Chiều 10-4, đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát UBND TP.HCM về thực hiện chính sách, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn TP.HCM.
Đoàn giám sát do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh dẫn đầu.
Trăn trở với xe dù, bến cóc
Tại buổi giám sát, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT, nhìn nhận tình trạng xe dù, bến cóc vẫn xảy ra, cơ quan chức năng xử lý nhiều nhưng chưa giải quyết triệt để.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh nhìn nhận các xe vận tải hành khách kinh doanh hợp đồng thường không chạy theo tuyến cố định mà chạy vòng vo, đón và khách trả khách chỗ nào cũng được, thậm chí chỉ cần ngồi nhà hẹn giờ, sẽ có xe qua đón.
“Họ cứ lấy danh nghĩa kinh doanh hợp đồng nhưng thực tế là hợp đồng miệng” - Thiếu tướng đánh giá.
ĐBQH Trịnh Xuân An, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, đề nghị TP.HCM tính toán xử phạt nghiêm tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng đón trả khách không đúng quy định. Đồng thời có phương án tính toán đón hành khách từ trung tâm TP ra bến xe miền Đông mới, bởi để một bến xe mới chỉ đạt hiệu suất 5% là rất lãng phí.
Trao đổi lại, Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng CSGT TP.HCM (PC08), cho biết TP có 189 bến xe, 306 điểm trung chuyển, 32 điểm thường xuyên dừng đón trả khách. Thời gian qua, CSGT TP.HCM đã phối hợp với công an các địa phương tuần tra, kiểm soát, xử lý trên 15.000 trường hợp vi phạm trong năm 2023, chấn chỉnh các vi phạm xe dù, bến cóc trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Võ Khánh Hưng nhìn nhận xe dù, bến cóc đang tồn tại thực tế và TP đã có nhiều lần kiến nghị với cơ quan cấp trên. Song, trước mắt, TP chỉ có thể tăng cường phối hợp, kiểm tra xử lý vi phạm.
“Đây là việc rất khó, nếu làm quyết liệt, tích cực thì sẽ giảm, nếu lơi ra sẽ phát triển lại” – ông Hưng nói và nhắc về vụ việc vi phạm của nhà xe Thành Bưởi. Ông cho biết sau khi kiểm tra bài bản mới thấy nhiều vi phạm của nhà xe này và thực tế các đơn vị vận tải hành khách khác cũng có vi phạm tương tự.
“TP.HCM có đến 5.000 doanh nghiệp vận tải, trong một năm làm sao kiểm tra được hết?” – ông Hưng nói và cho biết đây là vấn đề trăn trở, làm sao để việc kinh doanh vận tải hành khách đi vào nề nếp.
Lãng phí hàng triệu m2 đất dạ cầu
Tại buổi giám sát, các đại biểu nhìn nhận việc không cho phép TP.HCM tận dụng quỹ đất ở gầm cầu, dạ cầu phục vụ cho giao thông sẽ gây lãng phí. Hiện nay, thực hiện theo Thông tư 35/2017 của Bộ GTVT, TP.HCM đã ngưng hoạt động các bãi giữ xe, hoàn trả lại mặt bằng dạ cầu theo quy định.
Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Khánh Hưng cho biết TP.HCM vẫn muốn được tiếp tục khai thác. Bởi trước đây TP từng khai thác các gầm cầu trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, cầu Bình Lợi để giữ xe, vật tư thu hồi bị hư hỏng và đạt hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhìn nhận TP muốn có cơ chế tạo ra một phần nguồn thu trở lại từ hạ tầng đang có bằng việc tái đầu tư, trong đó có việc khai thác gầm cầu, dạ cầu.
Ông dẫn chứng mặt bằng phía dưới của đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu giây đi qua địa bàn TP.HCM dài đến 8 km nhưng phải rào hết, không khai thác được. Hay phía dưới tuyến Metro số 1 (đoạn trên cao) dài khoảng 15km cũng có khoảng hơn 4 triệu m2 diện tích phía dưới, hoàn toàn có thể được sử dụng để tăng quỹ đất cho giao thông.
“Ở Nhật, bên trên là Metro chạy, còn phía dưới là nhà hàng được xây dựng, khai thác bình thường” – ông Cường dẫn chứng thêm.
Từ đó, ông đề nghị cho các địa phương, có thể là HĐND TP, Chủ tịch UBND TP thẩm quyền quyết định sử dụng, khai thác quỹ đất tương tự như trên, làm sao đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan, phù hợp quy hoạch, đảm bảo phòng cháy chữa cháy… thay vì không cho sử dụng như hiện nay để tránh lãng phí.
Về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch TP.HCM. Theo ông, các ĐBQH sẽ có ý kiến để thay đổi quy định, dùng đất ở gầm cầu, dạ cầu đầu tư nhưng gắn với các quy định cụ thể.
Xử lý nồng độ cồn ‘không có vùng cấm’
Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Võ Khánh Hưng cho biết thời gian qua, lực lượng chức năng TP.HCM đã quán xuyến tốt địa bàn, thực hiện các chuyên đề xử lý (nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, tải trọng phương tiện,...), mở các đợt cao điểm kiểm soát, tổng kiểm tra xử lý phương tiện kinh doanh vận tải, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xử phạt nguội qua hình ảnh.
Kết quả trong giai đoạn 2009 - 2023 đã xử lý tổng cộng trên 13,4 triệu trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt gần 5.500 tỉ đồng.
Riêng năm 2023, Công an TP đã xử lý nồng độ cồn thường xuyên, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, kiên quyết hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia - không lái xe” với hơn 128.000 trường hợp vi phạm.
Theo Sở GTVT, từ đầu năm 2009, TP có 52 điểm đen tai nạn giao thông, đến cuối năm 2023 còn lại chín điểm đen.
Từ năm 2009 đến hết năm 2023 đã xảy ra 177 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Số điểm nguy cơ ùn tắc giao thông giảm dần qua từng năm và đến năm 2023 giảm còn 24 điểm.