Nghệ sĩ mù vùng biển

Sống vì câu hát, tiếng đàn

Trong cái không gian cổ xưa của mình, ông vẫn lặng lẽ sống và giữ lại các giá trị âm nhạc truyền thống bằng tình cảm, sự say mê rất tự nhiên. Gia tài quý giá nhất được lưu giữ trong thế giới không ánh sáng của ông là năm loại nhạc cụ: đàn guitare, sáo trúc, đàn cò, kèn, đàn sến. Tiếng đàn ngọt lịm, giọng hát truyền cảm của ông đã làm rung động biết bao trái tim. “Tui sống cũng vì câu hát, tiếng đàn” - ông Dân bộc bạch.

Khi trò chuyện, ông thường tránh nói về mình. Sinh ra, ông đã là người không may mắn. Đôi mắt ông không được thấy ánh sáng như mọi người, nhưng bù lại lòng dạ ông sáng ngời. Năm 11 tuổi, người cha cho ông cây đàn guitare với mong muốn tiếng đàn sẽ xoa dịu bớt nỗi buồn đau, sự mặc cảm cho con. Thực hiện tâm nguyện của cha, ông ngày đêm khổ luyện thành công sáu câu vọng cổ.

Nghệ sĩ mù vùng biển ảnh 1

Nghệ sĩ mù Nguyễn Phúc Dân

Khi ông báo hiếu với cha mình bằng món quà âm nhạc thì cha ông cũng chỉ nghe được vài ngày rồi vĩnh viễn ra đi. Người mẹ tần tảo nuôi ông thêm năm năm nữa rồi cũng về nơi chín suối. Còn lại một mình, ông vươn lên bằng quyết tâm, nghị lực cùng với sự giúp đỡ của bà con láng giềng để sống được đến ngày hôm nay.

Năm 1975, ông là thành viên của đội văn nghệ xã. Thời bấy giờ, phong trào cải lương phát triển khá mạnh. Ông trở thành người soạn giả, biên tập chương trình cho đội. Suốt 10 năm theo đội đi lưu diễn khắp nơi, ông càng có điều kiện trau chuốt để tiếng đàn thêm réo rắt. Nhờ năng khiếu trời cho và vốn kiến thức cơ bản từ sự truyền dạy của người thầy và qua băng đĩa nhạc, tiếng đàn của ông ngày càng trở nên thuần thục, điêu luyện đến không ngờ.

Trái tim nhiệt huyết và sự cần mẫn đã giúp ông dần tiếp thu được những nét đẹp và phần tinh hoa nhất của âm nhạc. Không chỉ có guitare, những thứ âm thanh trầm bổng của tiếng sáo, đàn sến, đàn cò... vẫn chảy mãi như con suối, hòa chung với gió biển, mây ngàn, ngân vang trên khắp vùng biển Phước Thể.

Thần tượng của thanh niên trẻ

Ngoài biệt tài chơi thuần thục năm nhạc cụ, niềm vui lớn nhất của ông là được hát và chơi đờn ca tài tử. Khi ông say sưa hát, chúng tôi cũng say sưa lắng nghe điệu đàn nhịp nhàng, réo rắt đến say lòng. Đôi mắt đục mờ của ông như ánh lên niềm vui.

Người dân Phước Thể, nhất là đám thanh niên, coi ông như thần tượng. Giữa dòng chảy cuồn cuộn của âm nhạc hiện đại, vẫn có nhiều thanh niên ngồi hàng giờ để thưởng thức điệu đàn vọng cổ đầy quyến rũ của ông. “Bây giờ có nhiều người thích ca cổ, một số lại thích tân nhạc. Nhưng khi đến với họ là tôi cống hiến tất cả những hiểu biết của mình” - ông tâm sự.

Ở cái tuổi 53, ông vẫn sống một cuộc đời bình dị, không vợ, không con, một mình nơi căn nhà 30m2 nằm lọt thỏm trong xóm nhỏ. Căn nhà này là tài sản duy nhất cha mẹ ông để lại nhưng đến nay đã hư hỏng rất nhiều, nắng nóng, mưa dột tứ bề. Ông tự nuôi sống mình nhờ sáng kiến thành lập ban nhạc lễ chuyên phục vụ cho đình đám, chùa chiền, ma chay.

Ban nhạc lễ của ông có ba người, phục vụ khắp huyện Tuy Phong, Bắc Bình đến Phan Thiết. Mỗi lần đi lễ, tiền bồi dưỡng cũng được trên dưới một triệu đồng. Xã trợ cấp mỗi tháng 120.000 đồng và cái sổ hộ nghèo. Đình, chùa, miếu thì tặng một ít gạo. Số tiền kiếm được cũng đủ cho ông tằn tiện qua ngày đoạn tháng. “Có gì ăn nấy mà thôi, miễn trời thương để cho tui luôn được đàn, được hát” - ông bộc bạch.

Năm tháng đi qua, nhưng ngọn lửa đam mê âm nhạc vẫn cháy mãi trong tim người nghệ sỹ mù vùng biển.

MINH CHIẾN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 10-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm