Sáng 4-9, tại phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã thông tin về lộ trình xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm hành chính công).
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM đã xây dựng đề án Trung tâm hành chính công, chuẩn bị báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, sau đó báo cáo Văn phòng Chính phủ.
Theo ông Hoan, việc hình thành Trung tâm hành chính công một cấp ở cấp tỉnh là việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về cải cách hành chính. Đặc biệt, nghị quyết của Chính phủ đã chọn ra bốn địa phương, trong đó có TP.HCM thực hiện thí điểm xây dựng Trung tâm hành chính công.
“Việc này chỉ có bàn để làm chứ không bàn lùi” – ông Hoan nhấn mạnh và cho biết thực tiễn ở Quảng Ninh và Hà Nội đã hình thành Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và mở rộng ra cấp huyện.
Tại TP.HCM, khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị của TP Thủ Đức cũng đã cho phép thành lập Trung tâm hành chính công của TP Thủ Đức. Trung tâm này còn được UBND TP Thủ Đức, chủ tịch UBND TP Thủ Đức ủy quyền thêm một số nhiệm vụ về thủ tục hành chính do chủ tịch UBND TP Thủ Đức ban hành.
“Bản chất của trung tâm là nhằm phục vụ hành chính công chứ không phải chỉ giải quyết hành chính công thuần túy, riêng TP Thủ Đức có thêm một số nhiệm vụ và giám đốc Trung tâm hành chính công được ký hồ sơ do ủy quyền của Chủ tịch TP Thủ Đức” – ông Hoan giải thích.
Về việc thành lập Trung tâm hành chính công TP.HCM, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan thông tin TP sẽ hình thành trung tâm một cấp, tức toàn TP chỉ có một Trung tâm hành chính công.
Trung tâm được áp dụng hệ thống quản trị trên mạng nhằm theo dõi, giám sát quá trình thực hiện thủ tục hành chính công cho người dân của các cơ quan hành chính nhà nước từ TP đến quận, huyện, phường, xã. “Tất cả hồ sơ vào, trên này đều biết hết” – ông Hoan giải thích thêm và khẳng định với Trung tâm hành chính công một cấp này, người dân ở đâu cũng có thể được phục vụ.
Theo đề án, ông Hoan cho biết trung tâm được hình thành qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ hình thành Trung tâm dịch vụ phục vụ hành chính công TP gồm chi nhánh trung tâm và 22 chi nhánh quận, huyện và TP Thủ Đức; 24 điểm tiếp nhận của các sở và 312 điểm tiếp nhận ở phường, xã, thị trấn.
“Trong giai đoạn 1 này, chi nhánh trung tâm mới khởi động để chuẩn bị hoạt động, còn ở giai đoạn 2, nó sẽ thay thế tất cả các điểm tiếp nhận của các sở” – ông Hoan nhấn mạnh và cho biết khi đó các sở không phải bố trí bộ phận, cán bộ tiếp nhận.
Riêng các chi nhánh ở quận, huyện và TP Thủ Đức, có thể xem xét thành lập từng nhóm, từng khu vực, chứ không phải tất cả các địa phương đều phải có chi nhánh. Các điểm tiếp nhận ở cấp phường, xã vẫn giữ nguyên. Để thực hiện việc này, TP sẽ đưa ra một số quy tắc.
Cụ thể, người dân ở đâu sẽ được phục vụ hành chính ở đó, tức ở phường, xã. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt với danh mục cụ thể, người dân có thể không cần về nơi ở hiện tại để nộp hồ sơ mà vẫn có thể nộp chỗ khác, không làm mất thời gian của người dân nhưng cũng sẽ không có sự xáo trộn lớn về mặt thủ tục và cách vận hành…
Đáng chú ý, TP sẽ đưa ra danh mục những thủ tục hoàn thiện về mặt tiến trình để trực tuyến toàn trình, có thể tiếp nhận ngay. Còn những thủ tục rườm rà, có nhiều hồ sơ khác nhau sẽ được tiếp nhận như cũ.
“Quy hoạch với bộ hồ sơ dày mà đưa phường ôm thì không được, đem về sở chưa chắc xác định đúng mà phải quay lại thì rất khó cho dân” – ông Hoan phân tích và khẳng định từng bước sẽ đơn giản hóa thủ tục để chuyển lên chi nhánh trung tâm để quản lý chung.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định TP.HCM sẽ làm từng bước, cẩn trọng vì tác động đến người dân và đặc biệt không để xảy ra sai sót.
Trước đó, tại hội nghị sơ kết một năm thành lập Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức tổ chức chiều 23-8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP sẽ cố gắng vận hành mô hình Trung tâm hành chính công TP.HCM vào đầu năm 2025 với cách thức tổ chức, quản lý một phần nào đó nghiên cứu mô hình của Thủ Đức.