Nhiều quan chức cấp cao chính phủ cũng như các lãnh đạo tình báo Mỹ đang cố gắng thuyết phục Tổng thống Donald Trump về mối đe dọa Nga, về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, theo CNN ngày 28-6.
Theo CNN, ông Trump vẫn được báo cáo đều đặn thông tin mới về chuyện Nga can thiệp bầu cử nhưng không có quan tâm gì đặc biệt hơn các vấn đề khác.
Nói với CNN, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mike Rogers cho biết rất thất vọng vì không thuyết phục được ông Trump chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo về việc Nga can thiệp bầu cử. Điều này đã được ông Rogers thừa nhận trong một phiên điều trần kín trước Quốc hội. Và theo ông, ông Trump dường như không muốn hay không thể phân biệt hai cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử và khả năng có sự thông đồng giữa Nga với đội tranh cử ông Trump.
Washington Post đầu tháng 6 cho biết ông Trump từng đề nghị ông Rogers cũng như Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats nói công khai rằng ông không phải là mục tiêu điều tra của FBI, rằng không có sự thông đồng nào giữa đội tranh cử của ông và Nga.
Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mike Rogers. Ảnh: THE HILL
Ông Rogers không phải là lãnh đạo tình báo duy nhất ngạc nhiên vì ông Trump đánh giá thấp đe dọa từ phía Nga. Điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện đầu tháng 6, cựu Giám đốc FBI James Comey cho biết trong chín cuộc đối thoại, ông Trump chưa một lần hỏi ông về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ dù nó liên quan đến an ninh quốc gia. Theo ông Comey, ông không hề nói chuyện này với ông Trump nhưng ông có nhiều cuộc nói chuyện về vấn đề này với Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Theo Business Insider, nội dung điều trần của ông Comey cho thấy có vẻ ông Trump chỉ quan tâm cuộc điều tra của FBI có ảnh hưởng đến cá nhân ông, chứ không phải muốn biết bản chất hành động của Nga hay liệu Nga có lặp lại lần nữa.
Cựu Giám đốc FBI James Comey (giữa). Ảnh: GETTY IMAGES
Có thể nhớ vài tháng trước ông Trump đã rất lần lữa, miễn cưỡng trong chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga can thiệp bầu cử để có lợi cho ông.
Ông Trump vài ngày gần đây tìm cách đổ lỗi cho người tiền nhiệm Obama không xử lý việc Nga can thiệp bầu cử ngay từ đầu. Trên Twitter ông Trump viết “chính phủ Obama biết trước rất lâu việc Nga can thiệp bầu cử” và “đã không làm gì”. Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều ý kiến rằng chính phủ Trump cũng chẳng làm gì ý nghĩa để trừng phạt Nga.
“Chúng ta đã không làm gì cả. Chúng ta thông qua một dự luật ở cửa Thượng viện nhưng nó lại bị treo ở cửa Hạ viện. Nói tôi nghe xem chúng ta đã làm gì?” - nghị sĩ Cộng hòa John McCain, một người rất quan ngại về Nga, nói với CNN ngày 27-6.
Điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 28-6, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Nicholas Burns thừa nhận ông Obama đã không mạnh tay và nhanh chóng phản ứng việc Nga can thiệp bầu cử. Tuy nhiên, ông cũng cho biết cảm thấy rốt ruột và giận dữ là ông Trump cũng thờ ơ không phản ứng sự khiêu khích của Nga.
“Đó là nhiệm vụ của ông ấy, Tổng thống Trump, là phải thận trọng về Nga. Ông ấy có nhiệm vụ phải điều tra và bảo vệ quốc gia, vì Nga là kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta trên thế giới hiện nay” - theo ông Burns.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nói thái độ của chính phủ Trump đã thể hiện qua việc vẫn giữ nguyên các lệnh trừng phạt hiện tại của Mỹ với Nga. Tuy nhiên, thực tế Nhà Trắng đã hai lần cân nhắc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga do chính phủ Obama ban hành vì sáp nhập Crimea năm 2014 và can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Thượng viện đầu tháng này đã thông qua một dự luật trừng phạt mới Nga và Iran, cũng như ngăn chặn tổng thống xóa bỏ trừng phạt Nga khi không được Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã vận động để dự luật này không được thông qua tại Hạ viện. Và theo Business Insider thì chính phủ Trump đang đàm phán trao trả lại các khu phức hợp ngoại giao của Nga ở Mỹ mà ông Obama lệnh tịch thu hồi tháng 12-2016 vì cáo buộc Nga can thiệp bầu cử.