văn, Michelle Obama mô tả bà và gia đình bà là hiện thân của giấc mơ Mỹ. Bà nói về hoàn cảnh xuất thân của hai vợ chồng, cho biết hai vợ chồng tin rằng phải làm việc cực nhọc để thực hiện điều mong muốn trong đời. Cả hai cũng tin rằng lời nói là một giao kèo, người ta phải làm những gì đã nói. Bà nói về việc đối xử với người khác với sự tôn trọng, ngay cả khi không biết họ là ai hay ngay cả khi không đồng ý với họ.

Nhiều nhà báo và nhà bình luận chính trị ngợi khen Michelle Obama về bài diễn văn này. Nhà bình luận chính trị Andrew Sullivan nhận xét bài diễn văn là “Một trong số những bài diễn văn hay nhất, cảm động nhất, thân tình, gây phấn khởi, khiêm tốn và rất đẹp mà tôi đã từng nghe tại một diễn đàn hội nghị”. Dù rất bận trong chiến dịch tranh cử, bà vẫn dành thời giờ chăm sóc hai con gái. Những phát biểu của bà đứng trên lập trường của một bà mẹ về vấn đề chủng tộc và giáo dục có sức thu hút cao.

Đêm 4-11-2008, công viên Grand Park ở Chicago có khỏang 125.000 người tụ tập sau khi có kết quả bầu cử.  Ông Barack Obama đã giới thiệu người vợ của mình bằng những lời sau: “Tôi sẽ không thể đứng đây tối nay nếu không có sự giúp đỡ mà không hề than phiền của một người bạn đời trong suốt 16 năm qua. Nàng là nền tảng của gia đình tôi, tình yêu của đời tôi, đệ nhất phu nhân kế tiếp của chúng ta - Michelle Obama”. 

Tấm lòng nhân hậu

Trên cương vị đệ nhất phu nhân của một nước, bà Michelle Obama chứng tỏ sự thanh lịch trong cách ăn mặc. Báo chí Mỹ và châu Âu ra sức gây sự chú ý tới trang phục của bà. Cao trào của sự lăng xê bà Michelle Obama như một biểu tượng thời trang trong giới những người nổi tiếng xảy ra khi bà cùng chồng tới London, vương quốc Anh, nơi tổ chức hội nghị cấp cao G20 vào đầu tháng 4.

Michelle Obama: Chinh phục người Mỹ và thế giới ảnh 4

Bà Michelle Obama phục vụ cơm cho người nghèo

Đây là chuyến ra nước ngoài đầu tiên với tư cách đệ nhất phu nhân Mỹ của bà Michelle Obama. Sự nồng nhiệt săn đón của báo chí và người dân Anh dành cho Michelle Obama đã tạo nên một “cơn sốt”, tương tự như  cơn sốt mà bà Jacqueline Kennedy tạo ra vào năm 1961 khi cùng chồng là Tổng thống John F. Kennedy đến thăm chính thức Paris, thủ đô của nước Pháp. Báo chí cũng so sánh bà với đương kim đệ nhất phu nhân Pháp Carla Bruni Sarkozy vốn là một ca sĩ và là một siêu người mẫu của Pháp, cùng lứa tuổi 40 với bà Michelle Obama.

Tuy nhiên, có vẻ phù hợp hơn với bà Michelle Obama là  so sánh bà với có cố công nương Diana của nước Anh, một người được yêu mến về tấm lòng nhân ái và các hoạt động từ thiện. Là người được giáo dục về lòng nhân ái trong gia đình và không xa lạ với tình cảnh của người nghèo, người bị kỳ thị, bà Michelle Obama tỏ ra ưa thích các hoạt động nhằm xoa dịu những nỗi đau của con người và khuyến khích sự tương thân tương trợ và sự thăng tiến.

Ngày 5-3, bà đã tự tay phục vụ cơm cho người không nhà tại một bếp ăn từ thiện gần Nhà Trắng nhằm kêu gọi người Mỹ thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách trong thời buổi nước Mỹ gặp khủng hoảng kinh tế tài chánh. Tại London, khi đang làm thượng khách, bà đã cùng với đệ nhất phu nhân nước Anh Sarah Brown đến thăm Trung tâm Ung thư Maggie ở thủ đô London với mục đích gây ý thức về việc chữa trị bệnh ung thư.

Chưa đầy một tháng sau khi trở thành đệ nhất phu nhân Mỹ, ngày 2-2-2009, bà Michelle Obama đã tới thăm Bộ Giáo dục Mỹ. Tại đây, bà tâm tình: “Tôi là một sản phẩm của thầy cô giáo. Tôi sẽ không ở đây nếu tôi không được đến trường học, nơi giáo dục tôi nên người”.

Tại Trường ngôn ngữ Elizabeth Garrett Anderson ở London, một trường mà đa số học sinh thuộc các cộng đồng thiểu số, nhiều em có màu da đen giống với màu da của bà. Bà Michelle Obama phát biểu với các em học sinh: “Cuộc đời tôi không có điều gì báo trước rằng tôi sẽ đứng đây với tư cách đệ nhất phu nhân Mỹ gốc Phi đầu tiên. Tôi đã không được nuôi dạy trong sự giàu có... Tôi được nuôi dạy ở South Side của Chicago”.

Tấm lòng nhân hậu, tính cách chân thật của bà Michelle Obama đã chinh phục mọi người khi có dịp tiếp xúc với bà. Báo chí thế giới đã tốn nhiều giấy mực khi nói về cử chỉ thân thiện, hết sức tình cảm  mà Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị đã thể hiện với bà Michelle Obama trong buổi tiệc chiêu đãi tại điện Buckingham vào tối 1-4. Nữ hoàng ôm eo của bà Michelle Obama, một cử chỉ thân thiện mà bà chưa từng bày tỏ với bất cứ ai trong 57 năm ngồi trên ngai vàng.

Đáp lại, bà Michelle Obama đã vòng tay ôm vai Nữ hoàng. Bỏ qua sự bắt bẻ về nghi thức mà báo chí Anh hay phê phán việc chạm vào thân thể của Nữ hoàng là sai nghi lễ hoàng gia, mặc dù điện Buckingham xác nhận đó không phải là một điều cấm kỵ, cử chỉ thân thiện của nữ hoàng bộc lộ tình cảm yêu thích tự nhiên của bà. Dân chúng Mỹ càng thêm hãnh diện về vị đệ nhất phu nhân gốc châu Phi đầu tiên của mình.

NGỌC HƯƠNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm