Sáng 13-6, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Tô Lâm đã làm việc với VKSND Tối cao.
Theo báo cáo của VKSND Tối cao, trong những năm qua, ngành KSND đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Viện trưởng VKSND Tối cao đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm; xác định "chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm" là nhiệm vụ trọng tâm; chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án hình sự.
Ngành KSND tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với điều tra, bảo đảm các nguyên tắc của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự như nguyên tắc "suy đoán vô tội", "trọng chứng hơn trọng cung", "bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội", "chứng cứ đến đâu xử lý đến đó"…
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, VKSND Tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND Tối cao giải quyết nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ; tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ban hành các tiêu chí phân hóa, xử lý đối tượng trong một số vụ án…
Mặc dù vậy, công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tội phạm liên quan đến an ninh phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, liên quan đến tiền ảo, rửa tiền. Nhiều quy định của pháp luật còn bất cập dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương và đánh giá cao ngành KSND về kết quả đã đạt được thời gian qua.
Ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, có những vụ án phức tạp cả về quy mô và tính chất, chưa có tiền lệ; vừa bảo đảm xử lý nghiêm minh người phạm tội, vừa bảo đảm tính nhân văn, thuyết phục. Đồng thời, áp dụng nhiều biện pháp tăng tỉ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, được dư luận đồng tình ủng hộ; góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân về quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước Tô Lâm, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành kiểm sát cũng còn một số hạn chế, thiếu sót, vì vậy cần phải nghiêm túc, đánh giá những việc đã làm tốt, việc gì làm chưa tốt, tập trung phân tích nguyên nhân để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình và tìm ra những giải pháp tích cực, hữu hiệu khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành.
Ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất trong báo cáo và phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước yêu cầu ngành kiểm sát cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan rà soát, sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Phá sản... để khắc phục những vướng mắc, bất cập; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Đây là những đạo luật phản ánh rõ nét bản chất dân chủ của nền tư pháp nước ta, là cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Việc hoàn thiện các dự án luật này nhằm thực hiện sự lãnh đạo của Đảng về yêu cầu cải cách đồng bộ pháp luật trong lĩnh vực tư pháp.
Chủ tịch nước cho rằng ngành phải tập trung thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chú trọng cả hai mặt không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế hoặc ngược lại; tạo điều kiện, môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước.
Chỉ rõ nhiệm vụ của ngành kiểm sát không chỉ là phát hiện cái sai, cái vi phạm, mà quan trọng hơn, là phải phát hiện cho được những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, thông qua mỗi vụ án, vụ việc cụ thể cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay sự lạc hậu của pháp luật để chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu, kể cả sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật.
Chủ tịch nước cũng lưu ý trong thời gian tới, VKSND Tối cao cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu trong việc xét ân giảm án tử hình và xem xét quyết định việc đặc xá.