Chủ tịch TP.HCM mong Thủ tướng quan tâm về Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế

(PLO)- TP.HCM kiến nghị Trung ương hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là các vụ việc lớn, vụ khó tồn đọng lâu năm, các vụ mới phức tạp phát sinh như SCB, Vạn Thịnh Phát.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-1, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay TP.HCM thống nhất với các báo cáo kinh tế - xã hội về kết quả năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

Từ kết quả này, ông rất tâm đắc với sự lãnh đạo toàn diện, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng với những chỉ đạo tháo gỡ cụ thể và kịp thời.

chu-tich-phan-van-mai-7907.jpeg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: NHẬT BẮC

TP.HCM: Kiều hối đạt gần 9 tỉ USD

“Về vĩ mô, chúng ta đã nâng được sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động bất lợi từ bên ngoài. Tôi cho rằng đây là thành tựu rất lớn của Việt Nam”- ông Mãi nói.

Ông cũng tâm đắc với sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp vượt khó cùng đất nước thông qua những đóng góp cho ngân sách quốc gia và dòng kiều hối gửi về cho Tổ quốc. Đặc biệt là sự năng động thích ứng của doanh nghiệp trong một năm nhiều khó khăn.

“Đây là ý chí, là niềm tin, là những nhân tố cần được phát huy hơn nữa trong năm 2024”- theo Chủ tịch TP.HCM.

Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM cũng gặp khó khăn ngay từ quý I nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ trực tiếp của Trung ương, Thành phố đã nỗ lực, quyết tâm vực dậy từng tháng, từng quý, thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó góp phần phục hồi tăng trưởng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc lâu năm, khơi thông nguồn lực và kiến tạo một số động lực mới cho phát triển thành phố thông qua triển khai Nghị quyết 98 của QH.

Cụ thể, Thành phố đã tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, như thúc đẩy tiêu dùng bằng các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch, khuyến mãi, chi tiêu công, liên kết vùng với 38 địa phương trong cả nước. Đồng thời thúc đẩy đầu tư công và đầu tư xã hội bằng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cụ thể.

Sự phục hồi tăng trưởng của Thành phố từ 0,7% ở quý I lên 9,62% ở quý IV, cả năm đạt 5,81% có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phục hồi tăng trưởng chung cho cả nước.

Thành phố cũng tập trung tháo gỡ, khởi công lại, khởi công mới nhiều dự án quan trọng như Vành đai 3, Tham Lương- Bến Cát- Rạch nước lên, Rạch Xuyên Tâm, Metro 1, Metro 2… và tích cực triển khai Nghị quyết 98 đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nhờ đó thu hút vốn đầu tư xã hội đạt 23% GRDP; thu ngân sách đạt 447 nghìn tỉ đồng, trong đó thu nội địa đạt 101%; vốn FDI 5,9 tỉ USD (tăng gần 50%); kiều hối về đạt gần 9 tỉ USD (tăng 38%).

Cạnh đó, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống người dân, an sinh xã hội được quan tâm chăm lo. Quốc phòng an ninh được bảo đảm; đối ngoại tiếp tục có nhiều điểm sáng.

Chủ tịch TP.HCM mong Thủ tướng quan tâm về Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên (giữa) và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Thống nhất với nhận định của Chính phủ năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thậm chí có mặt còn khó khăn hơn, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đã chuẩn bị và triển khai sớm hơn các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư ngay từ đầu năm để thúc đẩy các động lực tăng trưởng này.

Đồng thời, triển khai chủ đề năm "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Quyết tâm thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023/QH15" với 18 chỉ tiêu và 10 nhóm nhiệm vụ, nhiệm vụ đột phá cụ thể.

Trong đó có đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 14 của Bộ Chính trị và Nghị định 73 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

“Thành phố xác định tăng trưởng năm 2024 từ 7,5-8%” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số

Nêu các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay TP.HCM sẽ tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phấn đấu kinh tế số đạt 22% GRDP. Đồng thời triển khai Khung chiến lược tăng trưởng xanh Thành phố đến năm 2030 và ban hành khung chính sách, quy chuẩn- tiêu chuẩn về thị trường xanh.

Thành phố cũng tập trung triển khai các dự án trọng điểm, gắn các chương trình- đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội thành phố và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24 về Đông Nam Bộ và Nghị quyết 31 về Thành phố. Hoàn thiện, trình phê duyệt quy hoạch thành phố và điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là tập trung triển khai các cơ chế chính sách của Nghị quyết 98/2023, gắn phát huy các Tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư.

Tập trung công tác điều hành, siết chặt kỷ cương, gắn triển khai Đề án nền công vụ Thành phố hiệu lực hiệu quả và triển khai nền tảng số quản trị thực thi.

Để TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ 2024 và cùng cả nước đóng góp vào kết quả chung, tại hội nghị, Chủ tịch TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành ba nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội và nghị định thay thế Nghị định 93/2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM.

Ông Mãi cũng kiến nghị Thủ tướng phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục cụ thể hoá các nội dung Nghị quyết 98 và hỗ trợ Thành phố tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là các vụ việc lớn, các vướng mắc pháp lý, vụ khó tồn đọng lâu năm, các vụ mới phức tạp phát sinh như SCB, Vạn Thịnh Phát…

“Chúng tôi thấy nếu như Trung ương tập trung cho Thành phố tháo gỡ những khó khăn này, Thành phố sẽ khơi thông nguồn lực và có điều kiện tăng tốc trong năm 2024”- ông Mãi nói.

Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo việc hoàn thiện Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế, Đề án án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM đến 2035 (theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị), các Dự án giao thông quan trọng như cao tốc: TP.HCM- Mộc Bài, TP.HCM- Thủ Dầu Một- Chơn Thành, TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây, Bến Lức- Long Thành; đường sắt TP.HCM- Cần Thơ, Thủ Thiêm- Long Thành...

Cuối cùng, TP.HCM đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đánh giá sát tình hình, sẵn sàng cho các phương án phòng chống dịch khi có tình huống để không bị động, bất ngờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm