Sáng 13-6, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc Hội nghị lần thứ 31. Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày, bàn về các nội dung quan trọng liên quan kinh tế- xã hội sáu tháng đầu năm và bàn giải pháp sáu tháng cuối năm.
Các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM; xây dựng Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ... Dự thảo Báo cáo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận sáu tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp sáu tháng cuối năm 2024.
TP.HCM mà không có hệ thống đường sắt đô thị hoàn chỉnh là bất ổn
Phát biểu định hướng, Bí thư Thành ủy TP.HCM gợi mở nhiều nội dung quan trọng để các đại biểu cho ý kiến. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM và đề án phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Bộ Chính trị đã có Kết luận 49 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2023 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Riêng với TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên nói đã có đi học tập ở nhiều TP khác.
“Họ nói rằng TP.HCM mà không có hệ thống đường sắt đô thị hoàn chỉnh là bất ổn. Chúng ta phải quyết tâm để không rơi vào tình trạng đó” - Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Nên nhắc lại: Thủ tướng cũng đã phê duyệt chủ trương hệ thống đường sắt đô thị tại TP.HCM gồm tám tuyến với tổng chiều dài 220 km. Qua gần 20 năm, TP.HCM đã nỗ lực thực hiện nhưng tuyến Metro số 1- Bến Thành- Suối Tiên đến nay chỉ mới hoàn thành 96% và đang ở giai đoạn cuối cùng để sớm đưa vào vận hành.
“Nhiều lần thất hứa rồi. Mọi thứ tưởng có thể dễ dàng đưa vào vận hành nhưng còn nhiều thủ tục mà không phải chỉ dùng quyết tâm chính trị là có thể vượt qua được. Chúng ta đang làm những công đoạn cuối vì liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, những quy định rất ngặt nghèo... để khi đưa vào vận hành đảm bảo an toàn với chỉ số cao nhất.
Qua 20 năm mới làm được tuyến Metro số 1. Với 200 km còn lại mà thực hiện kiểu như vậy thì không thể chấp nhận được, cần phải đổi mới từ huy động nguồn lực, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách… để làm nhanh hơn, rút ngắn thời gian và hiệu quả tốt hơn. Đây là công trình đầu tay, chúng ta có thể chấp nhận và rút ra bài học từ đây” - ông Nguyễn Văn Nên nói.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết hiện tuyến Metro số 2 Bến Thành- Tham Lương cũng đang giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kĩ thuật, các tuyến khác cũng đã bắt đầu chuẩn bị, với điều kiện và thời gian nhanh nhất có thể. Theo ông, đây đều là những yêu cầu, thách thức với toàn hệ thống, đòi hỏi phải tính đến các yếu tố, cách làm, cơ chế đột phá.
Từ thực tiễn đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM XII tới đây phải tính đến sự đột phá từ chính sách đến giải pháp. Ông yêu cầu các đại biểu tập trung nghiên cứu, cho ý kiến về những cơ chế chính sách thực tế mà TP đã làm trong thời gian qua, có tính toán về quy hoạch, thu hồi đất, tiêu chuẩn, kỹ thuật, công nghệ…
Cảng trung chuyển Cần Giờ không chỉ cho TP.HCM
Về đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói Nghị quyết 31, 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kì 2021-2030 cũng đã đặt ra vấn đề này.
Đề án cũng nêu rõ Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với nhiều xu thế nổi bật, nhiều nhà nghiên cứu cảm nhận Cần Giờ không chỉ của TP.HCM, của quốc gia hay khu vực mà còn là tài sản có giá trị mang tầm cỡ quốc tế. Vì vậy, ông yêu cầu đề án phải có sự tính toán, huy động sức mạnh, trí tuệ trên các cơ sở đấy, bởi vị trí chiến lược, tuyến hàng hải quốc tế đi qua biển Đông, nằm ở khu vực có tiềm năng tăng trưởng của Châu Á…
Theo Bí thư TP.HCM, hiện nay có nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng, cũng có ý kiến phản biện có lý, do đó phải lắng nghe, tiếp nhận để có sự nghiên cứu, hoàn thiện đề án trước khi trình cấp thẩm quyền cho ý kiến.
Về Trung tâm tài chính quốc tế, ông Nên nói đây là trung tâm đặt tại TP.HCM. Nghị quyết của Đảng đã giao cho TP.HCM, Chính phủ cũng đã có quyết định thành lập ban chỉ đạo xây dựng đề án. Các bộ ngành cũng đã có hoạt động phối hợp, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, trao đổi kinh nghiệm.
Bí thư TP.HCM yêu cầu cần thảo luận để đưa giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, đúng theo yêu cầu, chỉ đạo.
Về quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa rất đặc biệt với sự phát triển bền vững TP.
Ông cho biết đến thời điểm này, quy hoạch được triển khai công phu, nghiêm túc, cơ bản, tuy nhiên vẫn còn chậm so với thời gian chung, nguyên nhân là do TP lớn, có nhiều vấn đề phải sắp xếp nên cần làm kỹ, bám sát quy hoạch tổng thể quốc gia và các nghị quyết của Bộ Chính trị.
Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu
Về tình hình kinh tế, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết một số chủ trương, nhiệm vụ quan trọng chưa đạt yêu cầu như mức tăng trưởng GRDP chỉ mới đạt 6.46% trong khi TP đề ra mục tiêu 7,5-8%.
“Thời gian còn lại phải có nhiều nỗ lực, cố gắng mới đạt được” – ông nói và cho biết tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn doanh nghiệp còn yếu, một số yếu tố cạnh tranh của TP như giá thuê đất, chi phí logictics, hạ tầng, bến cảng cải thiện chậm, tác động nhiều mặt trong quá trình đầu tư và phát triển TP. Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công đạt tỉ lệ thấp.
Về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Bí thư TP.HCM nhìn nhận có bước tiến khá và đồng đều, nhiều chỉ số và thứ hạng tăng lên nhưng một số chỉ số thành phần quan trọng chưa có chuyển biến.
TP đã tập trung xây dựng chính quyền đô thị, kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy sở ngành, hệ thống chính quyền quận, huyện gắn với xây dựng vị trí việc làm.
Cũng theo ông Nên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với củng cố, kiện toàn vẫn còn những hạn chế, yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, dẫn đến có lúc “vừa chạy, vừa xếp hàng”.
TP đã siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần tự giác học tập, rèn luyện, ý thức tôn trọng và chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước.
Từ đó, mỗi người đều có cam kết làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao trên từng cương vị, thực hiện phương châm lấy xây để chống và tăng cường kiểm tra uốn nắn, xử lý kịp thời biểu hiện tiêu cực, không để chuyện nhỏ thành chuyện lớn.
“Đó là bài học mà TP rút ra được từ thực tiễn” – ông nói và cho biết TP xây dựng văn hóa liêm chính, đi đôi với khích lệ, động viên cán bộ trong hệ thống, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, đạo đức công vụ.