Theo dòng thời sự

Quản lý huy động vốn: 'Đánh chuột đừng để vỡ bình'

(PLO)- Việc áp dụng các công cụ pháp lý, các cơ chế giám sát đảm bảo minh bạch và ổn định thị trường không đồng nghĩa với việc làm khó, tạo ra rào cản không cần thiết trong việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 311 ngày 11-4 của Thủ tướng Chính phủ gửi các bộ, ngành về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang trong giai đoạn rất cần các nguồn lực, thậm chí là “khát vốn” để tái thiết, phục hồi và vươn lên sau thời gian dài gặp “trọng bệnh” do COVID-19.

Đơn cử, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thúc đẩy các dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3, vành đai 4 ở TP.HCM. Rất nhiều công trình, dự án trọng điểm khác cũng được Chính phủ và các địa phương triển khai để cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các địa phương (trong đó có Hà Nội, TP.HCM), các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển cơ sở hạ tầng và quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông, đô thị trên khắp cả nước giai đoạn 2021-2030.

Để triển khai hiệu quả các dự án “đáng đồng tiền bát gạo” thì Nhà nước lẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp đều cần đến nguồn vốn. Ở góc độ nhà nước, quỹ đất công được tạo ra khi triển khai giải tỏa mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm chính là một nguồn lực cần được khai thác hiệu quả. Các hình thức huy động nguồn lực từ đất công, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất là một phương án hữu hiệu.

Việc đấu giá công khai, minh bạch, đúng quy định, đồng thời quy trình thanh toán, phương án sử dụng đất… đều được giám sát chặt chẽ, hợp lý chính là “chìa khóa” để Nhà nước khơi thông nguồn lực từ quỹ đất công. Hơn nữa, bài học và cách tiếp cận từ các quốc gia khác trên thế giới đều cho chúng ta dữ liệu, cơ sở để có thể nhận định rằng đấu giá quyền sử dụng đất là phương thức huy động nguồn lực phù hợp.

Không chỉ Nhà nước, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng cần có các giải pháp “đòn bẩy tài chính”. Các kênh huy động phổ biến không chỉ qua ngân hàng, mà còn cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp… Tùy vào hoàn cảnh, nguồn lực, điều kiện, chiến lược mà mỗi doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ chọn (các) kênh phù hợp, đúng luật. Các hành vi trục lợi bất chính đều phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc (và) hình sự để tạo sự ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Một số cá nhân bị bắt, khởi tố gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cá nhân, doanh nghiệp có động cơ và động thái trục lợi bất chính, chỉ biết thu vén cho mình mà đi ngược lại “luật chơi chung” của thị trường, Nhà nước.

Nếu nhìn một cách tổng thể thì đó chỉ là những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” xuất hiện trong giai đoạn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp giàu tiềm năng đang nở rộ, phát triển. Điều đó cũng là động lực và cơ hội để các bộ, ban ngành rà soát, khỏa lấp các “khoảng trống” về cơ chế, pháp luật (nếu có) để đảm bảo việc huy động tài chính lành mạnh, bền vững.

Tuy nhiên, việc áp dụng các công cụ pháp lý, các cơ chế giám sát đảm bảo minh bạch và ổn định thị trường không đồng nghĩa với việc làm khó, tạo ra rào cản không cần thiết khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư không thể tiếp cận nguồn vốn chính đáng. Đây là điều mà nhiều chuyên gia kinh tế đã lưu ý khi thảo luận về sự can thiệp của Nhà nước đối với “bàn tay vô hình” của thị trường. Nói cách khác, “đánh chuột” nhưng đừng để “vỡ bình” - không thể vì một vài người làm sai mà dùng các biện pháp hành chính gây ảnh hưởng việc huy động nguồn lực hợp pháp và là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới đang thực hành.

Các đơn vị tổ chức đấu giá, các cơ quan quản lý thị trường cổ phiếu và trái phiếu, hơn thế là các nhà quản trị chính quyền cần tham dự quá trình tham vấn chính sách cũng như áp dụng điều đó một cách nhạy bén và mạnh mẽ hơn. Từ đó sẽ hình thành khung pháp lý và cơ chế quản lý có thể đủ “nhạy cảm” để dự báo các bất thường (như thao túng chứng khoán, bất động sản) và ngăn chặn, triệt tiêu kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm