Viện kiểm sát chỉ nên giám sát phiên tòa dân sự

Mới đây, tổng kết năm năm thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự, TAND Tối cao cho biết vai trò của VKS trong lĩnh vực xét xử dân sự chưa thật sự phát huy hiệu quả. Thực tế xét xử thấy có những việc đơn giản thì VKS lại tham gia, những việc phức tạp thì lại không thấy đại diện VKS.

Nhiều người đã đặt vấn đề cần sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng VKS chỉ nên tham gia những vụ việc phức tạp. Có người lại cho rằng nên quay về quy định như trước khi có Bộ luật Tố tụng dân sự là VKS tham gia tất cả phiên tòa dân sự để đảm bảo tính khách quan trong quá trình xét xử, giảm bớt thiếu sót… Thậm chí có quan điểm là việc dân sự cốt ở đôi bên, VKS không cần phải tham gia vào phiên xử dân sự nữa.

Tôi ủng hộ quan điểm vẫn duy trì quy định như hiện nay bởi VKS tham gia phiên xử dân sự thể hiện chức trách giám sát hoạt động tư pháp. Hơn nữa, nếu chỉ giao cho tòa thu thập chứng cứ rồi lại ngồi xét xử e rằng sẽ không khách quan. Nếu có VKS kiểm sát theo dõi, VKS sẽ nắm bắt được trực tiếp diễn biến phiên xử, nắm sâu hơn vụ việc, từ đó sẽ phát hiện dễ dàng hơn các thiếu sót (nếu có). Việc giám sát qua hồ sơ nhiều lúc khó có thể làm được điều này.

Tuy nhiên, tôi lại đồng ý với quan điểm VKS tham gia phiên tòa chỉ để giám sát chứ không nên phát biểu ý kiến. Dù rằng khi phát biểu, kiểm sát viên rất khách quan, vô tư, giúp cho HĐXX có thêm một góc nhìn nhưng đó không phải là bản chất của việc giám sát. Đó là chưa kể đôi khi quan điểm của kiểm sát viên tham gia phiên tòa và người có thẩm quyền kháng nghị không thống nhất với nhau, tạo sự bất nhất, gây phiền hà, kéo dài việc giải quyết.

Luật sư PHAN THANH SƠN (Đoàn Luật sư tỉnh Dăk Lăk)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm