TP.HCM dự kiến phát hành trái phiếu để làm 183km đường sắt đô thị

(PLO)- TP.HCM dự kiến huy động nguồn vay 36 tỉ USD từ trong người dân bằng cách phát hành trái phiếu để làm 183km đường sắt đô thị. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, sáng 13-6, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thông tin về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận 49/2023 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM làm 183km đường sắt đô thị bằng phát hành trái phiếu -duong-sat-do-thi.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin về đề án đường sắt đô thị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Mãi nhìn nhận đúng như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh việc đầu tư cho đường sắt đô thị là phương thức tất yếu. Bởi các nước có trên 2 triệu dân đã tính tới đường sắt đô thị rồi, trong khi TP là hơn 10 triệu dân.

Theo ông Mãi, tổng vốn đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị TP giai đoạn 1 (đến năm 2035) là 36 tỉ USD, nhiều người cho đây là số tiền lớn. Song TP đã nghiên cứu kỹ, tổ chức nhiều hội thảo và nhìn nhận việc đầu tư cho đường sắt phải từ ngân sách TP, tức đầu tư công và chỉ một số hạng mục mới cần nguồn lực xã hội.

“Tôi đi Busan, Hàn Quốc, có hỏi thì biết đường sắt Busan chỉ thu từ vé, đất, quảng cáo. Tất cả nguồn thu có được cũng chỉ đạt 40-50%, còn hàng năm ngân sách phải cấp” – ông Mãi kể và cho biết TP sẽ phát huy cơ chế TOD để thu từ quỹ đất.

Chủ tịch Phan Văn Mãi phân tích với 36 tỉ USD, mỗi năm TP cần 3 tỉ USD, đây là con số với TP.HCM không phải quá nhiều, vấn đề là cơ chế chính sách.

phat-hanh-trai-phieu.jpg

“Chúng ta không hẳn đi vay ODA, chúng ta có thể vay trong dân TP bằng chương trình trái phiếu đường sắt đô thị TP” – ông Mãi nói và cho biết mỗi năm, TP có 8-9 tỉ USD thu từ kiều hối, nếu có chính sách tốt, TP có thể huy động từ dân.

Ông tiếp: Các ngân hàng lớn nói chúng ta phát hành trái phiếu đường sắt đô thị TP với lãi suất bằng hoặc cao hơn trái phiếu chính phủ thì mỗi năm hệ thống ngân hàng TP có thể huy động 3 tỉ USD. Do đó, nguồn vốn không phải vấn đề lớn với đường sắt, vấn đề là cơ chế chính sách. Hiện TP có 28 cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn, Chính phủ, bộ, ngành cũng có có sự đồng thuận lớn với TP.

Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận đường sắt đô thị sẽ giúp TP giải điểm nghẽn về giao thông. “Có chuyên gia nói, nếu như chừng nào TP chưa hoàn thành đường sắt đô thị thì không giải quyết căn cơ ùn tắc giao thông và điểm nghẽn cho phát triển. Nếu làm đường sắt đô thị này thì các mô hình đô thị trung tâm sẽ triển khai thuận lợi hơn” – ông chia sẻ.

duong-sat-do-thi.jpeg
TP.HCM dự tính làm 183km đường sắt đô thị đến năm 2035. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cũng theo ông Mãi, khi phát triển đường sắt đô thị, TP sẽ phát triển không gian ngầm nhiều hơn. Trong trong quy hoạch chung TP cũng có định hướng này, làm sao xem không gian ngầm như không gian vật chất, vật lý để phát triển.

Về metro 2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đến giờ này đã cơ bản xong giải phóng mặt bằng, chậm nhất đến hết quý III. Đáng chú ý, TP sẽ xây dựng metro 2 từ nay đến năm 2030 là xong và xây theo cơ chế của đề án đường sắt đô thị này.

Cũng với đề án này, TP.HCM sẽ có hàng trăm điểm TOD để tạo nguồn thu, trả nợ vay 36 tỉ USD khi làm hệ thống đường sắt.

Theo đề án hệ thống giao thông vận tải đường sắt đô thị TP.HCM, từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành khoảng 183km; đến năm 2045, TP xây dựng thêm 168km; đến năm 2060 hoàn thành 510km đường sắt đô thị.

Trong đó, mục tiêu giai đoạn 1 từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến, 148 nhà ga.

Mạng lưới giai đoạn này dự kiến đảm nhận từ 40 - 50% lượng khách công cộng, đáp ứng 7 - 8 triệu lượt hành khách/ngày đêm. Tổng đầu tư cho giai đoạn này cần khoảng 36 tỉ USD.

Để thực hiện mục tiêu, đề án đã xây dựng 6 nhóm cơ chế chính sách với 28 cơ chế. Trong đó, có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội. 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.

Cuối năm nay phải trình 3 nghị quyết về TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin ba đề án về Trung tâm tài chính quốc tế, đường sắt đô thị, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải được trình Bộ Chính trị, Quốc hội trong năm nay.

“Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, phải trình ba nghị quyết có liên quan đến TP” – ông Mãi nói.

Ông cho biết TP phấn đấu quý III có chủ trương đầu tư từ Trung ương đối với dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Hiện nay, nhà đầu tư đang phối hợp với các công ty, cảng Sài Gòn để chuẩn bị các điều kiện, khi có chủ trương đầu tư sẽ triển khai nghiên cứu khả thi, tiền khả khi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm