Quản lý blog không có nghĩa là thắt chặt

Ông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo gấp rút xây dựng quy chế quản lý blog, trên cơ sở sửa đổi Quyết định 27 của Bộ Văn hoá Thông tin trước đây về việc đưa thông tin trên mạng internet.

Blog: Con dao hai lưỡi

- Thưa Thứ trưởng, vì sao chúng ta đặt vấn đề quản lý blog, được coi như một hoạt động mang tính cá nhân?

- Không ai phủ nhận tiện ích mà blog mang lại cho mỗi cá nhân, nếu nó được sử dụng như diễn đàn trên mạng, tạo điều kiện để những người tham gia được giao lưu, trao đổi, bày tỏ những quan niệm, nhận thức của cá nhân này với những cá nhân khác về vấn đề nào đó...

Có thể coi đó là ưu thế của công nghệ, nó tạo ra rất nhiều điều lợi ích cho người sử dụng và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào công việc, đời sống riêng tư của mình.

Chính cái đó thúc đẩy việc mở rộng hay nâng số lượng người sử dụng internet trong mỗi vùng, lứa tuổi, thậm chí trong phạm vi quốc gia và rộng hơn.

Nhưng mặt khác, việc sử dụng blog cũng giống như con dao hai lưỡi. Bên cạnh những ưu thế nói trên, nếu như các blogger không có ý thức công dân, không có trách nhiệm công dân, không có am hiểu luật pháp, nếu quan niệm một cách thiếu đầy đủ thì tác hại của việc đưa ra những thông tin chủ quan, không chính thống về những vấn đề quốc gia đại sự sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ, thậm chí nghiêm trọng.

Thứ hai nữa, cũng không loại trừ việc có những thông tin được tung lên blog mang tính áp đặt chủ quan, hoặc thậm chí có những thông tin theo dạng kích động bạo lực, kích động tình dục, có những cái không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống...

Cho nên, vấn đề đặt ra ở đây là quản lý hay không quản lý blog? Tôi nghĩ bất kỳ lĩnh vực gì cũng đều cần có sự quản lý. Và cần hiểu quản lý không có nghĩa là nghiêm cấm, thắt chặt mà quản lý là một sự tạo điều kiện cho sự phát triển.

Muốn có sự tự do thì cần phải có sự quản lý. Và khi anh thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật thì lúc đó, anh lại hoạt động một cách tự do nhất, thoải mái nhất.

Lâu nay nói đến việc quản lý, vô hình chung mọi người nghĩ ngay đến việc bóp chặt, hoặc nghĩ ngay đến việc ngăn cấm, hạn chế...

Theo tôi nghĩ, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Chính phủ, của Nhà nước mình về quản lý thông tin, báo chí rất hay. Đối với internet cũng như vậy, phát triển phải đi đôi với quản lý tốt. Phát triển cần có sự quản lý, quản lý là để tạo điều kiện cho phát triển. Vấn đề đặt ra ở đây là phương thức quản lý như thế nào.

- Lâu nay, cư dân mạng quan niệm blog là nhật ký trực tuyến, là loại hình "báo chí công dân", là trang tin cá nhân... Vậy theo Thứ trưởng chúng ta nên định nghĩa về blog như thế nào cho chính xác?

"Quản lý blog không có nghĩa là thắt chặt, mà tạo hành lang pháp lý cho phát triển". Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn.
"Quản lý blog không có nghĩa là thắt chặt, mà tạo hành lang pháp lý cho phát triển". Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn.

- Vừa rồi tôi đọc một số báo, tạp chí trên mạng, thấy đưa rất nhiều quan niệm về blog: Từ quan niệm blog là một loại nhật ký trực tuyến, blog là loại báo chí công dân, blog là trang tin cá nhân, rồi blog là ghi chép riêng của từng người... Rất nhiều. Để định nghĩa về blog một cách chính xác và sát thực nhất, có lẽ còn phải bàn.

Tôi cho rằng, nếu nói blog là nhật ký cá nhân trên mạng cũng chỉ đúng phần nào đó, vì nhật ký là khi tôi viết là để tôi đọc, hoặc người nào rất thân cận mới cho xem. Còn blog thì vừa là nhật ký riêng đồng thời cũng có nhu cầu để công bố cho mọi người cùng đọc. Nghĩa là không hoàn toàn riêng tư, bí mật nữa.

Còn nếu nói blog là loại hình báo chí công dân, cái này thì phải trở lại với các quy định của pháp luật. Quy định báo chí là cái gì?

Đưa khái niệm blog là một loại hình báo chí là không chính xác về mặt pháp luật. Vì pháp luật quy định rất rõ báo chí là gì, loại hình báo chí là gì? Chức năng, nhiệm vụ cụ thể gì...? Cho nên muốn gắn cho nó là báo chí công dân hay báo chí này khác thì cần phải quay trở lại với những quy định của luật pháp để sắp xếp nó, định nghĩa nó vừa đúng quy định, đồng thời đúng với thực tiễn đặt ra hiện nay.

Theo quan niệm của tôi, blog là sự ghi chép, những ghi chép của cá nhân và có nhu cầu để mọi người cùng đọc, cùng xem, cùng trao đổi, vừa có những cái riêng tư, vừa có suy nghĩ, nhận thức hay quan niệm của riêng từng cá nhân; đồng thời có nhu cầu muốn trưng toàn bộ những suy nghĩ, những quan niệm của cá nhân để tất cả mọi người cùng có điều kiện trao đổi lại sau khi đọc và chiêm nghiệm. Định nghĩa như vậy thì dễ chấp nhận hơn.

Không quản lý kiểu... hành chính

- Với quan niệm như vậy, tới đây việc quản blog nên làm như thế nào cho phù hợp, thưa Thứ trưởng?

- Với blog, tôi nghĩ quản lý là cần thiết nhưng phương thức nào phù hợp thì những cơ quan làm công tác quản lý phải suy nghĩ và tìm ra phương thức hiệu quả nhất.

Tôi cho rằng, quản lý blog trước hết là làm sao tạo điều kiện cho những người tham gia vào blog, người ta có đủ nhận thức về loại hình này. Và tôi nghĩ không ai quản lý tốt bằng bản thân người ta tự quản lý.

Ngay cả khi chúng ta có chế tài, cơ sở pháp lý để quản lý blog, thì không có nghĩa đi quản hàng nghìn, hàng vạn blog theo dạng quản lý hành chính, mà quản lý ở đây là đề ra những tiêu chí, chế tài mang tính chất răn đe.

Ví dụ, quy định phạm vi được thông tin là những gì? Tất nhiên là anh không được thông tin những gì chống lại đất nước, không tuyên truyền kích động bạo lực, không tuyên truyền phát động chiến tranh, không được tuyên truyền và kích động dâm ô, đồi truỵ, không được tuyên truyền xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm cá nhân, uy tín của tổ chức, không được tuyên truyền để gây mất đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng đến uy tín quốc tế.

Anh không được tuyên truyền những cái ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục đã được hình thành, đúc kết bao đời nay.

Hoặc, anh không được tiết lộ bí mật chẳng hạn. Ví dụ, anh đang nắm giữ những công việc gì đấy, anh không được tiết lộ bí mật của cơ quan anh. Hay là những tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quốc gia, bí mật kinh tế, bí mật quốc phòng, bí mật an ninh...

Tôi nghĩ phải có những tiêu chí như vậy để lúc tham gia blog người ta biết để tránh vi phạm. Và chế tài cũng giúp cho cơ quan quản lý nếu phát hiện ra anh nào vi phạm thì áp dụng được hình thức xử phạt đúng mực. Cái đó là rất cần thiết.

Trong quản lý, cần có biện pháp và nội dung để giáo dục về mặt nhận thức. Tác động nhận thức cho xã hội, để người ta lựa chọn những thông tin nào tốt người ta vào, để người ta loại những thông tin rác rưởi. Nhưng đồng thời, cũng phải giáo dục cho những người tham gia vào blog biết cần phải đưa những thông tin gì và không đưa thông tin gì.

Tôi nghĩ nếu làm được những cái như thế thì chắc chắn sẽ có một môi trường vừa rất thông thoáng, rất tạo điều kiện nhưng đồng thời hết sức nghiêm túc cho những người tham gia blog.

- Thưa Thứ trưởng, với số lượng blogger như hiện nay, việc quản lý nội dung trên các blog và xử lý vi phạm sẽ mang tính bị động nhiều hơn?

- Tất nhiên đây là vấn đề rất khó. Ngay bây giờ quản lý những thông tin hiện hữu bằng giấy, bằng hình ảnh rất cụ thể mà đôi khi còn những khó khăn, phức tạp, huống hồ đây là những loại thông tin trên mạng.

Trong khi đó, bây giờ ở bất cứ nơi nào, chỉ cần máy tính nối mạng, mọi người đã đưa được thông tin lên blog của họ. Vì vậy, cá nhân làm blog này phải xác định trách nhiệm của mình. Coi mình vừa là người đưa thông tin, vừa là người kiểm soát, kiểm duyệt thông tin.

Cho nên vấn đề quan trọng nhất và cũng là khó nhất là làm cho mỗi người khi tham gia blog ý thức được trách nhiệm công dân của họ là cung cấp thông tin, chuyển tải thông tin đồng thời phải chịu trách nhiệm về thông tin đó khi đưa lên mạng.

Rõ ràng, cơ quan quản lý không thể nắm bắt hết tất cả thông tin hàng ngày đưa lên blog. Nhưng khi đã có chế tài, có thể đột kích vào trang web này, blog kia, nếu phát hiện vi phạm thì sẽ xử lý được.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì quản lý blog

- Vậy ai sẽ chủ trì việc quản lý và xử lý những vi phạm trên các blog sau khi quy định quản lý vấn đề này được ban hành, thưa Thứ trưởng?

- Tôi nghĩ Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có đủ thẩm quyền để xử lý vấn đề đó. Vì quản lý thông tin trên mạng trách nhiệm không ai khác ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông, kể cả hạ tầng cho đến nội dung thông tin.

- Việc "quản" blog sẽ được đưa vào Luật Báo chí sửa đổi tới đây như một số báo thông tin, hay sẽ thành một văn bản quy phạm riêng, thưa Thứ trưởng?

- Luật Báo chí sửa đổi tới đây sẽ không có nội dung quản lý blog. Vì nếu đưa vào Luật Báo chí, vô hình chung đã công nhận blog là một loại hình báo chí. Dự kiến chúng ta sẽ quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở sửa đổi Quyết định 27 của Bộ Văn hoá Thông tin trước đây về việc đưa thông tin trên mạng internet.

- Xin Thứ trưởng cho biết bao giờ quy chế này sẽ được ban hành?

- Bộ đang chỉ đạo gấp rút xây dựng quy chế quản lý blog với quan điểm càng nhanh càng tốt.

- Xin cám ơn Thứ trưởng!

NGUYỆT MINH - <EM>(Theo VTC News)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm