Những đơn vị tiên phong chuyển đổi số ở TP.HCM

(PLO)- Nhiều địa phương, đơn vị ở TP.HCM đã năng động, đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào xử lý công việc, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2023 là năm đầu tiên TP.HCM tổ chức triển khai đánh giá chỉ số chuyển đổi số với mục tiêu theo dõi, đánh giá thực chất, khách quan kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các sở, ban ngành, địa phương và TP.HCM (DTI) trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số.

Kết quả, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) đứng đầu trong đánh giá chuyển đổi số khối sở, ban ngành; UBND quận Phú Nhuận đứng đầu ở khối quận, huyện, TP Thủ Đức.

Những đơn vị tiên phong chuyển đổi số ở TP.HCM
Cán bộ Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM hướng dẫn khai báo thông tin qua thiết bị di động. Ảnh: THUẬN VĂN

Nỗ lực để mỗi người dân đều có danh tính số

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Đỗ Đăng Ái cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua lãnh đạo quận Phú Nhuận đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả”. Từ đó, nâng cao tính trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo sự đồng thuận của người dân, sự đồng hành của doanh nghiệp.

Nổi bật nhất, theo ông Đỗ Đăng Ái, là quận đã vận hành hiệu quả ứng dụng “Phú Nhuận đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đây là giải pháp công nghệ số trên thiết bị di động hỗ trợ tạo lập, kết nối thông tin hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Qua đó, giúp chính quyền kịp thời tiếp nhận, xử lý và giải đáp các vấn đề người dân, doanh nghiệp đang vướng mắc.

Hiện tại, bộ phận một cửa quận, phường cũng đều trang bị máy vi tính và bố trí nhân sự trực tiếp hỗ trợ người dân lập tài khoản dịch vụ công, nộp hồ sơ trực tuyến.

nhung-don-vi-tien-phong-chuyen-doi-so-o-tp-hcm-5.jpg
Cán bộ UBND quận Phú Nhuận hướng dẫn người dân thao tác lấy số thứ tự, đăng ký bộ phận tiếp nhận thông tin một cửa. Ảnh: THUẬN VĂN

Song Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Đỗ Đăng Ái cũng cho biết quá trình thực hiện quận gặp nhiều khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, thiếu đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn về công nghệ thông tin, nhất là ở chính quyền cấp cơ sở… Do đó, quận đã tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao trình độ, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm khắc phục hạn chế nêu trên.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, để thực hiện chủ đề năm 2024 của TP, quận Phú Nhuận đặt mục tiêu lấy cải cách hành chính, chuyển đổi số làm lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở đó, quận sẽ tiếp tục phát huy những nội dung đã thực hiện tốt như giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn và mức độ hài lòng đạt từ 98% trở lên; rà soát, bổ sung nhân sự và phát huy hoạt động của 126 tổ công nghệ số cộng đồng.

“Chúng tôi sẽ phát triển kênh “Phú Nhuận đồng hành” với các tính năng AI Chatbot, mở rộng đối tượng thụ hưởng, trở thành kênh tương tác, thông tin hai chiều, trao đổi trực tuyến giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp” - ông Ái nhấn mạnh và cho hay quận cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực kinh tế số, tạo đột phá trong phát triển kinh tế địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của TP.

P5_Hinhphu.jpg
Thông tin hồ sơ tiếp nhận được cập nhật trực tuyến thông qua phần mềm quản lý tại bộ phận một cửa ở UBND quận Phú Nhuận. Ảnh: THUẬN VĂN

Vị lãnh đạo quận Phú Nhuận khẳng định năm 2024, quận sẽ phát huy các Tổ công nghệ số cộng đồng, triển khai phổ cập chuyển đổi số đến từng khu phố, từng hộ dân. “Chúng tôi kỳ vọng mỗi người dân có một danh tính số, một chữ ký số cá nhân, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một tài khoản thanh toán số đối với người dân trưởng thành, có kỹ năng số và có phần mềm bảo vệ an toàn thông tin mạng cơ bản…” - ông Ái nói.

100% văn bản, tài liệu được trao đổi trên môi trường điện tử

Để đạt thứ hạng cao nhất về DTI ở khối sở, ban ngành, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng HEPZA, khẳng định đây là quyết tâm được thống nhất từ lãnh đạo ban đến chuyên viên từng phòng, ban chuyên môn.

Hằng tuần, hằng quý, HEPZA đều có những buổi họp lồng ghép nội dung về chuyển đổi số nhằm rà soát tiến độ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Căn cứ vào các kế hoạch chuyển đổi số của TP, HEPZA cũng xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị với các nhiệm vụ cụ thể.

nhung-don-vi-tien-phong-chuyen-doi-so-o-tp-hcm-4.jpg
Các chủ doanh nghiệp có thể cập nhật thông tin đơn vị từ thiết bị di động thông minh. Ảnh: THUẬN VĂN

“HEPZA đã hoàn thành nâng cấp trang thông tin điện tử và chính thức vận hành ngay từ đầu tháng 7-2023. Trang cũng được bổ sung các tiện ích, tăng mức độ tương tác giữa doanh nghiệp và ban quản lý” - ông Hưng nói và cho biết mỗi doanh nghiệp được cấp một tài khoản để sử dụng các tiện ích mới như đăng thông tin tuyển dụng lao động, góp ý chính sách, phản ánh kiến nghị đến ban quản lý, báo cáo nhanh trực tuyến...

Ông cũng cho biết HEPZA đảm bảo 100% thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP; 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình… Tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến tại ban quản lý đạt hơn 90%, tỉ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn đạt 93%...

DTI của các sở, ban ngành có sáu chỉ số chính, gồm: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chuyển đổi số; với 32 chỉ số thành phần, thang điểm 330.

DTI của các quận, huyện, TP Thủ Đức có chín chỉ số chính, gồm: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; với 51 chỉ số thành phần, thang điểm 660.

Đáng chú ý, trong xử lý công việc nội bộ, 100% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử, trừ các văn bản có chứa bí mật nhà nước. 100% công chức sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc, được cung cấp chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo ông Hưng, để đảm bảo an toàn an ninh thông tin tại ban quản lý, HEPZA đã xây dựng phương án ứng cứu xử lý sự cố tấn công mạng cho các hệ thống thông tin. “100% máy chủ, máy trạm tại ban quản lý được cài đặt phòng, chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC)…” - ông Hưng khẳng định.

nhung-don-vi-tien-phong-chuyen-doi-so-o-tp-hcm-3.jpg
Cán bộ HEPZA hướng dẫn, làm hồ sơ lên ​​nền hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Hưng cho biết năm 2024, HEPZA sẽ tập trung vào lĩnh vực hạ tầng số, đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, giúp các hệ thống thông tin ban quản lý hoạt động ổn định, phục vụ tốt các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu chế xuất, khu công nghiệp.

Trong lĩnh vực chính quyền số, HEPZA sẽ nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và xây dựng phần mềm ứng dụng HEPZA - công vụ với mục đích nâng cao cải cách hành chính, đưa chữ ký số vào giải quyết công việc và giải quyết thủ tục hành chính, giảm thời gian xử lý hồ sơ, tăng cường xử lý hồ sơ qua môi trường mạng. Cùng với đó, hoàn thành hạng mục “Hệ thống quản lý thông tin doanh nghiệp”, giúp tương tác trực tuyến từ ban quản lý đến doanh nghiệp.

Ngoài ra, HEPZA cũng hoàn thành việc số hóa hồ sơ lưu trữ, quản lý thông tin doanh nghiệp; tiếp tục kết nối camera an ninh tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và chia sẻ dữ liệu camera với công an địa phương nơi có khu chế xuất, khu công nghiệp trú đóng nhằm hỗ trợ trong công tác an ninh trật tự…

Đánh giá chuyển đổi số giúp TP.HCM hoàn thiện nền tảng số

Thực hiện chủ đề năm 2024 về quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, Sở TT&TT TP.HCM đã đặt mục tiêu trọng tâm là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân.

Trong đó, đảm bảo liên thông kết nối hạ tầng số từ TP đến từng phường, xã, thị trấn, đảm bảo tốt an ninh trật tự địa phương. Vận hành hiệu quả kho dữ liệu công dân, phục vụ người dân không phải nộp lại hồ sơ đã số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính; phổ cập dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, TP.HCM sẽ nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào xử lý hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính. Lãnh đạo TP cũng sẽ ban hành các quyết định, chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu số.

Trên tinh thần quyết tâm chuyển đổi số đó, năm 2023, TP.HCM lần đầu tiên thực hiện đánh giá chỉ số chuyển đổi số các cơ quan nhà nước để giúp từng cơ quan phân tích được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số tại đơn vị mình; giúp xác định hướng phát triển, xây dựng lộ trình cụ thể triển khai chuyển đổi số. Kết quả đánh giá đã giúp TP có những giải pháp cụ thể để hoàn thiện nền tảng số, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành TP thông minh, hiện đại.

Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM LÂM ĐÌNH THẮNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm