“Nghị định 73/2023 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã cung cấp cơ sở pháp lý, động viên cán bộ phát huy ý tưởng và hành động sáng tạo. Tuy nhiên cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào tác động của quy định này trong việc hóa giải nỗi sợ sai hay tâm thế đùn đẩy, phòng thủ của một bộ phận cán bộ trong khu vực công” – TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.
Thúc đẩy sự chuyển động của khu vực công
. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sự ra đời của Nghị định 73 vào thời điểm này?
+ TS Nguyễn Văn Đáng: Thời gian gần đây, những biểu hiện “sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết công việc…”, gọi chung là “công quyền trì trệ”, được phản ánh nhiều hơn, xuất hiện không chỉ tại các bộ, ngành, các TP lớn, mà cả các địa phương.
Tình trạng và những hệ lụy tiêu cực của hiện tượng này không chỉ trở thành chủ đề được đề cập và bàn luận nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mà còn được thảo luận khá quyết liệt trên diễn đàn Quốc hội. Thủ tướng cũng từng nhiều lần phát biểu chỉ đạo, ban hành công điện để đốc thúc sự chuyển động của hệ thống cơ quan công quyền nói chung.
Nghị định 73 ra đời trước hết là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống cơ quan Nhà nước theo hướng gia tăng hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy hệ thống các cơ quan công quyền chuyển động nhanh hơn, linh hoạt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, Nghị định 73 đã tạo cơ sở pháp lý để mỗi đơn vị, cá nhân có thể triển khai các ý tưởng và hành động sáng tạo nhằm giải quyết các điểm ách tắc trong thực thi chính sách, góp phần đẩy lùi những biểu hiện “trì trệ công quyền”.
. Vậy hiểu theo Nghị định 73 thì cán bộ sáng tạo, đột phá là như thế nào?
+ Khoản 3, Điều 3 của Nghị định 73 xác định cán bộ dám đột phá là người có ý tưởng, đề xuất hành động để tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương. Như vậy, sáng tạo, đột phá ở đây trước hết là gắn với quá trình thực thi những chính sách đã được ban hành.
Cụ thể hơn, có thể hiểu “sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung” là những ý tưởng và đề xuất hành động khác với các quy định hiện có. Đó là những sáng kiến hành động trong khuôn khổ luật pháp, có thể chưa được quy định trong các văn bản dưới luật, nhằm thúc đẩy quá trình thực thi chính sách, tạo sự chuyển động thông suốt tại từng cơ quan, đơn vị.
Mặc dù chưa phải là giải pháp căn cơ nhưng tôi cho rằng Nghị định 73 ra đời có giá trị trước hết về mặt tâm lý, động viên cán bộ đang làm việc trong các cơ quan nhà nước. Họ cần nỗ lực hơn, sáng tạo hơn nữa để phục vụ đất nước và những đề xuất đổi mới vì lợi ích chung chắc chắn sẽ được bảo vệ.
Tuy vậy, chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào tác động của văn bản này trong việc hóa giải nỗi sợ sai hay tâm thế đùn đẩy, phòng thủ của một bộ phận cán bộ trong khu vực công hiện nay. Bởi để có được hệ thống công quyền năng động, linh hoạt, hiệu lực và hiệu quả thì cần những giải pháp tổng thể hơn trong tiến trình hiện đại hóa khu vực công.
Cân nhắc độ trễ của sự sáng tạo và sinh mệnh chính trị người cán bộ
. Nghị định cũng chỉ rõ yếu tố sáng tạo, đột phá phải hướng đến mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, ông nghĩ thế nào?
+ Những quy định như vậy là hợp lý bởi mọi ý tưởng sáng tạo, đột phá phải xuất phát từ nhu cầu giải quyết những nút thắt, điểm ách tắc đang tồn tại trong thực thi chính sách. Những đề xuất phải cho thấy được những thay đổi tiềm năng về kết quả công việc, tác động tích cực đến cơ quan, đơn vị, cộng đồng, sâu xa hơn là đóng góp giá trị mới. Nói cách khác, đề xuất sáng tạo phải giúp đơn vị giải quyết được những vấn đề nan giải hiện tại, đem lại giá trị và lợi ích mang tính tập thể.
Tuy nhiên, để xác định một việc gì đó là "mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực" hay "tạo được chuyển biến mạnh mẽ" thường không dễ dàng. Bởi điều này luôn có độ trễ, không dễ nhìn thấy ngay trong quá trình thực thi chính sách và cần có sự phân tích, theo dõi, đánh giá chặt chẽ trong suốt quá trình triển khai các đề xuất.
Quy định chặt chẽ về cơ sở xuất phát cho sự sáng tạo, đột phá cùng tác động của nó cũng sẽ có tác dụng răn đe mọi ý đồ lợi dụng, núp danh sáng tạo, đột phá để làm ẩu, phục vụ lợi ích cá nhân, nhóm thiển cận. Nếu xảy ra biểu hiện vụ lợi thì hai quy định nêu trên chính là căn cứ vững chắc để xác định bản chất vụ việc và xử lý trách nhiệm.
Quy định mới tập trung khuyến khích sự sáng tạo, đột phá trong thực thi chính sách tức là những sáng tạo “dưới luật”, chứ không được phép vi phạm pháp luật.
. Trong thực tế, có khi chưa thấy được kết quả của sự dám nghĩ, dám làm thì sinh mệnh chính trị của người cán bộ đó đã được kết luận, thưa ông?
+ Tình huống này có thể xảy ra bởi sáng tạo, đột phá luôn gắn với bối cảnh cụ thể. Về bản chất, đó là việc làm khác so với những quy định hiện hành trong thực thi chính sách. Vì thế, khi bối cảnh thay đổi thì cán bộ thực hiện các đề xuất sáng tạo có thể bị phán xét theo quan điểm khác với khi họ được chấp thuận triển khai.
Tuy nhiên, tôi cho rằng những tình huống như vậy sẽ không phổ biến và không đáng ngại. Khi đã được chấp thuận triển khai tức là cán bộ đã được bảo đảm sự chính danh. Điều quan trọng nhất là họ cần nỗ lực thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra, luôn giữ vững ý thức phụng sự lợi ích chung, tuyệt đối không được phép nảy sinh ham muốn tư lợi.
Để giảm thiểu nguy cơ những tình huống xấu như vậy xảy ra thì mỗi cơ quan, đơn vị cần có những hướng dẫn cụ thể hơn, không chỉ để thực hiện tốt Nghị định 73 mà còn phòng ngừa mọi ý đồ lợi dụng cho mục đích xấu.
Miễn trừ trách nhiệm là thoáng, nhưng…
. Nghị định 73 nêu rõ những trường hợp được miễn, xem xét giảm trừ trách nhiệm nếu chẳng may có vi phạm trong thực hiện các đề xuất đổi mới sáng tạo. Điều đó đôi khi sẽ buộc cán bộ vượt qua những rào cản liên quan đến các quy định pháp luật?
+ Quá trình thực hiện các đề xuất sáng tạo luôn tiềm ẩn rủi ro, tức là có thể không đạt được các mục tiêu đề ra, thậm chí thất bại hoàn toàn. Đó là những kịch bản mà Nghị định 73 đã tính tới.
Vì vậy, Điều 11 dự liệu các biện pháp miễn, xem xét giảm trừ trách nhiệm đối với cán bộ triển khai là rất hợp lý, giúp cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm yên tâm hơn. Điều quan trọng là họ cần trung thực, nhất quán với kế hoạch và mục tiêu đề ra, không được nảy sinh ý đồ vụ lợi.
Tôi muốn lưu ý thêm là Nghị định 73 tập trung vào khuyến khích sự sáng tạo, đột phá trong thực thi chính sách, tức là những sáng tạo “dưới luật”, chứ không được phép vi phạm pháp luật hiện hành, cho dù có quy định pháp luật nào đó chưa hợp lý. Mọi biểu hiện núp bóng sáng tạo để vi phạm pháp luật đều có thể chịu hậu quả.
Quy định “miễn trách nhiệm” là tư duy rất thoáng và mở nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng nhằm mục đích trục lợi. Nhưng tôi cho rằng lợi dụng quy định này cho mục đích thiển cận là khả năng rất thấp bởi theo logic tâm lý và hành vi, không ai lại đi đăng ký quy trình thực hiện đề xuất, sáng tạo đột phá cho những mưu đồ bất chính.
Ba rào cản ở khu vực công
. Theo ông, những cơ chế, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm như trong Nghị định 73 liệu có thể giúp cán bộ yên tâm đề xuất đổi mới và thực hiện?
+ Nghị định 73 vừa mới được ban hành nên chưa đủ cơ sở để nhận định chắc chắn rằng nó có giúp cán bộ muốn sáng tạo, đột phá thực sự yên tâm hơn và tích cực đề xuất sáng tạo hay không.
Như tôi đã nói ở phần trên, sau khi có hiệu lực thi hành, quy định này có thể tạo ra những tác động tích cực về tâm lý đối với cán bộ nói chung. Điều đáng quan tâm hơn là những rào cản với cán bộ năng động, muốn hành động đột phá. Trải nghiệm thực tế với khu vực công ở nước ta hiện nay, tôi thấy có ít nhất ba rào cản.
Thứ nhất là tâm lý của đồng nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu. Liệu các đồng nghiệp trong cùng đơn vị có cởi mở và sẵn sàng ủng hộ sự sáng tạo, đột phá? Liệu người thủ trưởng đơn vị có sẵn sàng lắng nghe các ý tưởng mới, dám mạo hiểm để cùng chia sẻ trách nhiệm dấn thân vì lợi ích chung? Việc kiến tạo được tâm lý tập thể cùng hướng đến sự thay đổi tích cực sẽ luôn là thách thức đầu tiên với các ý tưởng sáng tạo.
Thứ hai là vấn đề lợi ích. Sáng tạo, đột phá trong khu vực công phải hướng đến phục vụ lợi ích chung. Vì thế, nếu đề xuất đột phá mà không thực sự đem lại lợi ích cho mỗi cá nhân trong đơn vị thì cũng khó được quan tâm chứ chưa nói đến ủng hộ rộng rãi.
Thứ ba là những rào cản thể chế, tức là sự chồng chéo, rắc rối của các quy định, quy trình… Những đề xuất sáng tạo nhưng lại xung đột với các quy định pháp luật thì càng trở nên nan giải, có thể khiến cán bộ năng động nản chí, có ý tưởng và có thể làm nhưng lại chần chừ, thậm chí không đề xuất để triển khai. Vì vậy, để đánh giá về tác dụng của Nghị định 73, hiệu lực và hiệu quả trên thực tế thì cần thêm thời gian, theo tôi ít nhất là 1-2 năm.
. Xin cảm ơn ông!
Sự dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ được quy định khá rõ tại Điều 16 trong Nghị định 73. Họ không chỉ được yêu cầu phải luôn có thái độ, quan điểm ủng hộ các đề xuất đổi mới, sáng tạo, mà còn phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ, đánh giá công tâm, khách quan quá trình triển khai.
Quan trọng hơn, với vị thế thủ trưởng đơn vị, họ được kỳ vọng sẽ thực hiện tốt vai trò lãnh đạo để kiến tạo và duy trì sự đồng thuận tập thể khi đã ủng hộ việc triển khai các đề xuất mới, có tính sáng tạo. Có thể nói, cá nhân người đứng đầu và rộng ra là tập thể ban lãnh đạo chính là điểm tựa chính trị quan trọng để các ý tưởng, hành động sáng tạo, đột phá được thực thi thông suốt, hướng đến khả năng thành công.
Tôi cho rằng xét đặc thù hệ thống cơ quan nhà nước ở nước ta hiện nay, người đứng đầu có thể ảnh hưởng đến 50-60% khả năng thành công của các đề xuất sáng tạo, đột phá. Nói cách khác, muốn sáng tạo, đột phá thành công, trước hết cần phải được sự ủng hộ tuyệt đối của người đứng đầu, khẳng định vai trò dẫn dắt của họ. Ngoài ra, người đứng đầu cũng cần có tư duy cởi mở với cái mới và khi đó họ sẽ dễ quan tâm, chấp nhận các ý tưởng mới.
Yêu cầu thứ hai với người đứng đầu là phải coi trọng công việc. Người coi trọng công việc thường sẽ tư duy và hành động duy lý, luôn để ý đến sự thể hiện trong công việc của nhân viên và xem xét kỹ kết quả, chất lượng công việc được giao. Họ cũng sẽ luôn bám sát các nhiệm vụ của đơn vị, sớm phát hiện và sẽ chú trọng tìm cách giải quyết các vấn đề ách tắc trong triển khai công việc.
Người coi trọng công việc sẽ có tâm thế làm việc trước hết vì thanh danh, thể diện, uy tín của cơ quan, chứ không phải vì lợi ích riêng tư của bản thân mình. Vì thế, họ sẽ có xu hướng ủng hộ cái mới để hướng đến những kết quả công việc có tính đột phá cho cơ quan, đơn vị.
TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG, Học viện Chính trị Quốc gia TP.HCM