Ngày 12-6 tới, thời điểm nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngồi cùng bàn đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngoài những vấn đề được quan tâm như phi hạt nhân và kết thúc chiến tranh Triều Tiên thì một vấn đề khác sẽ được sáng tỏ đó chính là hoạch định của ông Kim Jong-un đối với quân đội nước này trong tình hình mới.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bên các tướng lĩnh. Ảnh: KCNA
Nhưng một điều chắc chắn là ông Kim Jong-un không thể tồn tại nếu thiếu đi lực lượng quân sự trung thành. Trong khi cả thế giới tập trung chú ý vào kho bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng, quân đội Triều Tiên chính là lực lượng tham gia hầu hết các nhiệm vụ của đất nước từ tăng gia trồng nấm, trồng táo cho tới vận hành hãng hàng không quốc gia và bán các nguồn tài nguyên khoáng sản ở nước ngoài.
Vì vậy, quân đội Triều Tiên sẽ được hưởng lợi lớn nếu như ông Kim có thể đàm phán thành công giúp Bình Nhưỡng thoát khỏi lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế sau các cuộc thảo luận với Tổng thống Trump và các nước láng giềng của Triều Tiên.
Tại Triều Tiên, quân đội là lực lượng hùng mạnh nhất và có tổ chức quy mô chặt chẽ nhất. Lực lượng này chiếm tới 1/3 ngân sách hằng năm và có tới 1 triệu nhân sự. Điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên sở hữu một trong những đội quân đông đảo nhất thế giới dù dân số quốc gia chưa tới 25 triệu người.
Từ thời cha ông Kim Jong-un là cố lãnh đạo Kim Jong-il, một trong những khẩu hiệu quan trọng nhất là “Quân đội trước tiên”. Nhưng kể từ khi nắm quyền vào năm 2011, ông Kim Jong-un đã nhiều lần khẳng định thi hành chính sách phát triển lực lượng hạt nhân đi đôi với phát triển kinh tế. Hồi tháng 4, ông Kim bất ngờ ra tuyên bố trước các tướng lĩnh quân đội rằng Triều Tiên đã “hoàn thành” quá trình phát triển kho hạt nhân.
Với tuyên bố hoàn thành sứ mệnh phát triển hạt nhân, ông Kim cho rằng giờ là thời điểm để theo đuổi “con đường chiến lược mới” mà cụ thể là phát triển kinh tế và sử dụng chiến lược ngoại giao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ông Kim phớt lờ quân đội Triều Tiên.
Ông William Brown, giáo sư tại ĐH Georgetown, cũng từng là nhà phân tích tại Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), nhận xét những thay đổi về kinh tế kể từ khi ông Kim nhậm chức đã tạo ra khoảng cách thu nhập trong lĩnh vực dân sự cũng như hình thành sự phân biệt trong hàng ngũ quân đội.
“Một số đơn vị và một số binh sĩ đang tạo ra nguồn tiền lớn trong ngành xây dựng, trong khi những người khác lại không có gì để viết thêm vào hồ sơ cá nhân. Điều này tương tự với các quan chức quân đội. Có những người hoàn thành nghĩa vụ 10 năm khi nắm trong tay hàng loạt kỹ năng nắm bắt thị trường trong khi người khác lại không có gì” - AP dẫn lời ông Brown.
Cũng theo ông Brown, về lâu dài, sự thành công của chiến lược ngoại giao có thể giúp ông Kim không còn phải tính tới chuyện cắt giảm chi phí bằng cách cắt giảm binh sĩ. Song ông Brown nhấn mạnh “giờ là thời điểm quan trọng để ông Kim duy trì tinh thần thoải mái cho các binh sĩ giữa lúc nhiều người trong quân đội đang trở nên giàu có hơn”.
“Tôi cho rằng ông Kim đã sẵn sàng tăng mức lương trên cả nước để giúp các công nhân và cả binh sĩ cảm thấy vui vẻ hơn” - ông Brown nói.
“Quân đội Triều Tiên nắm trong tay hàng loạt doanh nghiệp cũng như nắm cổ phần lớn nhất trong ngành khai khoáng. Do đó, chắc chắn quân đội Triều Tiên sẽ bị thất thu lớn khi lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu than và khoáng sản của Bình Nhưỡng” - học giả Benjamin Katzeff Silberstein tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Vì vậy, theo ông, một khi các lệnh trừng phạt chấm dứt, xuất khẩu than đá và khoáng sản của Triều Tiên sẽ gia tăng, mang lại nhiều doanh thu cho quân đội nước này. Ông Silberstein còn cho rằng vai trò quan trọng của quân đội Triều Tiên trong nền kinh tế quốc gia là sẵn sàng cung ứng nhân lực khi cần thiết, đơn cử như thi công đường sá, giúp người dân thu hoạch hoặc làm việc tại các mỏ…
Ông Kim Su Gil (trái) mới được bổ nhiệm làm cục trưởng Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên thay ông Kim Jong Gak. Ảnh: KCNA
Theo những nguồn tin chưa được kiểm chứng từ Seoul và Washington, trong tuần này, ông Kim đã cho thay thế ba tướng quân đội cấp cao. Đây được xem là hành động nhằm đảm bảo quân đội Triều Tiên sẽ trở thành lực lượng phù hợp nắm bắt thêm cơ hội đầu tư từ nước ngoài sau cuộc đàm phán với Tổng thống Mỹ Trump ở Singapore vào tuần tới.
Một trong những biểu tượng cho vai trò kép của quân đội Triều Tiên là ông Kim Su-gil. Theo AP, tướng Kim Su-gil đã tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm khu du lịch Wonsan-Kalma, dự án phát triển quy mô dọc bờ biển phía Đông Triều Tiên mà Bình Nhưỡng tin tưởng sẽ trở thành điểm thu hút du khách nước ngoài một khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng.
Khu du lịch Wonsan-Kalma còn được biết tới là công trình của các “công nhân xây dựng quân đội” với hàng loạt khách sạn hạng sang, những con đường mới xây. Dự án từng được nhiều du khách Hàn Quốc quan tâm trong thời điểm quan hệ Hàn-Triều lắng dịu trước đó. Tuy nhiên, dự án này đã buộc phải tạm dừng sau khi một binh sĩ Triều Tiên bắn chết một nữ du khách Hàn Quốc do người này xuất hiện trong khu vực cấm.