Nhờ đòi nợ giúp, huyện phải trả công tiền tỉ

Ngày 30-8, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án sơ thẩm, buộc Huyện ủy cùng UBND huyện Tam Nông (Đồng Tháp) phải trả cho ông Lê Phú Dũng gần 3,6 tỉ đồng tiền hứa thưởng mà hai cơ quan này đã thuê ông đi kiện giúp.

Đòi thù lao đi kiện giúp

Theo đơn kiện của ông Dũng, năm 1993, ông đến đòi nợ huyện Tam Nông vì đã đứng ra bảo lãnh cho một nông trường vay nợ của ông nhưng nông trường không trả. Khi đó, bí thư Huyện ủy bảo ngân sách địa phương đang eo hẹp nên chưa có kinh phí để trả nợ. Tuy nhiên, khi đó có một công ty đang nợ địa phương (tạm gọi là công ty Z). Đây là khoản nợ khó đòi, muốn đòi phải tốn kém thời gian và chi phí mới thắng kiện.

Sau đó, bí thư Huyện ủy và chủ tịch UBND huyện thỏa thuận rằng nếu ông Dũng chịu toàn bộ chi phí kiện tụng để kiện công ty Z, đòi được số nợ trên, huyện sẽ trả thù lao dịch vụ cho ông 50% trên tổng số tiền thu được. Trong trường hợp không thắng kiện, không thu được nợ thì ông Dũng phải chịu chi phí đã bỏ ra.

Ông Dũng đồng ý đứng ra đại diện cho huyện Tam Nông đòi nợ công ty Z. Một năm sau, trọng tài kinh tế nhà nước ra phán quyết buộc công ty Z phải trả cho huyện Tam Nông hơn 7,3 tỉ đồng, đến năm 2008 thì công ty Z trả tiền.

Tuy nhiên, lấy được tiền rồi, huyện Tam Nông lại không thanh toán tiền hứa thưởng cho ông Dũng như thỏa thuận. Vì thế năm 2010, ông đã khởi kiện Huyện ủy cùng UBND huyện Tam Nông ra TAND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu trả số tiền dịch vụ nêu trên, gồm 3,65 tỉ đồng cùng tiền lãi.

Nhờ đòi nợ giúp, huyện phải trả công tiền tỉ ảnh 1

Người đương nhiệm lắc đầu, lãnh đạo cũ thừa nhận

Làm việc với tòa, cả đại diện Huyện ủy lẫn UBND huyện Tam Nông đều phủ nhận có việc nhờ ông Dũng đi kiện giúp và không đồng ý với yêu cầu đòi trả tiền dịch vụ của ông.

Xử sơ thẩm lần đầu, TAND tỉnh Đồng Tháp nhận định yêu cầu khởi kiện của ông Dũng không có căn cứ bởi ông không đưa ra được các giấy tờ chứng minh có sự thỏa thuận dịch vụ đòi nợ đó. Đồng thời, thỏa thuận về dịch vụ đòi nợ trên cũng trái pháp luật, trái với quy định về đối tượng của hợp đồng dịch vụ. Số tiền là rất lớn, thuộc ngân sách nhà nước, các cá nhân đứng ra thỏa thuận với ông Dũng không có quyền hứa thưởng cho ông. Mặt khác, Huyện ủy và UBND huyện là cơ quan, tổ chức nhà nước, không thể có việc thuê mướn người khác đi kiện đòi nợ thay... Tòa xác định giao dịch trên là vô hiệu nên bác yêu cầu của ông Dũng.

Ông Dũng kháng cáo. Tháng 9-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy án, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm xét xử lại. Theo tòa, hai nhân chứng là bí thư Huyện ủy và chủ tịch UBND huyện Tam Nông thời đó (nay đều đã về hưu) cùng có xác nhận là đã thỏa thuận với ông Dũng về hợp đồng dịch vụ đòi nợ. Tuy việc thỏa thuận này không phù hợp pháp luật nên hợp đồng vô hiệu nhưng nếu không xem xét những chi phí có thật mà ông Dũng đã bỏ ra để đi kiện là thiệt thòi cho ông Dũng.

Đã hứa thưởng thì phải thực hiện!

Xử sơ thẩm lần hai hồi tháng 5-2012, TAND tỉnh Đồng Tháp nhận định chi phí thực tế mà ông Dũng đã bỏ ra để đeo đuổi vụ kiện giúp huyện Tam Nông thắng kiện là 80 triệu đồng. Đó là những khoản chi phí tiền xe đi lại, ăn uống, khách sạn (tổng cộng 40 lần, mỗi lần 2 triệu đồng). Từ đó, tòa tuyên Huyện ủy và UBND huyện Tam Nông chỉ phải trả cho ông Dũng 80 triệu đồng, không tính lãi suất.

Ông Dũng lại kháng cáo, cho rằng số tiền mà tòa sơ thẩm buộc Huyện ủy, UBND huyện Tam Nông trả lại như trên là không thỏa đáng. Bởi lẽ hơn 10 năm đeo đuổi vụ kiện giúp này, ông đã tốn rất nhiều công sức. Về chi phí, huyện đã khoán trắng cho ông, giả sử nếu huyện không thu hồi được nợ thì coi như ông mất trắng. Vì thế ông vẫn yêu cầu huyện phải trả cho ông số tiền thưởng như đã hứa.

Tại phiên phúc thẩm lần hai ngày 30-8, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đề nghị huyện Tam Nông có thiện chí hòa giải với ông Dũng nhưng không được. Chủ tọa cũng đã đọc cả lời trần tình của bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Tam Nông thời đó là mong huyện nên trả tiền cho ông Dũng theo thỏa thuận để vừa giữ được uy tín cho Nhà nước, vừa đảm bảo được quyền lợi chính đáng của ông Dũng. Tuy nhiên, đại diện huyện Tam Nông vẫn cương quyết không chịu.

Sau khi nghị án, tòa nhận định: Việc ông Dũng bỏ chi phí, công sức thu hồi giúp tiền nợ cho huyện Tam Nông là có thật. Trong hồ sơ có những văn bản thể hiện có chủ trương của lãnh đạo huyện Tam Nông thời đó về việc thỏa thuận dịch vụ đòi nợ giữa huyện và ông Dũng. Phán quyết của cấp sơ thẩm đã không tôn trọng thỏa thuận của đôi bên, gây thiệt hại cho ông Dũng. Từ đó, tòa cho rằng cần phải sửa án sơ thẩm như đã nêu.

Thỏa thuận không vô hiệu

Theo Điều 590 Bộ luật Dân sự, người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng. Điều lưu ý là việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không bị pháp luật cấm, không trái đạo đức xã hội. Ví dụ, có nhiều việc hứa thưởng trái pháp luật như tặng cho căn nhà không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc tặng một đêm quan hệ với các cô gái làng chơi… thì không được chấp nhận. Trong trường hợp đã hứa thưởng hợp pháp nhưng sau khi xong việc, bên hứa không thực hiện thì bên còn lại có thể khởi kiện ra tòa.

Ở vụ án trên, việc ông Dũng nhận lời giúp lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Tam Nông đi kiện và được hứa thưởng không bị pháp luật cấm và cũng không hề trái đạo đức xã hội. Chúng ta cần phải suy nghĩ thoáng hơn chứ đừng có tâm lý câu nệ rằng cứ là cơ quan quản lý nhà nước thì không được nhờ luật sư hay người khác giúp mình trong việc kiện tụng.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm