Mỗi lần gặp gỡ, Ông đều mang lại cho tôi một nguồn cảm hứng mới trong công việc và một chút ấm áp của tình người.
Lắng nghe đầy nghĩa tình
Ông đã gây cho tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Việc Ông tìm mọi cách, đôi khi hết sức mạo hiểm, để bảo lãnh cho một số trí thức miền Nam sau ngày giải phóng ra khỏi các trại giam hoặc lớp cải tạo của ta là một hành động hiếm có của một nhà lãnh đạo chính trị - (xuất thân là) nông dân. Ông đặc biệt quý trọng con người - tri thức với cái tâm trong sáng và một tầm nhìn xa rộng. Chỉ có Ông mới đủ sức thuyết phục những chuyên gia giỏi ở lại với chính quyền cách mạng như Phạm Hoàng Hộ (sinh học), Phạm Bửu Tâm (bác sĩ), Dương Kích Nhưỡng (kinh tế)...
Có ai đó nhắc lại những chuyện này là Ông cười sảng khoái: “Việc gì mình tin chắc là đúng thì cứ làm tới thôi!”.
Với tầm nhìn như thế, với cách làm như thế, ông Sáu Dân đã luôn tập hợp được quanh mình những trí thức thực thụ trong các nhóm, tổ và ban nghiên cứu do Ông lập ra ở TP.HCMvà ở Hà Nội (1). Gần Ông, chúng tôi cảm nhận được điều trăn trở suốt đời của Ông là làm sao để có thể học hỏi được nhiều nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất những tri thức mà Ông thiếu hụt từ thời niên thiếu rồi bước thẳng vào cuộc đời cách mạng quyết liệt không ngừng nghỉ. Cách của Ông là học tập không ngừng ở những chuyên gia giỏi nhất, nhiệt huyết nhất mà Ông có thể mời gọi được. Nếu có những người “học một biết mười” thì một trong số đó có thể là ông Sáu Dân. Bởi chỉ có những người như vậy mới có khả năng nắm bắt cái thần, cái cốt lõi của những vấn đề phức tạp bằng trực giác mẫn tiệp của mình; và trên cơ sở đó đã đưa ra các quyết định táo bạo và chính xác.
Sáng tạo và quyết liệt
Một trong những quyết định sáng suốt ấy liên quan đến việc triển khai thực hiện chủ trương xây dựng đường dây tải điện 500 kV xuyên Bắc Nam. Hiệu quả chính trị - kinh tế - xã hội của dự án đó thì đã rõ nhưng giải pháp kỹ thuật là một vấn đề hết sức khó khăn. Giới khoa học kỹ thuật hồi đó phân làm hai nhóm tranh luận gay gắt. Người khẳng định là không khả thi, người cho rằng có thể làm được. Vào thời điểm quyết định, ông Sáu Dân triệu tập một cuộc họp gồm các cán bộ lãnh đạo và chuyên gia của các bộ ngành có liên quan để thảo luận việc triển khai thực hiện dự án. Vẫn có nhiều ý kiến bàn lùi. Ông Sáu Dân đã nói một cách từ tốn nhưng đanh thép, đại ý: Tôi đến đây để bàn với các đồng chí triển khai thực hiện một chủ trương lớn đã được quyết định. Ai không tán thành chủ trương này thì có thể ra về, ai tán thành thì ở lại bàn bạc với tôi. Sau này có lần Ông phàn nàn với tôi: “Giới khoa học của các cậu nhiều lúc chẳng “ngon lành” tí nào. Cái gì mới cũng có người bàn lui quyết liệt. “Chống” bài bản và quyết liệt nhất là dự án đường dây 500 kV. Mấy ảnh dọa tôi quá chừng: nào là hiệu ứng 1/4 bước sóng (2), nào là các cột điện dựng trên các sườn núi cheo leo không chịu được mưa bão và sấm sét v.v... Tôi lắng nghe nhưng cảm thấy mấy ảnh không có lý bằng mấy người quyết tâm làm; và trong cung cách tranh luận của họ có điều gì đó không đáng tin cậy... Bây giờ cậu thấy đấy, đường dây 500 kV là niềm tự hào của cả nước”.
Gần gũi với nhân dân, Ông luôn hòa nhịp với mạch đập của cuộc sống. Gần gũi với trí thức văn nghệ sĩ, Ông thông cảm với niềm khát khao tự do sáng tạo vị nhân văn. Gần gũi với trí thức khoa học - công nghệ, Ông không ngần ngại tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những ý tưởng mới, những kỹ thuật mới được phát triển. Khoảng cuối năm 2000, sau khi được biết một số ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính ở quận 7, Ông hỏi tôi về việc ứng dụng phần mềm quản lý địa chính WinGIS của Công ty Dolsoft (TP.HCM). Tôi hứa với Ông sẽ tổ chức một cuộc họp để thảo luận về vấn đề này và mời Ông tham dự.
Tại cuộc họp, ngay sau khi tôi đặt vấn đề, một đại diện của Tổng cục Địa chính đứng lên: “Chúng tôi hết sức ngạc nhiên là một vấn đề nhỏ như thế này mà phải làm phiền đến đồng chí cố vấn”... Ông Sáu Dân ôn tồn xin được cắt ngang: “Chính tôi mới là người phải ngạc nhiên là vì sao đồng chí lại cho rằng tôi không nên quan tâm đến những chuyện nhỏ? Và càng ngạc nhiên hơn nữa khi đồng chí coi đây là việc nhỏ. Đây là việc phát triển một công nghệ mới cho toàn ngành của các đồng chí cơ mà!”.
Rất tiếc rằng sau đó, mặc dù Bộ Khoa học - Công nghệ và Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đã cố gắng hết sức nhưng việc đưa phần mềm ấy vào ứng dụng ở trong nước đã không thành. Sau đó, Công ty Dolsoft đã đưa phần mềm WinGIS ra nước ngoài và hiện đang rất thành công ở Mỹ (3)...
Sinh nhật lần thứ 80 của Ông, tôi có hỏi: “Em chỉ mong đến tuổi U90 mà vẫn được minh mẫn và khỏe mạnh như anh bây giờ. Anh có bí quyết gì không?”. Ông vui vẻ nói ngay: “Có đấy! Đối với người trí thức thì sức khỏe tinh thần còn quan trọng hơn sức khỏe thể chất. Muốn có sức khỏe tinh thần thì phải có hai yếu tố quan trọng là làm việc hết sức mình và không bon chen, đố kỵ”...
Mới đấy mà ông Sáu Dân đã vĩnh biệt chúng ta một năm rồi. Thời gian trôi nhanh giục giã chúng ta tiếp tục những ý tưởng và gợi mở của Ông - “người được trí thức nước nhà thương và kính” (4).
CHU HẢO