Việc xác định rõ trách nhiệm của từng người, từng bộ phận sẽ giúp cán bộ có thể phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Để cán bộ dám nghĩ, dám làm được bảo vệ - Bài 2

Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM: Phải truy người cố ý làm sai, bảo vệ được người làm đúng

(PLO)- TP.HCM có thể nghiên cứu, ban hành quy trình thực hiện công việc minh bạch từng đầu việc và trách nhiệm của người thực hiện để khi có sai phạm thì xác định được “địa chỉ”.

TP.HCM đang cần một đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để thực hiện tốt nhất Nghị quyết 98/2023 cùng nhiều chủ trương, nhiệm vụ mà Trung ương giao phó, trong khi đó dư luận lại lo ngại rằng một bộ phận cán bộ đang sợ sai, không dám làm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Châu Minh Tỷ cho rằng để giải quyết tình trạng này, TP.HCM cần chủ động xây dựng quy trình làm việc minh bạch từng đầu việc và trách nhiệm của người thực hiện để khi có sai phạm có thể xác định ai cố ý làm sai, ai thiếu trách nhiệm…, tránh xử lý cả dây chuyền khiến nhiều cán bộ gặp rủi ro không đáng phải chịu.

Phải truy người cố ý làm sai, bảo vệ được người làm đúng-chau-minh-ty-6625-1840.jpg
Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Châu Minh Tỷ. Ảnh: LÊ THOA

Cán bộ bị xử lý vì tham gia chuỗi công việc có sai phạm

. Phóng viên: Là cán bộ đầu ngành nội vụ nhiều năm, theo ông, vấn đề bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm ở giai đoạn trước có bức thiết như hiện nay?

+ Ông Châu Minh Tỷ: Trước đây vấn đề này không nói nhiều như hiện nay, gần đây mới nói nhiều và khá phổ biến, chứ không riêng gì địa phương hay ngành nào.

Theo tôi, trước đây nhiều cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thường không bị xử lý kỷ luật và gần như không bị xử lý hình sự. Gần đây, tình trạng tham nhũng, tiêu cực có dấu hiệu tăng lên trong khi công tác đánh giá cán bộ vẫn còn là khâu yếu, nhiều cán bộ sai phạm nghiêm trọng nhưng không bị phát hiện, xử lý kịp thời, không ít trường hợp còn lên chức, mãi đến 5 năm, thậm chí 10 năm mới phát hiện ra.

Mặt khác, cũng vì gần đây, nhiều cán bộ sai phạm bị xử lý nghiêm, trong đó có một số trường hợp bị xử lý chỉ vì có tham gia vào chuỗi công việc theo quy trình giải quyết có sai phạm từ người khác.

Phải truy người cố ý làm sai, bảo vệ được người làm đúng-can-bo-dam-nghi-dam-lam-binh-hung-hoa-a-1.JPG
Việc xác định rõ trách nhiệm của từng người, từng bộ phận sẽ giúp cán bộ có thể phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ảnh minh họa: BẢO PHƯƠNG

Nhiều cán bộ thà bị kỷ luật còn hơn làm để bị khởi tố, do đó phải truy cho được người làm sai, chứ không thể xử lý hết những cá nhân, tổ chức có ký vào hồ sơ.

. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cán bộ sợ sai, không dám làm, thưa ông?

+ Theo tôi có hai nguyên nhân, trong đó lớn nhất là thực trạng nhiều quy định pháp luật chồng chéo, xung đột pháp lý. Nếu làm theo luật này thì trái luật kia khiến cán bộ rất có thể bị xử lý, dẫn đến cán bộ, công chức không dám làm vì sợ trái luật.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ thực tế của quy trình giải quyết công vụ, dịch vụ hành chính công thường phải qua một chuỗi cán bộ, công chức và cơ quan tham gia nhưng lại không quy định cụ thể cá nhân, cơ quan chịu trách nhiệm việc gì, tới đâu nên khi phát hiện có sai thì cả chuỗi phải chịu.

Và do quy trình dây chuyền nên khi phát hiện sai phạm, lục lại hồ sơ thì phải xử lý nguyên dây chuyền này, e rằng không tránh khỏi oan sai vì không thể cứ nói cán bộ thiếu trách nhiệm kiểm tra gây nên hậu quả được. Thực tế, nhiều việc khi chuyển đến cơ quan trung gian hay lãnh đạo thì đâu thể tự họ kiểm tra để biết được cấp dưới đã cố ý làm sai bản chất vụ việc ở khâu nào.

Chẳng hạn, có việc trước khi trình lên lãnh đạo TP sẽ qua bộ phận văn phòng UBND TP. Nhiệm vụ của văn phòng là xem lại thể thức, hình thức văn bản, từ ngữ, kỹ thuật soạn thảo sao cho chuẩn về nội dung, thẩm quyền và áp dụng theo luật định. Văn phòng làm sao biết nội dung hồ sơ có sai chỗ nào vì quy trình giải quyết đã thực hiện từ quận, huyện lên sở, ngành rồi. Chưa kể ít khi nào một sở trình được nội dung mà một sở chủ trì, lấy góp ý nhiều sở khác rồi mới có hồ sơ đầy đủ.

Thực tế, nhiều cán bộ không dám làm, thà bị kỷ luật còn hơn là làm để bị khởi tố, khi đã khởi tố rồi thì không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến gia đình, dòng họ, nặng nề lắm. Do đó, phải truy cho được cá nhân, tổ chức làm sai, chứ không thể xử lý hết những cá nhân, tổ chức có ký vào hồ sơ được.

Phải truy người cố ý làm sai, bảo vệ được người làm đúng-hiep-binh-chanh-3.JPG
TP.HCM đang xây dựng đề án về nền công vụ TP.HCM hiệu lực, hiệu quả để phục vụ nhân dân và kiến tạo phát triển. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Chuẩn hóa quy trình công vụ: Rõ việc, rõ người

TP.HCM đang xây dựng đề án về nền công vụ TP.HCM, dự kiến thông qua trong năm 2023 và sớm triển khai thực hiện.

Đề án được nghiên cứu theo hướng chuẩn hoá quy trình công vụ trên tinh thần tinh gọn, rõ việc, rõ người, minh bạch, dễ đánh giá; tổ chức bộ máy phù hợp; cải thiện điều kiện làm việc và hiện đại hoá nền hành chính. Đề xuất nhiều chính sách vượt trội về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật và nhiều chính sách về thu nhập, nhà ở, phát triển bản thân…

Những chính sách này được kỳ vọng sẽ làm chuyển biến bộ máy hành chính của TP, hướng đến mục tiêu xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển. Đặc biệt, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI

Minh bạch từng đầu việc và trách nhiệm cán bộ

. Theo ông, làm sao để xử lý điểm nghẽn trong vấn đề chồng chéo của quy định pháp luật và quy trình dây chuyền trong công việc?

+ Những chồng chéo trong quy định pháp luật khiến cán bộ không dám làm mà phải đợi Trung ương có những rà soát, chỉnh lý. Tuy nhiên, sẽ rất khó nếu phải sửa các luật có quy định khác nhau.

Tôi nghĩ Quốc hội có thể ban hành một luật để sửa những điểm chồng chéo trong các luật có liên quan. Nếu thực hiện cách này thì sẽ nhanh hơn việc sửa từng luật.

Trong khi chờ đợi Trung ương xử lý các xung đột trong quy định pháp luật thì các cơ quan thực thi có thể áp dụng một số cách làm. Chẳng hạn, nếu vấn đề đó chồng chéo trong hai quy định thì xem văn bản nào giá trị pháp lý cao hơn và thực hiện theo văn bản đó.

Tuy nhiên, cơ chế mình quản lý rất lạ, đại bộ phận cán bộ, công chức phải thực thi công vụ theo các văn bản dưới luật. Luật ban hành rồi nhưng cứ chờ nghị định, có nghị định rồi lại chờ thông tư, khi có thông tư thì UBND các địa phương phải ban hành văn bản hướng dẫn, lúc đó công chức mới làm. Lẽ ra nếu luật không quy định điều, khoản nào giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thì đúng ngày luật có hiệu lực cứ thi hành chứ sao phải chờ.

Hay trong trường hợp hai văn bản có giá trị pháp lý ngang nhau mà người dân, doanh nghiệp không thể chờ đợi hoặc trong tình huống khẩn cấp thì có thể làm theo văn bản nào ban hành mới nhất.

Còn về quy trình thực thi công vụ, tôi cho rằng Sở Nội vụ có thể đề nghị UBND TP.HCM ban hành quy chế mẫu về quy trình thực hiện. Từ đó, từng cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy chế mẫu có thể xây dựng quy trình thực hiện minh bạch từng đầu việc và trách nhiệm rõ ràng của người thực hiện.

Làm sao để khi có sai phạm thì xác định được ai cố ý làm sai, ai thiếu trách nhiệm kiểm tra, ai được miễn trừ vì có trường hợp người ký ban hành văn bản chỉ dựa vào hồ sơ, tài liệu và quy định của pháp luật chứ không có điều kiện kiểm tra thực tế.

Qua đó, góp phần xây dựng nền công vụ TP.HCM hiện đại, hiệu lực, hiệu quả như định hướng của TP hiện nay; giúp cán bộ có thể phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

. Xin cảm ơn ông.

Khuyến khích cán bộ dám làm là nhiệm vụ cần hoàn thành

Nghị định 73/2023 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ vừa được ban hành quy định Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có đổi mới, sáng tạo, định kỳ hai lần/năm năm. Điều này thể hiện việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm gần như là nhiệm vụ phải làm, có sơ kết theo định kỳ, buộc lãnh đạo phải chỉ đạo, đốc thúc cán bộ thực hiện.

Trước đây, chúng ta chỉ khuyến khích chung chung, bây giờ được xem như là nhiệm vụ, nếu năm năm không có sản phẩm năng động, sáng tạo thì có thể được xem là không hoàn thành nhiệm vụ này.

Cán bộ có sáng kiến năng động, sáng tạo cũng sẽ được bảo vệ bởi một trình tự, thủ tục đề xuất, phê duyệt, đánh giá… kỹ càng. Hay chính sách tuyên dương, khen thưởng, đánh giá xếp loại, bổ nhiệm, quy hoạch, nâng lương trước hạn… được kỳ vọng sẽ khuyến khích cán bộ sáng tạo nhiều hơn, yên tâm công tác.

Dù nhiều ưu điểm là thế nhưng tôi cho rằng nghị định này không giải quyết được tình trạng ách tắc hiện nay mà phải giải quyết hai nguyên nhân về chồng chéo của quy định pháp luật và quy trình dây chuyền trong công việc như đã phân tích ở trên.

Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM CHÂU MINH TỶ

Đọc thêm