Nơi ấy quê nhà: Phượng vĩ

Tôi nhớ hồi còn đi học, có lần tôi bị cô khẻ đến rát tay vì tội rủ các bạn nữ trèo cây phượng bẻ hoa ép bướm. Cô tôi kể: “Cây phượng này không biết đã được trồng từ khi nào. Khi tuổi cô bằng các em, phượng đã trổ hoa. Đến khi cô học xong về làm cô giáo dạy các em thì cây phượng vẫn dịu dàng tỏa sắc. Các em phải biết trân trọng, gìn giữ, đừng trèo leo, chặt phá cây phượng mà làm mất vẻ đẹp của ngôi trường”.

Nơi ấy quê nhà: Phượng vĩ ảnh 1

Phượng vĩ

Cũng như người dân quê tôi, những cây phượng vĩ trong sân trường cũng trải qua bao lần đạn bom, dông bão, thương tích, tật nguyền... Vậy mà khi hè đến, phượng vẫn đỏ hoa, cành lá xanh tươi che mát nhiều khoảng sân. Lũ học trò chúng tôi càng háo hức, bâng khuâng khi nhìn những cây phượng vĩ bắt đầu nở những bông hoa đỏ.

Rồi khi nghe tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ ra chơi, lũ học trò chúng tôi lại rộ lên như chim vỡ tổ, tụm năm, tụm bảy chơi đánh chuyền, nhảy dây, thảy đáo dưới gốc phượng. Các bạn nam thì lang thang tìm những chú cỏ gà để chọi nhau. Các bạn nữ mộng mơ thơ thẩn nhặt hoa phượng ép bướm. Có những bạn nhỏ nhón gót đi trên cỏ non để tìm những chú dế gáy...

Hoa phượng rơi đón mùa thu tới.
Lòng lưu luyến nhớ quá thu ơi.
Nhìn phượng rơi bay vương tóc tôi,
Xác tươi màu pháo vui,
Tiễn em chiều năm ấy.
(Nguyễn Văn Đông)


Nếu có dịp về thăm trường cũ, tôi sẽ đứng dưới những cây phượng già nua đỏ hoa mát rượi để lắng nghe tiếng chim chìa vôi ríu rít chuyền cành. Trên thân những cây phượng vĩ già tội nghiệp chắc còn in dấu câu chữ, cái tên mà chúng tôi đã khắc bừa viết ẩu vì tuổi thơ thiếu ý thức. Lớp sau chồng lớp trước, vậy mà qua bao năm tháng, cây phượng vẫn dịu dàng tỏa bóng, dâng hoa.

Hoa phượng là hoa của mùa hè, là món quà của thiên nhiên ban tặng tuổi thơ. Sau bao ngày bận rộn với công việc, có khi ta quên mất thời gian, không nhớ mùa nào. Nhưng rồi trên đường ra phố, ta bất chợt nhìn thấy màu phượng đỏ và biết hè đã sang mùa.

Sắc phượng hồng như ngọn lửa thắp sáng bao ước mơ hy vọng, thúc giục bao lớp trẻ tiến lên, vững chãi bước vào đời. Xa trường lớp, phượng vĩ mang lại một cảm giác bâng khuâng xao xuyến. Có lẽ vì thế mà đã có biết bao nhạc sĩ viết lên những ca từ thấm đượm nhớ thương.

Khi em quay về thì mùa hè đã xa rồi,
Mùa thu vừa đến trên dấu môi.
Khi em quay về thì người tình đã đi rồi,
Đường qua trường cũ hoa phượng rơi.
(Vũ Đức Sao Biển)

Nơi ấy quê nhà: Phượng vĩ ảnh 2

Phượng ở đồng quê Sài Gòn. Ảnh: TIỂU NGỌC

Có lẽ tôi hơi bao đồng nên hay lo nghĩ. Nếu cứ đốn hết phượng vĩ để trồng mới những giống cây khác, cây sẽ chỉ cho bóng mát chứá không mang ý nghĩa mỹ cảm tinh thần nào. Lẽ nào như thế được chăng? Những loài cây biểu trưng cho hoa đồng nội nở theo mùa như bằng lăng, lộc vừng đã được các nhà trồng hoa kiểng sưu tầm mang về thành thị trồng ở những công viên, đường phố, chăm chút thành bonsai, cây cảnh quý hiếm dành cho những trưởng giả trang hoàng thưởng thức.

Còn phượng vĩ, ô môi, vông đồng thì dần bị mất giống... Tôi chạnh thấy nhớ những giây phút thơ thẩn dưới sân trường nhặt hoa ép bướm. Rồi đây, lớp học trò sẽ không còn những giây phút man mác buồn khi nhìn bóng phượng đỏ một góc sân.

Cây phượng vĩ vốn là bạn thân thiết của tuổi học trò, thời áo trắng. Cho dù trường lớp có được nâng cấp, xây dựng mới hiện đại đến đâu, thì trong mỗi sân trường cũng nên lưu giữ vài cây phượng vĩ. Phượng vĩ tặng cho mọi người những khoảnh khắc đẹp khi nghĩ đến sân trường và ngày xưa thân ái.

BẠCH PHẦN (Phòng PX15 Công an tỉnh Đồng Tháp)

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 6-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm