Ngày 21-12, Tạp chí Cộng sản, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), phối hợp tổ chức hội thảo khoa học bàn giải pháp phát triển TP.HCM theo tinh thần Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.
Tại hội thảo, TS Phan Hải Hồ, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng nhiều cơ chế trong Nghị quyết 98 là vấn đề mới và cực kỳ khó, với khối lượng công việc nhiều, thực hiện trong thời gian gấp gáp nên cần cả hệ thống chính trị đồng lòng, đồng sức.
Theo ông Hồ, TP.HCM không thể ngay lập tức thu hút được nhân tài về TP với số lượng lớn, có chất lượng cao để thực hiện ngay nghị quyết này mà phải sử dụng con người cũ trong chính hệ thống chính trị hiện nay.
“Đây đều là những người giỏi rồi, chất lượng rồi nhưng khi đối diện với khối lượng công việc lớn như thế này, rõ ràng sẽ rất khó khăn. Có thể nói chúng ta là con người cũ nhưng phải làm nhiệm vụ mới” – TS Hồ phân tích.
Bên cạnh đó, TS Hồ cũng nhìn nhận hệ thống thể chế và cách thức vận dụng, áp dụng nghị quyết mới chưa hoàn thiện, còn nhiều vấn đề có độ vênh pháp lý. TS Hồ dẫn chứng mô hình chính quyền đô thị chưa hoàn thiện để đồng bộ với các vấn đề được thí điểm tại Nghị quyết 98.
“Tại sao cán bộ, công chức TP nhiều khi không dám làm vì sợ vi phạm pháp luật. Thực tế hiện nay chưa có các quy định hướng dẫn một cách chi tiết việc cán bộ khi thực hiện cơ chế đặc thù thì có hành lang pháp lý là gì, tôi được làm đến khuôn khổ, mức độ nào, để không vượt quá quy định pháp luật” – TS Hồ dẫn chứng thêm.
Ông cũng nhìn nhận cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ nhân tài hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của TP. Ông dẫn chứng TP có cơ chế tuyển dụng sinh viên xuất sắc với mức lương gấp ba lần nhưng việc này vừa chưa đủ sức thu hút, vừa tạo ra sự ganh tỵ trong chính cơ quan, đơn vị.
Từ đó, TS Phan Hải Hồ đề xuất lãnh đạo TP.HCM giảm bớt các đầu mối công việc để tập trung thực hiện Nghị quyết 31 và Nghị quyết 98. “Chúng ta đang thiếu một phó chủ tịch UBND TP phụ trách riêng mảng này, nếu không có sẽ quá tải” – TS Hồ nói.
Ông cũng đề xuất việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền đô thị, Luật Chuyển đổi số và tổng kết ngay Nghị định 33/2021, để ban hành một nghị định mới hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 98.
Cần tự chủ tương đối về tài chính cho TP Thủ Đức
ThS Nguyễn Nhật Khanh, Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng Nghị quyết 98 giúp chính quyền TP Thủ Đức có thể nới lỏng chiếc áo đang chật của mình.
Ths Khanh đề nghị cần trao cơ chế tự chủ tương đối về tài chính cho TP Thủ Đức.
“Có thực mới vực được đạo, yếu tố tài chính sẽ có vai trò quyết định quan trọng để triển khai các chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức” – ThS Khanh nói và đề nghị UBND TP.HCM phân cấp, uỷ quyền mạnh hơn cho TP Thủ Đức cũng như cho cá nhân chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng sự hài lòng và kêu gọi sự tham gia người dân và doanh nghiệp của vào quản trị địa phương.