Đề xuất mức hỗ trợ 70% cho người dân dự án rạch Xuyên Tâm

(PLO)- Sở TN&MT đề xuất các trường hợp nhà ven kênh rạch tại dự án rạch Xuyên Tâm trước ngày 1-7-2014 được hỗ trợ tới 70% giá bồi thường đất ở đã trừ nghĩa vụ tài chính.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở TN&MT TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về áp dụng biện pháp, mức hỗ trợ khác đối với dự án nạo vét, cải tạo môi trường xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật (gọi tắt là dự án rạch Xuyên Tâm) trên địa bàn hai quận Gò Vấp và Bình Thạnh.

Theo khoản 2 Điều 108 Luật Đất đai năm 2024, ngoài việc hỗ trợ theo quy định, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định biện pháp, mức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản cho từng dự án.

Với quy định này, ở dự án rạch Xuyên Tâm, Sở TN&MT đề xuất các trường hợp có nhà ven kênh trước ngày 1-7-2014 tính hỗ trợ với mức hỗ trợ là 70% giá bồi thường đất ở đã trừ nghĩa vụ tài chính.

Tăng mức hỗ trợ từ 40% lên 70%

Theo Sở TN&MT TP.HCM, theo quy định tại Quyết định 28/2018 của UBND TP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP, việc tính hỗ trợ cho đất có nguồn gốc là sông ngòi, kênh rạch và mặt nước chuyên dùng đã lấn, chiếm và tự chuyển mục đích sử dụng đất theo hai tiêu chí. Đó là tiêu chí sông ngòi, kênh rạch còn hoặc không còn chức năng tiêu thoát nước và tiêu chí đất bị thu hồi toàn bộ hay một phần.

24-P10-BAI-VIETHOA.jpg
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đi qua hai quận Gò Vấp và Bình Thạnh sẽ áp dụng các chính sách của Luật Đất đai năm 2024 (trừ một số trường hợp tại quận Gò Vấp đã ban hành quyết định thu hồi). Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Theo đó, về đất ở có nguồn gốc sông ngòi, kênh rạch không còn chức năng tiêu thoát nước, mức hỗ trợ cao nhất là 40% nếu sử dụng trước ngày 15-10-1993. Trường hợp vẫn còn chức năng tiêu thoát nước và thu hồi toàn bộ đất thì mức hỗ trợ là 32%, thu hồi một phần là 20%. Tương tự, với mốc thời gian từ ngày 15-10-1993 đến trước 1-7-2004 lần lượt là 30%, 24% và 15%. Từ ngày 1-7-2004 trở về sau thì không được hỗ trợ.

Theo Sở TN&MT, so với Luật Đất đai năm 2013 thì Luật Đất đai năm 2024 có lợi hơn cho người bị thu hồi đất khi mốc thời điểm cuối cùng để tính hỗ trợ được kéo dài đến ngày 1-7-2014 (được kéo dài thêm 10 năm so với trước đây).

Đất nông nghiệp cũng được chia theo mốc thời gian sử dụng để tính hỗ trợ. Cụ thể, trước ngày 15-10-1993, hỗ trợ 100% giá đất do UBND TP quy định. Diện tích hỗ trợ là diện tích đang sử dụng thực tế nhưng không quá 30.000 m2. Tương tự, từ ngày 15-10-1993 đến trước 1-7-2004 là 80%, vẫn không hỗ trợ quá 30.000 m2 diện tích đất sử dụng thực tế.

Về nhà, sẽ tính hỗ trợ tối đa 70% nếu xây trước ngày 15-10-1993; 50% nếu xây từ ngày 15-10-1993 đến trước 1-7-2004 và 30% từ ngày 1-7-2004 đến trước 1-7-2006. Sau thời điểm ngày 1-7-2006 sẽ không được hỗ trợ về nhà.

“Để các hộ dân trên và ven kênh rạch có thể ổn định cuộc sống, có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, cần tập trung giải quyết chính sách hỗ trợ phần đất có nguồn gốc là sông ngòi, kênh rạch và giải quyết chính sách tái định cư” - Sở TN&MT nhận định.

Hơn nữa, Sở TN&MT thông tin: Sau khi làm việc với các địa phương thì mức hỗ trợ với đất ở trước đây tối đa được 40% giá bồi thường là thấp, khó đạt được sự đồng thuận của người có đất bị thu hồi.

Vì vậy, Sở TN&MT đề xuất TP chấp thuận nâng mức hỗ trợ lên 70% giá bồi thường đất ở (sau khi đã trừ nghĩa vụ tài chính theo quy định) với đất có nhà ở sử dụng trước ngày 1-7-2014. Trường hợp sử dụng từ ngày 1-7-2014 trở về sau thì không tính hỗ trợ về đất. Về diện tích đất để tính hỗ trợ là phần diện tích có nhà, công trình, vật kiến trúc.

Mức hỗ trợ này được áp dụng thống nhất, không phân biệt trường hợp thu hồi một phần hay toàn bộ; sông ngòi, kênh rạch còn hay không còn chức năng tiêu thoát nước như tại Quyết định 28.

Các nội dung trên được Sở TN&MT đề xuất áp dụng không chỉ đối với dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm mà áp dụng đối với dự án thu hồi đất, di dời nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP.

Tăng mức hỗ trợ: Có lợi cho dân, đẩy nhanh tiến độ dự án

Dự án rạch Xuyên Tâm trên địa bàn hai quận Gò Vấp và Bình Thạnh có khoảng 2.223 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, 138 hộ trên địa bàn quận Gò Vấp và 2.085 hộ trên địa bàn quận Bình Thạnh.

24-P10-BAI-VIETHOA-h2.jpg
Người dân sống ven rạch Xuyên Tâm tại quận Bình Thạnh mong muốn dự án sớm được triển khai. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Trên địa bàn quận Gò Vấp đã có 43 trường hợp đồng thuận, những trường hợp này đã được UBND quận Gò Vấp ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quyết định thu hồi đất. Trong đó có một số trường hợp đã nhận bồi thường.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã giao UBND quận Gò Vấp khẩn trương hoàn chỉnh chính sách, thủ tục hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các trường hợp còn lại bị ảnh hưởng của dự án (95 trường hợp) theo Luật Đất đai năm 2024.

Đồng thời cập nhật, bổ sung chính sách hỗ trợ cho nhóm các trường hợp đã đồng thuận nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khoản 2 Điều 67 Luật Đất đai năm 2013 để đảm bảo tính đồng bộ trong chính sách và công bằng cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng trong cùng dự án.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Gò Vấp cho biết đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người dân trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án này là vô cùng cần thiết, giúp tạo sự đồng thuận cao của người dân. Đồng thời giúp công tác bồi thường thuận lợi hơn, dự án sớm được hoàn thành.

“Với những trường hợp đã đồng ý nhận bồi thường, khi thực hiện quy định mới, chúng tôi sẽ bổ sung chính sách hỗ trợ, tạo sự công bằng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án” - Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Gò Vấp cho biết.

Trên địa bàn quận Bình Thạnh, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ thực hiện theo Luật Đất đai năm 2024. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đã có chỉ đạo giao UBND quận Bình Thạnh khẩn trương tổ chức niêm yết chính sách, dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của người có đất thu hồi bị ảnh hưởng bởi dự án theo hướng cập nhật nội dung Luật Đất đai năm 2024, thực hiện chậm nhất trước ngày 5-8.

Ông Phan Ngọc Anh Huy, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, đánh giá đề xuất hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án rạch Xuyên Tâm của Sở TN&MT tốt hơn cho người dân so với quy định cũ. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho công tác di dời nhà ven kênh rạch, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.

“Khó khăn để di dời nhà ven kênh ở nhiều dự án, trong đó có rạch Xuyên Tâm chính là chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa phù hợp. Nếu TP.HCM đồng ý đề xuất của Sở TN&MT về việc tăng ưu đãi cho người dân là rất tốt. Hiện TP cũng đang có hướng xây nhà ở xã hội cho những trường hợp người dân được hỗ trợ nhưng không đủ tạo lập nơi ở mới” - ông Huy nói.

Ba nhóm nguồn gốc đất tại dự án rạch Xuyên Tâm

Liên quan đến pháp lý, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất dự án rạch Xuyên Tâm, Sở TN&MT chia làm ba nhóm:

Nhóm 1 là phần đất ngoài phạm vi sông ngòi, kênh rạch. Phần đất này có thể thuộc quyền sử dụng hợp pháp, hợp lệ (có giấy chứng nhận hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận) hoặc do người dân lấn, chiếm sử dụng. Phần diện tích này sẽ được thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành.

Nhóm 2 là phần đất trong phạm vi sông ngòi, kênh rạch mà hộ dân đã lấn, chiếm sử dụng và trong quá trình sử dụng, hộ dân đã san lấp nên hiện trạng hiện nay là đất.

Nhóm 3 là phần diện tích trong phạm vi sông ngòi, kênh rạch mà hộ dân đã lấn, chiếm sử dụng, xây dựng nhà sàn, hiện trạng bên dưới vẫn là mặt nước.

Phần diện tích nhà, đất thu hồi của hộ dân có thể chỉ thuộc một trong ba nhóm trên hoặc bao gồm nhiều nhóm diện tích. Ví dụ, trường hợp hộ dân sử dụng đất có quyền sử dụng hợp pháp, hợp lệ; trong quá trình sử dụng có lấn ra phần bên rạch; phần rạch này có thể được hộ dân san lấp một phần hoặc toàn bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm