Xóm Việt kiều lây lất vùng biên - Bài 1: Nghèo vẫn hoàn nghèo

Sau hàng chục năm tha phương mưu sinh bên nước bạn, họ trở về quê hương không một mảnh giấy tùy thân. Họ khát khao một mái nhà để an cư lạc nghiệp, con cháu có cơ hội cắp sách đến trường. Nhưng cuộc sống hiện tại của họ vẫn còn đầy những gian truân,
vất vả...

Chúng tôi đến “xóm Việt kiều” ở ấp Bình Châu, xã Tuyên Bình, Vĩnh Hưng, gần cửa khẩu Bình Hiệp (Mộc Hóa, Long An). 5 giờ chiều, những đứa trẻ mình trần trùng trục cứ quấn lấy chúng tôi để được chụp ảnh và xem ảnh ngay trên máy, rồi cười ré lên thích thú. Cả xóm chỉ thấy duy nhất một căn chòi chuẩn bị ăn cơm chiều, những nhà còn lại vẫn đang bận bịu với mớ lục bình phơi chưa kịp khô ngoài khoảnh đất trống.

Cuộc sống vô gia cư nơi xứ người

Bà Huỳnh Thị Lài, 75 tuổi, kể bà theo cha mẹ sang Campuchia trước năm 1950, sống nơi đất lạ quê người ngót 30 năm. Bà lấy chồng cũng là một Việt kiều, sinh ra bảy người con, cùng nối tiếp cái nghiệp tha phương. Bây giờ tuổi đã xế chiều, không nhớ nổi quê gốc của mình ở tỉnh nào, nên bà cùng con cháu dắt díu nhau về đây...

Giống như bà Lài, hầu hết bà con Việt kiều ở đây đều sống tại vùng Biển Hồ cách thủ đô Phnom Penh không xa. Họ làm nghề giăng câu, chài lưới, buôn bán nhỏ trên thuyền. Cá bắt được nếu nhiều thì đem bán đổi gạo, ít thì chế biến thức ăn cho gia đình. Nhiều xóm Việt kiều trên đất Campuchia sống xúm xít trên ghe thay cho mái nhà che nắng mưa. Chiếc ghe vừa là phương tiện làm ăn vừa là nhà ở của mọi người. Đến mùa thu hoạch lúa, cánh thanh niên trai tráng vào sâu trong đồng làm thuê cho các chủ ruộng, hoặc đi theo thuyền đánh cá thuê trên Biển Hồ…

Anh Nguyễn Văn Đứng (Bảy Đứng), một trong số những hộ dân đang tạm cư tại “xóm Việt kiều” ở xã Hưng Hà (Tân Hưng, Long An), kể: Cả gia đình gồm 10 anh em lớn lên bên Biển Hồ thuộc tỉnh Pursat, theo ba mẹ mưu sinh đủ thứ nghề, nghề chính là đánh bắt cá theo kiểu thủ công. Bảy Đứng nói: “Ở đây ai có vốn kha khá thì nuôi cá bè nhưng không tránh khỏi cái cảnh thiếu hụt vốn phải vay nợ, để rồi cuối cùng phải bán cá rẻ cho các chủ nợ. Xem như mình cong lưng làm, người khác hưởng”.

Thu nhập từ làm lúa và đánh cá thuê chỉ vừa đủ trang trải chi tiêu cho cả gia đình. Vào mùa nước nổi, chính phủ Campuchia cấm đánh bắt cá trên Biển Hồ, vậy là cả gia đình thất nghiệp, thiếu ăn. “Thêm nữa, mình là dân tự do, sống không nhà cửa cố định, không có giấy tờ tùy thân… nên thường xuyên bị chính quyền và những thành phần có thế lực trong vùng làm khó, moi tiền vô tội vạ. Ngồi kiểm lại đời cha mẹ, rồi đến đời mình và các con, vẫn chỉ là con số không, quá buồn tủi!” - Bảy Đứng tâm sự, giọng buồn hiu.

Xóm Việt kiều lây lất vùng biên - Bài 1: Nghèo vẫn hoàn nghèo ảnh 1

“Xóm Việt kiều” ở ấp Bình Châu, xã Tuyên Bình (Vĩnh Hưng, Long An). Ảnh: T.PHÚC

Cuối cùng, bà con lục tục rủ nhau hồi hương trở về Long An bám trụ. Tại ấp Bình Châu (xã Tuyên Bình, Vĩnh Hưng), nhiều căn chòi tạm được bà con Việt kiều dựng lên trên phần đất dành để phân lô bán nền của một người dân địa phương. Nhiều căn chòi cất sát bên mép kênh, có người dựng luôn căn chòi cao lêu nghêu dưới lòng kênh cạn. Đến mùa nước nổi hằng năm, gian chòi của họ dù cao mấy cũng bị nước ngập đến mặt sạp, chông chênh chẳng khác nào những chiếc xuồng khi còn sống trên Biển Hồ Campuchia.

Tương tự, các “xóm Việt kiều” cũng lần lượt mọc lên rải rác ở xã Hưng Hà, Hưng Điền B (huyện Tân Hưng), dọc theo vùng biên giới.

Thất học và đói nghèo

Anh Nguyễn Văn Hưng, anh ruột của Bảy Đứng tiếp lời: “Tụi tui toàn là dân thất học. Nhiều người không biết lấy một chữ tiếng Việt, mặc dù nói chuyện thao thao. Đến đời con, cháu của chúng tôi (sinh ra ở Campuchia), việc học hành cũng bó tay vì cảnh nghèo. Do bà con trở về Việt Nam tạm cư chỉ năm, sáu năm nay, chưa ai có quốc tịch, hộ khẩu… nên chuyện đưa các cháu đến trường vẫn còn trong mơ. Đầu năm học này, nhiều phụ huynh năn nỉ gửi trẻ vào lớp, xin học nhờ cho biết chữ. Có thầy cô thương tình tiếp nhận, để trẻ học ngoài danh sách nhưng cũng có giáo viên từ chối thẳng thừng”.

Nhìn vào danh sách bố trí nền tạm cư cho trên 70 hộ dân Việt kiều hồi hương tại xã Hưng Hà, có rất nhiều bà con không biết chữ, họ ký tên bằng cách gạch dấu thập hoặc viết không trọn vẹn được cái tên của mình. Nhiều đứa trẻ sinh ra từ bên kia biên giới, giờ trở về đây không có giấy khai sinh, dù đang ở độ tuổi 10-12 phải chịu mù chữ. Các cháu đành ở nhà phụ việc mưu sinh giúp ba mẹ như lội đồng mót lúa, mò ốc, lượm ve chai…

Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng ấp Bình Châu, nhẩm tính hiện có hơn 30 trẻ 4-10 tuổi ở xóm Việt kiều tạm cư này. Vào mùa lũ, các cháu đều được chuyển đến điểm giữ trẻ tập trung để hạn chế tai nạn. Hầu như đa số các cháu đều không được đến trường học chữ. Những thiếu niên khác từ 14 đến 16 tuổi cũng không biết chữ, các em thường quá giang xe buýt đi Mộc Hóa làm nghề bán vé số, phụ giúp ba mẹ chạy gạo mỗi ngày.

Các cán bộ Đồn biên phòng Tuyên Bình cho biết đang có kế hoạch mở lớp phổ cập để dạy chữ tiếng Việt cho các trẻ là con, cháu của những hộ dân Việt kiều. Nhưng những người lính lại băn khoăn, vì mấy đứa trẻ mải lo mưu sinh nên ít khi lớp học duy trì đủ số. Trước đây UBND xã Hưng Hà cũng từng mở lớp phổ cập cho trẻ em xóm Việt kiều ở đây nhưng lớp học không tồn tại được bao lâu thì giải tán. Phần vì cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên, phần vì các cháu mải lo kiếm sống, không thiết tha với việc học chữ.

Biển Hồ - Tonle Sap, Campuchia, thuộc địa phận các tỉnh: Prey Veng, Kandan, Siem Reap, Battambang, Pursat và tiếp giáp với TP Phnom Penh. Vào mùa nước nổi, Biển Hồ có diện tích rộng trên 16.000 km2. Đến mùa khô, diện tích thu hẹp còn khoảng 10.000 km2.

Xóm Việt kiều lây lất vùng biên - Bài 1: Nghèo vẫn hoàn nghèo ảnh 2

Người Việt mưu sinh bằng nghề chài lưới trên đất Campuchia. Ảnh: T.PHÚC

Nơi đây, ngoài cư dân bản xứ còn có cộng đồng người Chăm, người Việt sống quần tụ thành những làng nổi. Cư dân Việt tập trung mưu sinh tại Biển Hồ khá đông. Chỉ riêng tỉnh Pursat có trên 1.000 gia đình với khoảng 7.000 nhân khẩu; Siem Riep có trên 360 gia đình với hơn 2.000 nhân khẩu…

TÂM PHÚC

Kỳ tới: Khát vọng đổi đời

Với ước vọng đổi đời ngay trên quê hương, bản quán, bà con Việt kiều mong được Nhà nước quan tâm về chỗ ở, nghề nghiệp, đất đai canh tác và cả chuyện quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm