Quận huyện đẩy trách nhiệm quản lý ATTP cho sở ngành

“Cho dù bữa cơm của người lao động hoặc công chức, cho dù ăn cơm trong quán bình dân hay dùng các món sang trọng trong nhà hàng thì tất cả nhân dân TP.HCM phải được sử dụng thực phẩm an toàn. Đó là trách nhiệm mà cơ quan quản lý phải gánh” - bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội kiêm Phó Trưởng đoàn Giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của HĐND TP.HCM nhấn mạnh.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung

Bà Thi Thị Tuyết Nhung (thứ hai từ trái sang) đang giám sát hoạt động giết mổ động vật tại cơ sở Xuyên Á (Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC

Quận, huyện chưa tích cực

. Phóng viên: Trong đợt giám sát ATVSTP tại Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (huyện Hóc Môn, TP.HCM), bà từng nói: “Một khi tôi còn làm ở cương vị này thì thực trạng giết mổ heo lậu sẽ được chấn chỉnh để không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở giết mổ tập trung”. Bà sẽ thực hiện lời hứa trên như thế nào?

+ Bà Thi Thị Tuyết Nhung: Giết mổ heo lậu chẳng những ảnh hưởng đến hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc tập trung mà  còn nguy hại sức khỏe người tiêu dùng do nguồn thịt không an toàn.

TP.HCM đã xây dựng đề án giết mổ tập gia súc tập trung giai đoạn đến năm 2020. Trong đề án này, từ nay đến cuối năm 2017 là phải đưa thêm bốn cơ sở giết mổ tập trung vào hoạt động và chúng tôi sẽ giám sát việc này xem có thực hiện đúng tiến độ hay không.

Hiện nay vẫn còn tồn tại các điểm giết mổ lậu xen cài trong khu dân cư ở một số quận, huyện. Tôi đề nghị quận, huyện phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và chấn chỉnh. Sau đợt giám sát này, tôi đề xuất UBND TP.HCM quy trách nhiệm lãnh đạo quận, huyện nếu còn để xảy ra hiện tượng giết mổ heo lậu trên địa bàn. HĐND TP.HCM cũng sẽ tiếp tục giám sát thực trạng này.

. Bà vừa nhắc đến vai trò của lãnh đạo quận, huyện ở TP.HCM. Vậy bà có thực sự hài lòng với những gì mà các quận, huyện đã làm?

+ Thực tế cho thấy sự vào cuộc của một số quận, huyện để chấn chỉnh và cải thiện thực trạng ATVSTP trên địa bàn chưa được tích cực. Bên cạnh đó, vai trò ban chỉ đạo ATVSTP của không ít quận, huyện còn mờ nhạt và hầu như giao trọng trách quản lý ATVSTP cho ba sở (Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tôi đề nghị lãnh đạo 24 quận, huyện phải nhìn nhận thực trạng này và cùng các sở, ngành vào cuộc đồng bộ để giám sát chặt ATVSTP trong địa bàn.

Không chỉ vậy, các chợ truyền thống trên địa bàn hiện nay do quận, huyện quản lý. Thế nhưng nguồn thực phẩm vào các chợ này hầu như còn bỏ ngõ, chẳng nguồn gốc rõ ràng. Tới đây, tôi mong muốn Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM hướng sự vào cuộc của các quận, huyện để kiểm soát cho được thực phẩm đưa vào chợ truyền thống. Đồng thời quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân.

chính sách phù hợp

. Thưa bà, trong những buổi giám sát ATVSTP bà luôn thẳng thắng đặt những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của các sở, ngành. Vậy bà có thực sự thỏa mãn với giải trình của các sở, ngành không?

+ Phải nhìn nhận thời gian qua các sở vào cuộc rất quyết liệt, nếu không thì thực phẩm kém chất lượng lưu thông ngoài thị trường rất nhiều. Tuy nhiên, với yêu cầu mong muốn của nhân dân TP.HCM và của xã hội thì tôi thấy các sở, ngành cần vào cuộc tích cực và đồng bộ hơn nữa.

Phải nói thẳng tôi vẫn còn nhiều điều chưa hài lòng với giải trình của các sở, ngành. Điều nào chưa làm được thì cần nhìn nhận và tìm cho ra nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan để có biện pháp khắc phục. Đừng đổ lỗi tại này tại nọ bởi một khi đã đổ lỗi thì khó nhìn nhận sai sót để khắc phục.

. Thưa bà, điều mà bà mong muốn các sở, ngành phải làm trong thời gian tới liên quan đến hoạt động giám sát ATVSTP?

+ HĐND TP.HCM mong mỏi các sở, ngành vào cuộc tích cực hơn. Việc nào làm tốt thì nhân rộng, chưa tốt thì chấn chỉnh. Bên cạnh đó, không chỉ người làm công tác quản lý mà ngay cả người nuôi trồng, chế biến và kinh doanh thực phẩm nếu làm tốt thì phải biểu dương, khen thưởng. Đối với tổ chức, cá nhân làm ăn gian dối thì công khai sai phạm. Các sở, ngành phải có động thái như vậy để tạo sự hưởng ứng, đồng thuận và vào cuộc của tất cả thành phần xã hội trong lĩnh vực đảm bảo ATVSTP.

Rau cải kinh doanh ở chợ đầu mối TP.HCM.

Rau cải kinh doanh ở chợ đầu mối TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

. Đa phần thực phẩm từ các tỉnh là vào ba chợ đầu mối ở TP.HCM (Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền). Qua đợt khảo sát, bà có an lòng khi dân mua thịt, rau, tôm, cá… được phân phối từ ba chợ đầu mối này?

+ Tôi nhận định thịt heo vào các chợ đầu mối được kiểm soát chặt chẽ bởi Chi cục Thú y TP.HCM. Đối với thủy hải sản do Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP giám sát thì tương đối. Tuy nhiên mặt hàng rau, củ, quả thì còn nhiều điều để nói, do lực lượng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP.HCM quá mỏng.

Trong buổi làm việc với UBND TP.HCM tới đây, chúng tôi kiến nghị TP cần có chính sách phù hợp cho nhân sự làm công tác giám sát ATVSTP tại ba chợ đầu mối để họ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn và chịu trách nhiệm rõ ràng hơn.

Tôi cũng mong tiểu thương ba chợ đầu mối nhận thức được tầm quan trọng của ATVSTP và chỉ kinh doanh thực phẩm đảm bảo chất lượng. Tiểu thương cũng mạnh dạn và kiên quyết không mua, không bán thịt, rau, cá… chứa chất cấm để góp phần cải thiện thực trạng ATVSTP trên địa bàn TP.HCM.

. Xin cám ơn bà.

 

Quá ít cửa hàng tiện ích phục vụ công nhân

Trong đợt giám sát hoạt động quản lý ATVSTP, tôi cũng đã tiếp xúc công nhân trong khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Tân, TP.HCM). Công nhân cho biết vì điều kiện kinh tế nên thường mua thực phẩm ở lề đường hoặc chợ tự phát cho dù biết không đủ dinh dưỡng và nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra.

Từ thực tế trên, công nhân mong muồn TP.HCM mở nhiều cửa hàng tiện ích bán thực phẩm với giá cả hợp lý và kiểm soát được chất lượng. Tôi sẽ đưa kiến nghị này vào buổi làm việc với UBND TP.HCM sắp tới.

THI THỊ TUYẾT NHUNG, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội kiêm Phó Trưởng đoàn Giám sát ATVSTP của HĐND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm