Làm sao để cán bộ dám nghĩ, dám làm, lãnh đạo dám quyết?

Làm sao để cán bộ dám nghĩ, dám làm, lãnh đạo dám quyết?

(PLO)- Chia sẻ về vấn đề để cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhiều ý kiến nhìn nhận vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu cán bộ có dám nghĩ, dám làm và người đứng đầu liệu có dám quyết?

Suốt thời gian qua, khi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh thì có thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức mang tâm lý “co lại”, cầm chừng trong xử lý các công việc, không giải quyết, không hồi đáp với những nội dung thuộc thẩm quyền, không dám làm, sợ trách nhiệm.

Điều này đã làm ứ đọng một khối lượng lớn công việc, việc nhiều nhưng không thể “chạy”, gây ra sự đình trệ, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, làm cản trở nguồn lực phát triển của địa phương.

Với một địa phương năng động như TP.HCM, khối lượng công việc lớn luôn cần phải giải quyết nhanh nhạy, rốt ráo thì câu chuyện cán bộ e ngại, thiếu chủ động lại càng nhận được nhiều sự quan tâm.

Làm sao để cán bộ dám nghĩ, dám làm, lãnh đạo dám quyết-pham-phuong-thao
Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo. Ảnh: NGUYỄN HÀ

01. Chia sẻ, lắng nghe và cùng cán bộ gỡ khó

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng cơ chế, chính sách pháp luật ở nhiều lĩnh vực còn chung chung, chồng chéo, sơ hở, dẫn đến cán bộ, công chức khó làm việc, rủi ro công vụ rất lớn.

Theo bà Thảo, có hai nguyên nhân khiến cán bộ ngại, sợ trách nhiệm là chồng chéo về pháp luật và quy định về trách nhiệm không rõ ràng. Vì vậy, bà cho rằng cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật; khắc phục tình trạng chồng chéo, xung đột pháp luật, không rõ trách nhiệm, quyền hạn trong thi hành công vụ. Đi kèm đó là phải hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền rõ ràng, tạo sự chủ động cho cấp dưới, khắc phục cơ chế xin- cho.

“Còn tình trạng ôm việc lên cấp trên rất nhiều, làm sao phải phân cấp phân quyền mạnh mẽ hơn nữa”- bà Phạm Phương Thảo chia sẻ.

Trong đánh giá cán bộ, bà Phạm Phương Thảo nói phải đánh giá qua sản phẩm, công việc, phải thấu đáo, nhìn thấy được trong lúc khó khăn họ xử lý tình hình đó như thế nào. Nâng cao trách nhiệm nêu gương, cán bộ chức vụ càng cao càng phải nêu gương tốt, tránh quy chụp, thiếu lắng nghe cán bộ bên dưới.

Phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực cần khách quan, công bằng nhưng phải nghiêm minh, tránh oan sai, nếu có sai cũng cần làm rõ khâu nào, trách nhiệm thuộc về ai, trong từng công việc được giao.

Còn theo nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, nên luật hoá các chỉ thị, quan điểm, chủ trương về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Với trường hợp cán bộ sợ sai, bà Quyết Tâm nói phải phân tích sâu xem đã giám sát, kiểm tra tận gốc rễ vấn đề hay chưa. Khi cán bộ thụ lý hồ sơ nói vướng thì phải tìm hiểu xem vướng ở chỗ nào. “Cũng phải lắng nghe xem họ có đề xuất sửa đổi theo thực tiễn của TP.HCM để tháo gỡ vấn đề đó hay không”- bà Quyết Tâm nêu quan điểm.

Bà cho rằng, việc này sẽ giúp “chỉ mặt điểm tên” cán bộ nào ngại khó, không làm, lười nghiên cứu các quy định. Người lãnh đạo cũng phải chịu lắng nghe tận cùng vấn đề và có trách nhiệm với từng cán bộ của mình, có như vậy thì trong dám nghĩ, dám làm mới nảy sinh các vấn đề pháp lý cần được sửa đổi, từ đó cùng góp cho Trung ương để điều chỉnh các quy định, tạo hành lang pháp lý một cách công bằng, hợp lý.

nguyen duc thai.jpg
Viện trưởng Viện KSND TP.HCM Nguyễn Đức Thái. Ảnh: SONG MAI

02. Năng động, sáng tạo không có nghĩa là làm những việc ngoài quy định

Ở góc độ cơ quan tư pháp, Viện trưởng Viện KSND TP.HCM Nguyễn Đức Thái chia sẻ vấn đề căn bản nhất để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo chính là công tác cán bộ mà trước hết là ở khâu tuyển dụng, đánh giá, phân công, bổ nhiệm. Phải làm sao để thu hút được nguồn cán bộ chất lượng; bố trí, sử dụng đúng cán bộ với năng lực, sở trường của họ.

Ông Thái cũng cho rằng từ trước đến nay chỉ mới xử lý cán bộ có sai phạm mà chưa quan tâm đúng mức đến xử lý những người không chịu làm, né tránh trách nhiệm. Do đó, cần xác định những cán bộ, công chức không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm là sai phạm và có cơ chế xử lý như thay thế, điều chuyển… thì mới phần nào khắc phục được tình trạng này.

Nêu thực tiễn đơn vị mình, Viện Trưởng Viện KSND TP.HCM nói nơi đây có khối lượng công việc gấp 2 lần bình quân cả nước nhưng nhân sự lại ít. Để công việc “chạy” nhanh thì đòi hỏi đội ngũ phải có sự năng động, sáng tạo.

Tuy nhiên năng động, sáng tạo không phải là làm những việc ngoài khuôn khổ pháp luật mà là phải tìm kiếm phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện mới, hiệu quả. Vì vậy, Viện KSND TP.HCM xác định phải nâng chất lượng đội ngũ cán bộ thông qua đánh giá, bố trí sử dụng đúng, nhất là người đứng đầu.

Chẳng hạn, đối với viện trưởng cấp quận huyện, Viện KSND TP.HCM không bổ nhiệm trực tiếp từ cấp phó lên mà lựa chọn một số Phó Viện trưởng trong quy hoạch để bổ nhiệm phó phòng nghiệp vụ cấp TP. Sau một khoảng thời gian thử thách sẽ lựa chọn nhân sự đáp ứng tốt nhất để bổ nhiệm Viện trưởng cấp quận, huyện. Ngoài ra, ngành kiểm sát TP cũng tăng cường việc điều chuyển lĩnh vực hoặc địa bàn công tác để đào tạo toàn diện cán bộ quản lý và kiểm sát viên…

Về đánh giá vai trò người đứng đầu, Ban Cán sự đảng Viện KSND TP.HCM đã ban hành nghị quyết riêng, trong đó người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu công việc chậm trễ, ách tắc. Đây là tiêu chí quan trọng khi đánh giá và xét thi đua cuối năm.

bi-thu-tp.hcm-nguyen-van-nen
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

03. Cần bộ tiêu chí về sự sáng tạo với từng vị trí

Thực tế, câu chuyện cán bộ sợ trách nhiệm đã được chính quyền TP.HCM nhận diện rõ và có nhiều giải pháp để thúc đẩy đội ngũ.

Thời gian qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã liên tục có những thúc giục, động viên và theo sát đội ngũ của mình để chấn chỉnh quá trình thực thi công vụ, dần tạo sự chuyển động trong hệ thống. Các đơn vị, địa phương của TP cũng đã có quy chế phối hợp trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, tạo sự chủ động trong giải quyết công việc.

Tại cuộc họp bàn về kinh tế trong hai tháng cuối năm gần đây, Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng dẫn lời Bí thư TP.HCM và khẳng định nếu còn chậm trong xử lý công việc, sau khi làm rõ nguyên nhân, xem xét nếu là cố tình thì sẽ tiến hành xử lý kỷ luật, không phê bình nữa.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng nhiều lần động viên đội ngũ và bảo đảm sẽ cùng sát cánh để cán bộ tự tin, mạnh dạn làm việc, nghiêm khắc xử lý những cá nhân đã giao việc nhưng không chịu làm.

Ở góc độ là cơ quan tham mưu, tổ chức bộ máy, biên chế, Sở Nội vụ TP.HCM nhìn nhận cần kịp thời xây dựng cơ chế pháp lý và đề ra các giải pháp khuyến khích đội ngũ dám đột phá.

Một trong những giải pháp đó là phải tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mạnh dạn triển khai ý tưởng, tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo. Hoàn thiện cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút nhân tài, từng bước xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy, cách làm sáng tạo, đột phá.

Trong đánh giá cán bộ phải căn cứ vào hiệu quả hoàn thành các ý tưởng đề xuất, nội dung, sáng kiến, giải pháp đột phá và xem đây là tiêu chí quan trọng trong đánh giá, nhận xét, đề bạt, quy hoạch và bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, khen thưởng vượt trội.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Thành Trung cho biết qua công tác giám sát cho thấy vẫn chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích cán bộ. Đặc biệt là vẫn thiếu các cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp mà quyết định sáng tạo, đột phá có sai sót.

Để động viên cán bộ tự tin dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Thành Trung cho rằng cần xây dựng, ban hành bộ tiêu chí cụ thể về đổi mới, năng động, sáng tạo đối với từng chức vụ lãnh đạo, chức danh nghề nghiệp, từng vị trí cán bộ, công tác.

“Khi có bộ tiêu chí cụ thể sẽ giải phóng được tư tưởng cho các tổ chức đảng, cán bộ để mạnh dạn làm ngay cả khi chứa đựng những yếu tố rủi ro mà không sợ bị truy trách nhiệm một cách phiến diện…” - ông Trung chia sẻ.

ong-nguyen-thanh-trung.jpg
Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Thành Trung. Ảnh: VÕ THƠ

04. Trao đủ, đúng, rõ và thực quyền cho người đứng đầu

Xoay quanh câu chuyện dám nghĩ, dám làm của cán bộ thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng rất quan trọng. Đây cũng là khía cạnh nhận được nhiều ý kiến quan tâm. Bởi, việc quyết định, chấp nhận đổi mới, sáng tạo trong cách làm, cách giải quyết công việc của cán bộ cấp dưới tuỳ thuộc nhiều vào người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Câu hỏi đặt ra là, liệu cán bộ dám nghĩ, dám làm và liệu người đứng đầu có dám quyết?

HĐND TP.HCM cho rằng cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để phát động, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm nhưng đồng thời cũng cần cơ chế để người đứng đầu cũng phải dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP.HCM, cần quy định rõ nội dung đổi mới, sáng tạo nào phải báo cáo cấp trên trước khi triển khai thực hiện, nội dung nào không cần báo cáo.

“Việc trao quyền lực cho tổ chức, cán bộ nào cũng phải đảm bảo “đủ quyền, đúng quyền, rõ quyền, thực quyền” để họ chủ động năng động, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện thẩm quyền của mình, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm” – ông Trung nói.

Đồng tình, Sở Nội vụ TP cũng cho rằng phải kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi lạm quyền, lộng quyền của người đứng đầu trong việc cho chủ trương đối với ý tưởng đổi mới, sáng tạo; lợi dụng việc khuyến khích và bảo vệ để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, dung túng, bao che sai phạm.

Xem xét động cơ của cán bộ trước khi xử lý kỷ luật

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết khi có vấn đề xảy ra liên quan đến cán bộ, TP.HCM luôn xem xét bản chất, động cơ của người cán bộ đó như thế nào.

"Là động cơ vụ lợi, cố ý làm trái hay là năng động, đổi mới sáng tạo… để đưa ra đường lối xét xử thỏa đáng. Khi xét xử đúng người, đúng tội, đúng bản chất vấn đề thì sẽ tạo tác động lan tỏa rất mạnh mẽ"- ông nói và chia sẻ việc xử lý kỷ luật cán bộ của TP.HCM không nóng vội, cũng không chịu bất cứ tác động nào.

Ông cũng khẳng định công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại TP.HCM phải gắn với thực hiện các quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải hết sức công tâm, minh bạch, không máy móc trong xem xét giữa đổi mới, sáng tạo với cố ý làm trái quy định.

Đọc thêm