Quả báo cho nạn “chặt chém”

Giống như nhiều dịp nghỉ lễ khác, mừng Quốc khánh năm nay, người dân các tỉnh lại đổ về Hà Nội và một trong các điểm đến là Vườn thú Thủ Lệ. Và cũng giống như những dịp lễ khác, lợi dụng khách đông, cơ quan nhà nước xao lãng, các chủ bãi trông xe (cả “chính quy” và tự phát) tiếp tục “cứa cổ” du khách với giá 20.000 đồng/xe máy, 80.000-100.000 đồng/ô tô. Nhưng khác với các dịp khác, lần này các chiến sĩ cảnh sát đã hóa trang làm... dân thường vào gửi xe và sau đó báo cho lực lượng chức năng tới tóm gọn hành vi vi phạm với đủ chứng cứ!

Dĩ nhiên là người dân hoan hô và sau dịp nghỉ lễ này, chế tài với các cơ sở vi phạm nhẹ là phạt hành chính, nặng thì xử lý hình sự - như lời lãnh đạo Công an Hà Nội tuyên bố. Thế nhưng có người lại tặc lưỡi cho rằng “đá ném ao bèo” thôi, bởi chuyện trông xe quá giá đã thành phổ biến từ lâu. Mới đây, chính Trung tướng-giám đốc Công an TP Hà Nội còn phải móc túi số tiền gấp năm lần trả cho nhóm trông xe ở một bệnh viện lớn của thủ đô thì người dân bình thường đối phó sao nổi.

Và hơn nữa, với hàng ngàn điểm giữ xe trên thành phố không phải lúc nào lực lượng chức năng cũng “bao sân” được hết. Bởi ai cũng hiểu đứng sau những người được phép công khai đứng ra “căng dây-thu tiền” kia đều là con em cán bộ xã, phường sở tại, cả năm chỉ có dăm bảy lần lễ hội để kiếm nên nếu làm triệt để làm sao cụm, phường có “nguồn thu”. Chính vì thế, việc này cứ kéo dài và phổ biến, kể cả lần ra quân mạnh mẽ này cũng bị nghi ngờ về tính hiệu quả trong dài hạn.

Cho nên nhà quản lý ở tầm cao phải thấy vấn đề ở chỗ dẹp nạn“chém” giá không chỉ là xử lý một vấn đề bức xúc mà là tạo dựng bộ mặt, tạo “thương hiệu” cho một vùng đất mang tên “thành phố vì hòa bình”. Cứ thử nhìn cảnh bãi biển Thuận An (Thừa Thiên-Huế) lãng mạn yêu kiều một thời, dịp 2-9 năm nay vắng ngắt mới thấy “quả báo” cho nạn  “chặt chém” khốc liệt làm sao!

 VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm