Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI ngày 13-6, các đại biểu đã chia tổ để thảo luận các nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề quy hoạch TP.HCM.
'Có những nhà đầu tư đã đến rồi lại đi'
Bí thư Quận ủy quận 1 Dương Anh Đức đã có những góp ý cho Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nêu thực trạng ngay tại địa bàn quận 1, ông Dương Anh Đức nói khó khăn trầm kha của quận kéo dài hơn 50 năm qua là dù ở khu trung tâm nhưng vẫn còn tình trạng bà con sinh sống, sinh hoạt trong không gian chật hẹp, nguy cơ cháy nổ cao.
Dẫn chứng ngay khu chợ Gà Gạo, ông Đức nói: “Có những gia đình có nhiều người nhưng chỉ có một chỗ ngủ. Trong gia đình phải chia ca nhau ra để ngủ. Bố ngủ dậy, con ngủ rồi đến mẹ ngủ”.
Ở góc độ địa phương, quận 1 đã nỗ lực kêu gọi nhà đầu tư đến chỉnh trang đô thị nhưng vì khu này nằm trong khu 930 ha nên bị giới hạn về chỉ số sử dụng đất, chiều cao… Cuối cùng thì rất nhiều nhà đầu tư đến rồi đi, trong đó có những nhà đầu tư không tính lãi để xây dựng, chỉnh trang khu này nhưng vẫn chưa thể làm được dù quận 1 đã tính toán nhiều điều kiện.
"Về lâu dài, nếu có cháy nổ thì rất nguy hiểm. Các giải pháp đều bị vướng hết, như chiều cao công trình không quá 50 m thì nhà đầu tư không có cách nào hoàn vốn chứ đừng nói là lời. Tất cả những luật pháp hiện hành và quy định TP đưa ra chắc chắn không có lời giải" - ông Dương Anh Đức nói.
Bí thư Quận ủy quận 1 cho biết quận đang chuẩn bị trình đề án để có cơ chế chính sách đặc thù, cơ chế đặc biệt nhằm giải quyết khó khăn này cho bà con. Ví dụ, phải cho xây cao vượt tầng vì hiện nay nguyên tắc tái định cư tại chỗ là khó thực thi ở khu này. Hay khu này hiện có những hộ chưa đến 10 m2, trong khi một căn chung cư hiện nay có diện tích 30-40 m2.
"Chúng ta phải có chính sách đặc biệt. Trong quy hoạch, tính toán của trung tâm thì phải tính đến những đặc thù đặc biệt để giải quyết bài toán đặc biệt. Nếu không thì các khó khăn này vẫn mãi tồn tại" - ông Đức nói và cho rằng quy hoạch các khu trung tâm cần có những tính toán cụ thể, nếu không sẽ mãi mãi không thể trở thành khu đô thị văn minh.
Ông Đức cũng nêu thực tế việc xây dựng trường học ở các khu trung tâm như quận 1, quận 3 còn gặp nhiều cái khó, phải theo quy chuẩn của Bộ GD&ĐT và Bộ Xây dựng.
"Thiếu trường lớp, nhiều học sinh không thể đi học. Thầy cô buộc phải duy trì cơ sở vật chất cũ để có thêm phòng cho các em đến trường" - ông nói và mong TP vận dụng tối đa Nghị quyết 98, sớm có chính sách đặc thù, các cơ chế mạnh mẽ để giải quyết bài toán tồn tại hàng chục năm qua.
Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng nhìn nhận TP cần truyền thông mạnh để người dân, doanh nghiệp hiểu và đồng thuận về quy hoạch của TP. Ông cũng cho rằng cần thiết phải có đơn vị kiểm tra, giám sát chiến lược phát triển các sở, ngành có đúng quy hoạch không.
Quy hoạch kinh tế tập trung vào 3 đột phá
Trước đó, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết quy hoạch TP.HCM xây dựng các kịch bản phát triển với tốc độ tăng trưởng 8,5%-9%. GRDP bình quân đầu người đến 2030 dự kiến đạt 14.800-15.400 USD.
Quy hoạch xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo ra bước chuyển có tính đột phá trong thực hiện quy hoạch. Đồng thời, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tiếp tục nâng cao hiệu quả của quá trình công nghiệp hóa và thúc đẩy quá trình dịch vụ hóa; đẩy mạnh áp dụng các mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo...
Quy hoạch TP.HCM cũng xác định ba đột phá phát triển. Đó là, đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị.
Đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển các ngành kinh tế và các lĩnh vực xã hội quan trọng, đặc biệt là thực hiện các dự án đang tồn đọng và một số dự án tạo động lực phát triển.
Thứ ba là đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, công nghệ cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược.
Về phương hướng phát triển ngành, không gian, quy hoạch xác định ba tiểu vùng gồm khu vực đô thị trung tâm; TP Thủ Đức; khu vực ngoại thành. Đồng thời, xác định hai hành lang quốc gia gồm Đông – Tây (TP.HCM – Mộc Bài); Bắc – Nam; một hành lang vùng là sông Đồng Nai - Sài Gòn - Thị Vải – Soài Rạp; 10 trục không gian với chín trục chủ đạo và một trục ven biển.
Tại đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng thông tin thêm về kết quả thực hiện quy hoạch TP.HCM.
Cụ thể, đến năm 2030, TP.HCM vẫn giữ 16 quận, 5 huyện và TP Thủ Đức thuộc TP.HCM. Hiện nay, TP.HCM tập trung củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị cho quá trình chuyển các huyện thành thành phố thuộc TP.HCM.
Sau năm 2030, TP.HCM sẽ tổ chức các vùng đô thị, chuyển năm huyện thành năm TP như TP Thủ Đức, hình thành đô thị đa trung tâm và đường sắt đô thị sẽ là phương thức kết nối chính. Ông Phan Văn Mãi nói do chưa hoàn chỉnh quy hoạch hạ tầng giao thông nên công tác quy hoạch vẫn như "vết dầu loang".
Trước đó, phát biểu khai mạc tại hội nghị sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh Quy hoạch TP.HCM và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa lớn với sự phát triển bền vững của TP.