TP.HCM: Metro là trục 'xương sống' của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải

(PLO)- Chính quyền TP.HCM xác định Metro là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải TP về lâu dài, đồng thời đề ra quyết tâm đến năm 2035 sẽ hoàn thành sáu tuyến với tổng chiều dài khoảng 183 km.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI sáng 13-6, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm đã báo cáo về tiến độ, kết quả việc xây dựng đề án hệ thống giao thông vận tải đường sắt đô thị TP.HCM (metro).

TP.HCM: Metro là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải-TPHCM-metro-duong-sat-do-thi.jpg
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM sáng 13-6 bàn nhiều nội dung quan trọng, có tính quyết định đến kinh tế- xã hội và quy hoạch, phát triển TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Metro là trục "xương sống" của hạ tầng giao thông

Theo quy hoạch tại Quyết định 568 về phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, TP quy hoạch tám tuyến metro (chiều dài 172,6 km), ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (chiều dài 56,5 km). Mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 2-3 tuyến metro (số 1, 2, 5); giai sau 2020 tiếp tục đầu tư mạng lưới đường sắt theo quy hoạch.

Đến nay, tuyến metro số 1 dự kiến sẽ được đưa vào khai thác năm 2024, còn metro số 2 dự kiến hoàn thành 2030.

Trong dự thảo "Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060", hệ thống đường sắt đô thị tại TP sẽ gồm 12 tuyến, với 10 tuyến metro có tổng chiều dài khoảng 510 km, 2 tuyến tramway/LRV (khoảng 70 km).

tran-quang-lam-tp-hcm-metro-la-truc-xuong-song-cua-he-thong-ha-tang-giao-thong-van-tai.jpg
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Trần Quang Lâm cho biết chính quyền TP.HCM xác định đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, là một động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Phát triển đường sắt đô thị phải gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển liên kết vùng.

Sở GTVT nhìn nhận việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Đông Nam Bộ và quy hoạch TP.HCM.

Cùng đó, sẽ giúp tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng giao thông TP, thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng tại địa bàn. TP cũng sẽ lấy định hướng phát triển giao thông công cộng (mô hình TOD) làm cơ sở quy hoạch đô thị. ..

Theo Giám đốc Sở GTVT TP, mục tiêu chung là tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của TP, hướng tới đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế vào năm 2045; phấn đấu tỉ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đảm nhận từ 15-20%, đến năm 2035 đạt 40-50% và sau năm 2035 đạt 50-60%.

"Đề án này có tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ giai đoạn từ nay đến năm 2035 khoảng 837.249 tỉ đồng, không bao gồm tuyến metro số 1" - ông Lâm nhấn mạnh.

mô hình TOD-Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM nói về việc bị nhà thầu Hitachi kiện, đòi bồi thường 4.000 tỉ -metro 1.jpg
Tuyến metro số 1 đang dần hoàn thiện để đưa vào khai thác. Ảnh: PLO

Về phương án huy động nguồn vốn, ông Trần Quang Lâm cho biết TP.HCM dự kiến khả năng huy động vốn từ nguồn tăng thu ngân sách; nguồn huy động từ đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách TP trên cơ sở các khu đất dự kiến phát triển TOD; huy động các nguồn vốn vay… Trong đó, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị giai đoạn đến năm 2035.

Sở GTVT cũng đã xây dựng lộ trình thực hiện, trong đó mục tiêu giai đoạn 1 từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành sáu tuyến với tổng chiều dài khoảng 183 km.

Mạng lưới giai đoạn này dự kiến đảm nhận 40 - 50% lượng khách công cộng, đáp ứng 7-8 triệu lượt hành khách/ngày đêm. Tổng đầu tư cho giai đoạn này cần hơn hơn 871.216 tỉ đồng (khoảng 36,33 tỉ USD).

Đề xuất hàng loạt cơ chế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội

Để thực hiện mục tiêu, đề án cũng xây dựng sáu nhóm cơ chế, chính sách với 28 cơ chế. Trong đó, có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.

Với các cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, TP.HCM đề xuất được thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi địa giới hành chính TP.HCM đối với các đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt...

Các nội dung này kế thừa Nghị quyết 98/2023.

TP.HCM: Metro là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải.-bi-thu-tphcm-noi-ve-metro-so-1.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại hội nghị sáng nay. Ảnh: NGUYỆT NHI

TP.HCM cũng đề xuất được phê duyệt các chỉ tiêu trong đồ án quy hoạch đối với khu vực TOD khác với tiêu chuẩn, quy hoạch hiện hành.

Cùng đó, TP muốn được quyết định việc chuyển nhượng chỉ tiêu quy hoạch giữa các dự án, công trình trong vùng phụ cận nhà ga về tầng cao, mật độ xây dựng, diện tích sàn chưa sử dụng của các lô đất, ô phố trên địa bàn TP để lập mới hoặc điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thuộc phạm vi vùng phụ cận, vùng động lực.

TP.HCM cũng đề xuất được áp dụng phương thức “Quy hoạch điều chỉnh đất” trong khu vực đô thị phát triển theo mô hình TOD. Cụ thể là lập quy hoạch chi tiết, sắp xếp lại các lô đất trong khu vực để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo quỹ đất phát triển hạ tầng.

TP.HCM cũng mong được rút gọn các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, thay thế quy trình điều chỉnh và việc ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch bằng văn bản chấp thuận của UBND TP...

Ngoài ra, đề án đã xây dựng những cơ chế chính sách, lộ trình phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nguồn nhân lực trong nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm