Sáng 25-5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết về một số dự án quan trọng quốc gia.
Báo cáo giám sát của Quốc hội đánh giá việc triển khai thực hiện các nghị quyết trên của các cấp đã góp phần “giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc” trong hiện các dự án.
“Tiến độ chuẩn bị triển khai các dự án tuy chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ nhưng đã được rút ngắn đáng kể so với thực tế triển khai các dự án trước đây” – báo cáo giám sát của Quốc hội nhấn mạnh.
Cũng theo Mạnh, cùng với các chính sách tài khóa kích cầu tiêu dùng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, các dự án quan trọng quốc gia đã thúc đẩy mạnh mẽ tổng cầu đầu tư của nền kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, báo cáo giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra tiến độ hoàn thành một số dự án còn chậm so với yêu cầu tại các Nghị quyết. Một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án...
“Đặc biệt, một số dự án thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường trong quá trình thi công, đặc biệt là các dự án tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Công tác quản lý vật liệu xây dựng tại các địa phương còn nhiều bất cập” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nêu.
Báo cáo giám sát của Quốc hội cho hay nguyên nhân của việc thiếu vật liệu đất, đá, cát san nền dự án là do công tác điều tra, khảo sát mỏ vật liệu chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng tại một số dự án còn bị động, thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với thực tế.
Cùng với đó công suất khai thác các mỏ vật liệu chưa đáp ứng tiến độ thi công. Việc cấp phép mỏ, quản lý, khai thác tài nguyên, tại một số địa phương còn chậm trễ, bất cập.
Để giải quyết vấn đề này, báo cáo đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Địa chất và khoáng sản theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phân nhóm các loại khoáng sản theo hướng tách riêng nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để có quy định riêng về khai thác vật liệu, đặc biệt đối với nhóm vật liệu san lấp và điều phối vật liệu tận dụng giữa các dự án nhằm đơn giản hoá tối đa các trình tự, thủ tục.
Báo cáo cũng đề nghị các các quan liên quan và chủ đầu tư các dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu đáp ứng tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia.
Hướng dẫn việc xác định giá vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ khi giao cho các nhà thầu khai thác theo các cơ chế đặc thù. Khẩn trương ban hành quy chuẩn, định mức sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Các địa phương ban hành công bố giá vật liệu xây dựng kịp thời, phù hợp với thực tế thị trường…
Các địa phương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường do nhà nước quy định.
"Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá. Có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ” – báo cáo giám sát nêu.
Các dự án quan trọng quốc gia gồm: Sân bay Long Thành; cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Đây là các dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nhằm đẩy mạnh triển khai một trong ba đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 về xây dựng kết cấu hạ tầng.