“Quái kiệt” Thế Vinh đi laàm thầy giáo

Lỡ hẹn với giấc mơ

Đã có nhiều tờ báo viết về Vinh, một tấm gương vượt qua số phận, chiến thắng khuyết tật.

Bốn tuổi, Vinh đã mồ côi cha. Lên bảy tuổi, trái tim non nớt của Vinh lại phải gánh chịu nỗi đau mẹ tự tử sau một liều thuốc. Vinh chỉ còn biết lặng lẽ cùng ông bà ngoại vượt qua cái nghèo và đói.

Năm 1978, một ngày định mệnh, Vinh bị ngã từ trên lưng bò xuống gãy cánh tay phải. Gia đình nghèo chỉ có thể chữa cho Vinh bằng thuốc Nam. Họ tìm đến bệnh viện Phan Thiết khi đã quá muộn: Cánh tay phải bị cắt cụt tới bả vai.

Dáng Vinh nhỏ thó sau những nhọc nhằn của tuổi thơ để lại. Đó là kỷ niệm của những ngày theo ông ngoại đi tưới nước cho ruộng dưa. Hàng ngày một bên vai của Vinh phải oằn lên sau đoạn đường dài hàng chục cây số. “Những lúc mỏi lắm, Vinh chỉ biết đặt đôi thùng nước đó xuống rồi nghỉ một lát chứ không dám đổi vai” - Vinh cười hiền kể lại.

Càng lớn Vinh lại càng cảm nhận nỗi buồn cho thân thể, buồn vì không ba mẹ. Vinh yêu và mơ ước làm nghề thầy giáo tự lúc nào. Vinh đăng ký dự thi vào Đại học Sư phạm nhưng anh đã không được chấp nhận vì lý do “hình hài dị tật”.

Vinh đăng ký dự thi vào Trường đại học Kinh tế TP.HCM và trúng tuyển. Anh đi làm thêm đủ nghề từ giữ xe chung cư đến dạy kèm để kiếm sống.

Rồi âm nhạc đến với anh như một sự đồng cảm. Anh thử đủ mọi cách: dùng chân thẻ hương cột vào cánh tay cụt, rồi lấy ống sắt lồng vào cánh tay cụt để gẩy nhưng cũng không có kết quả. Đôi khi, anh cũng thử kẹp phím dưới bàn chân để đánh. Bí quá, anh chọn cách dùng một bàn tay vừa bấm nốt vừa gẩy, dùng ba ngón bấm nốt, ngón út để gẩy. Thấy phù hợp nhưng phải mãi sau này anh mới sử dụng thành thạo được bốn ngón còn lại.

Học được đàn ghi-ta, Vinh thường đàn cho các bạn mình nghe. Thỉnh thoảng cả nhóm lại tập hòa tấu, đứa đàn, đứa sáo... Trong đó Vinh mê nhất cậu bạn có cây kèn harmonica. “Ban đầu cũng loay hoay mãi, Vinh phải dùng chân để kẹp phím đàn nhưng làm không nổi. Cuối cùng, Vinh nghĩ ra cách vẽ ra một bộ phận để gắn harmonica lên thùng cây ghi-ta. Nhiều lúc, đánh được đàn thì quên thổi kèn và ngược lại. Nhưng đến giờ thì tập mãi thành quen rồi”.

Tốt nghiệp ra trường, Vinh bôn ba cùng với nhiều nghề, từ làm người thu mua hải sản, dạy kèm đến sửa điện thoại di động... Ngoài những công việc thường ngày, Vinh còn đến với những đêm diễn từ thiện hay các chương trình ở phòng trà.

Giờ đây, công chúng biết đến Vinh như một “quái kiệt” song tấu thành thạo hai nhạc cụ và là người biết vượt lên nghịch cảnh. Thế nhưng, ước mơ thầy giáo ngày ấy vẫn cháy bỏng...

Thầy giáo “quái kiệt”

Tôi chạy xe thật nhanh ra đúng chỗ hẹn. Vinh đã đứng đợi tôi được một lúc. Vinh ngoắt tay ra hiệu cho tôi một cái rồi đi luôn. Lúc này, tôi chỉ kịp nói với được một câu: “Anh chạy xe được không? Không thì qua hai anh em mình đi một xe cho vui!”. Người bình thường chạy xe đường dài còn mệt huống chi là Vinh, chỉ với một tay...

Vinh mặc chiếc áo khoác để che bớt cái nắng: “Có gì đâu, Vinh chạy quen rồi. Có những hôm, đi diễn về muộn quá 11 giờ tối mới xong, mà lại hẹn các em sáng mai đến học. Vậy là cứ chiếc xe này chạy trong đêm là chuyện bình thường”. Rồi như nghĩ ra một điều gì đó, anh quay sang nhắc tôi: “À, đi đoạn đường này cẩn thận nha, họ rải đinh nhiều lắm, Vinh đã phải dắt bộ vì thủng lốp mấy lần trong đêm rồi. Chắc buổi ngày sẽ ít hơn nhưng vẫn phải để ý”. Nhìn lại dáng anh trong chiếc xe đặc biệt do anh tự “phá cách” chuyển dây tay ga sang bên trái, tôi không hiểu sức mạnh nào có thể kéo chàng trai khuyết tật về với vùng quê Bến Cát đến như vậy?

Chúng tôi tới nơi, một nhóm học trò đã đợi Vinh trước cửa. Lớp học chỉ là một mái hiên của ngôi nhà lâu rồi không người ở. Căn phòng học đơn giản, chỉ bao gồm một chiếc bảng và mấy bộ bàn ghế. Vinh cười: “Cần gì phải phòng ốc kín đáo. Buổi tối học mệt quá thì thầy trò giải lao cùng ngắm trăng. Vậy mà thú vị!”.

Trước mắt tôi là một Thế Vinh uyên bác, thông minh say sưa với những công thức toán học cùng đám học trò. Vinh tâm sự: “Ban đầu, một người quen nhờ Vinh về Bình Dương dạy học cho cô con gái đang học lớp 9. Vốn mê nghề giáo, lại luôn muốn làm được điều gì đó cho trẻ em nghèo, khuyết tật nên Vinh coi đây như là một cái duyên để tìm và giúp đỡ những mảnh đời không “tròn trịa” như mình”.

Thế là Vinh trở thành một “thầy giáo làng” từ đó. “Hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều bậc phụ huynh trong làng đến nhờ anh dạy giúp con em họ. Cứ thế, cái lớp học nhỏ của người thầy giáo khuyết tật đông dần lên tự lúc nào.

Anh tự nhận mình là không có giáo án gì cụ thể. Phương pháp dạy của anh cũng rất đơn giản, dạy cho tới khi nào học trò hiểu thì thôi. Thậm chí có những lúc anh đã phải dạy cho một cậu học trò lại kiến thức từ năm lớp 9, trong khi học sinh này chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học.

Trang Thiên Ngân, cô bé có ước mơ làm phóng viên, cho biết: “Em thấy mình ham học hơn sau mỗi buổi đến lớp với thầy. Năm nay, nếu em không đậu đại học thì em vẫn rất mong được thầy dạy tiếp để sang năm thi lại”. Nguyễn Hữu Khang - cậu học trò tinh nghịch tới nói nhỏ: “Chị ơi, thầy em đánh đàn hay lắm à? Học thầy đã lâu mà chưa một lần được nghe thầy đàn thì tiếc thật”.

Ngoài làm thầy giáo dạy toán của các em, Vinh còn kiêm luôn cả môn lý và hóa. Anh giải thích, muốn các em có kết quả cao thì đâu thể chỉ một môn mà phải học đều cả ba môn. Giấc ngủ của anh lại ngắn dần đi. Sau những đêm đi diễn về, anh lại lục tục ôm sách lý, hóa tự trau dồi kiến thức và soạn giáo án để dạy học trò.

Những ngày học trò đi thi đại học cũng là những ngày Vinh thêm lo âu. Mặc cho căn nhà nhỏ chật hẹp, anh vẫn quyết định đưa các em về ở. Trò đi thi mà thầy ở nhà không yên, cứ lo không biết tụi nhỏ có làm bài được không. “Có những lúc mình cũng thấy nản lắm vì thấy kết quả học tập của các em không được như mong muốn. Khi ấy mình chỉ muốn vác cây đàn bỏ đi nhưng lại không đành. Vậy là cả thầy và trò cùng học lại” - Vinh bộc bạch.

Rồi Vinh vui mừng báo tin có học trò đậu đại học. Ngoài ra, một số em thi rớt tốt nghiệp lần trước (chỉ đạt hai điểm môn toán) sau một thời gian ngắn ôn lại kiến thức anh dự đoán có thể được tám điểm. Tôi hỏi, thế còn chuyện tình duyên? Vinh mỉm cười rồi im lặng...

17 giờ, dạy xong Vinh lại cùng tôi quay trở lại Sài Gòn. Tôi thắc mắc: “Sao anh không ở lại chứ chạy đi chạy lại như vậy thì vất vả quá?”. Vinh cười: “Tối nay, Vinh có chương trình biểu diễn ở Sài Gòn. Âm nhạc nó làm cho Vinh không quá thực dụng, còn nghề giáo nó lại kéo Vinh đừng quá nghệ sĩ. Vinh chọn cả hai vì lẽ đó”.

Tôi tin cả âm nhạc và nghề giáo sẽ mãi là đam mê và hạnh phúc của Vinh.

Mai Phương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm