Ngày 14-11, Quốc hội (với 440 đại biểu có mặt) đã biểu quyết thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Tỉ lệ thông qua rất cao, trên 90%.
Chỉ có hai đại biểu không tán thành nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương 2020
Trong số 440 đại biểu tham dự biểu quyết thông qua nghị quyết nói trên, chỉ hai đại biểu không tán thành, còn một đại biểu không biểu quyết.
Với tỉ lệ đồng thuận rất cao như vậy, Quốc hội đã đồng ý tổng thu ngân sách trung ương 2020 là hơn 851.000 tỉ, tổng thu ngân sách địa phương là trên 660.000 tỉ. Tổng số hai khoản thu này, dĩ nhiên bằng với tổng thu như trong Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước 2020 được thông qua hôm 12-11.
Trong tổng số hơn 1 triệu tỉ chi ngân sách trung ương thì có 367.000 tỉ dùng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Quốc hội thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn ĐBQH về nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành theo quy định của pháp luật.
Quốc hội cũng quyết định phân bổ tăng thêm 2% dự toán số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách các địa phương nhận bổ sung cân đối so với dự toán năm 2019.
Nửa tháng trước đây, ngày 31-10, Quốc hội đã thảo luận về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, cùng với báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước.
Tuy cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhưng các ĐB khi đó cho rằng cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, số thu ngân sách nhà nước thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp.
Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán nhưng thu từ DNNN, FDI và ngoài nhà nước chưa đạt dự toán. Các vấn đề về chính sách thu, kỷ luật công vụ, kỷ luật tài chính, ngân sách còn hạn chế. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, khoán kinh phí ở một số lĩnh vực dịch vụ công chưa thực sự tích cực; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị bổ sung mức trợ cấp bảo trợ xã hội trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; đối mới cách thức phân bổ chi ngân sách trong ngành giáo dục; đảm bảo tỉ lệ chi cho lĩnh vực khoa học, công nghệ…
Hôm nay, giải trình ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nói rằng thu ngân sách hiện rất khó khăn, nguồn thu của ngân sách trung ương vẫn phụ thuộc nhiều vào thu dầu thô, thu hoạt động xuất nhập khẩu. Nguồn thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương đang có xu hướng giảm.
Bởi vậy, việc Chính phủ dự kiến bố trí 220.000 tỉ đồng cho chi đầu tư phát triển, tương ứng tỉ lệ tăng 11,7% so với dự toán năm 2019 đã thể hiện nỗ lực trong công tác điều hành ngân sách nhà nước.
“Tuy nhiên, sau khi loại trừ các khoản chi cụ thể thì nguồn phân bổ còn lại của ngân sách nhà nước chỉ khoảng 112.900 tỉ đồng, đây là mức thấp so với yêu cầu phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách trung ương và tổ chức rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các Chương trình mục tiêu để ngân sách trung ương đủ nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi của quốc gia.
Phân bổ ngân sách cũng cần ưu tiên bố trí vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm; tập trung đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội.