Ngày 7-6, trong bản khai bằng văn bản gửi đến Ủy ban Tình báo Thượng viện một ngày trước khi chính thức ra điều trần, cựu Giám đốc FBI James Comey khai nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm áp lực với ông về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Ba lần làm áp lực
Trong bản khai dài bảy trang, ông Comey mô tả cụ thể các cuộc gặp giữa ông và ông Trump. Trong bữa tiệc tối giữa ông với ông Trump tại Nhà Trắng ngày 26-1, không lâu sau khi ông Trump nhậm chức. Ông Trump đã hỏi ông Comey có muốn ở lại với vị trí giám đốc FBI hay không rồi nói với ông: “Tôi cần sự trung thành, tôi mong chờ sự trung thành”.
“Tôi đã không di chuyển, nói năng, hay thay đổi nét mặt trong suốt thời gian im lặng lúng túng sau đó. Chúng tôi đơn giản chỉ nhìn nhau trong im lặng” - ông Comey viết trong bản khai rằng ông cảm thấy lo ngại ông Trump cố tạo ra “một kiểu quan hệ bề trên”.
Ông Trump (trái) chào mừng ông Comey tại Nhà Trắng ngày 22-1, hai ngày sau nhậm chức. Ảnh: NEW YORK DAILY NEWS
Ngày 14-2, sau một buổi họp báo cáo về chống khủng bố ở phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, ông Trump đã yêu cầu ông Comey ở lại. Ông Trump đã yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, con rể Jared Kushner ra về, vẫy tay ra hiệu cho Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus đang đứng nhìn ở cửa rời đi.
“Khi cánh cửa đóng lại và chỉ còn lại chúng tôi, tổng thống bắt đầu nói: "Tôi muốn nói về Mike Flynn"” - ông Comey viết trong bản khai - “Tôi hy vọng ông có thể bỏ chuyện đó đi, bỏ chuyện ông Flynn đi. Ông ấy là người tốt. Tôi hy vọng ông có thể bỏ qua chuyện này”.
Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn vừa bị ông Trump sa thải mấy ngày trước quanh cuộc gặp giữa ông với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak. FBI điều tra ông Flynn nhằm phục vụ cho cuộc điều tra mối liên hệ giữa Nga và đội tranh cử ông Trump.
Ngày 30-3, ông Trump gọi điện thoại cho ông Comey và hỏi: “Chúng tôi có thể làm gì để dẹp tan đám mây” quanh cuộc điều tra Nga của FBI.
“Ông ấy nói ông ấy không làm điều gì với Nga cả, không liên quan gì đến các nhân vật ở Nga và luôn cho rằng mình bị Nga theo dõi” - theo bản khai của ông Comey.
Giám đốc FBI James Comey trong cuộc điều trần trước Quốc hội ngày 3-5, sáu ngày trước khi bị ông Trump sa thải. Ảnh: REUTERS
Các nghị sĩ Dân chủ cho rằng từ bản khai của ông Comey có thể thấy ông Trump đã can thiệp không thích hợp vào cuộc điều tra. “Rõ ràng đây là chứng cứ, cùng với các hành động khác nữa của tổng thống, có thể nói rằng đây là hành động cản trở. Rõ ràng đó là một nỗ lực can thiệp điều tra” - nghị sĩ Dân chủ hàng đầu Adam Schiff thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện nói với CNN.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan khi được hỏi về việc ông Trump yêu cầu ông Comey trung thành cũng bày tỏ lo ngại rằng việc các giám đốc FBI có vị thế độc lập là “rất, rất quan trọng”.
Nguy cơ ông Trump bị luận tội
Việc ông Comey ra điều trần sẽ là áp lực lớn với ông Trump. Nguy cơ bị luận tội của ông Trump sẽ tăng lên cùng với cuộc điều trần này. Từ khi ông Trump sa thải ông Comey giữa lúc ông này đang chỉ đạo FBI điều tra Nga, nhiều nghị sĩ Dân chủ đã đòi luận tội ông Trump vì cản trở tư pháp.
Vì áp lực sau khi ông Comey bị sa thải, Bộ Tư pháp Mỹ đã phải bổ nhiệm cựu Giám đốc FBI Robert Muller làm công tố viên lãnh đạo điều tra độc lập vụ Nga can thiệp bầu cử. Ngoài cuộc điều tra độc lập này và của FBI, hiện một số ủy ban trong Quốc hội cũng đang điều tra Nga.
Theo nhiều chuyên gia tư pháp, từ bản khai của ông Comey có thể thấy ông Trump đã cản trở tư pháp. “Nó cho thấy tổng thống đã cố gắng làm mọi việc có thể để ông Flynn thôi bị điều tra” - theo GS luật hình sự Andrew Wright tại trường luật Savannah (Mỹ).
Tuy nhiên, theo GS luật Bruce Green tại trường luật ĐH Fordham (Mỹ), định tội ông Trump cản trở tư pháp căn cứ bản khai này là việc không dễ. Ông Trump có thể sẽ nói mình làm thế để xác minh tính cách của ông Comey cũng như bày tỏ lo ngại về cuộc điều tra, rằng nó ảnh hưởng đến khả năng điều hành chính phủ của một tổng thống.