Quản lý tài sản số để chống thất thu thuế

(PLO)- Việt Nam nhận về hơn 105 tỉ USD dòng vốn từ thị trường Blockchain trong giai đoạn 2023- 2024, với lợi nhuận thu về gần 1,2 tỉ USD vào năm 2023.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Thông tin này được ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đưa ra tại hội thảo “Pháp lý tài sản số trước thềm ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số (Luật CNCNS)”. Sự kiện do Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức vào ngày 6-12 vừa qua.

Dòng vốn đổ vào tài sản số cao

Ông Trung cho biết, so với dòng vốn đầu tư FDI, thì dòng vốn vào blockchain gấp khoảng 4 lần, tương đương ¼ so với tổng GDP cả nước.

Phó chủ tịch VBA cũng dẫn chứng thêm, theo Triple-A (một cổng thanh toán tiền mã hóa được cấp phép bởi cơ quan tiền tệ Singapore), năm 2024, Việt Nam có hơn 17 triệu người sở hữu tài sản mã hoá, xếp hạng 7 trên toàn cầu.

Trong đó có hơn 85% người làm nghề tự do sở hữu tài sản mã hoá nằm trong top 1 toàn cầu và 34% người làm nghề tự do chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hoá.

“Vì thế, cần một hành lang pháp lý hoàn thiện, để một phần trong số vốn này có thể sẽ được chuyển sang khu vực hợp pháp.

Khi đó sẽ đóng góp tích cực cho nền kinh tế và giảm thiểu những nguy cơ về rửa tiền, tài trợ khủng bố hay lừa đảo trên không gian mạng đang rất nhức nhối hiện nay”- ông Trung nhấn mạnh.

Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Bộ TT-TT cũng thông tin, cơ quan quản lý đang soạn thảo Luật CNCNS với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số. Từ đó tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này.

Theo đó, sau nhiều lần sửa đổi dự thảo, Luật CNCNS đã đưa ra những định nghĩa rất phù hợp với không chỉ bản chất của tài sản số. Dự thảo phân biệt rõ tài sản số và tài sản mã hoá, phù hợp với các quy định pháp lý hiện tại và tương đồng với hệ thống quy định của một số nền kinh tế như Mỹ.

Dự kiến dự thảo Luật CNCNS sẽ được Quốc hội thông qua vào quý 2-2025. Khi có luật, các vấn đề trong giao dịch, đầu tư, thừa kế... với tài sản số hợp pháp sẽ được bảo vệ. Các doanh nghiệp cũng tìm thấy cơ hội trong nền kinh tế số từ các công nghệ như AI, IoT, Blockchain...

tài sản số
Theo các chuyên gia quản lý tài sản số dưới luật sẽ thúc đẩy kinh tế số. ẢNH: THU HÀ

Quản lý tài sản số dưới luật

Chia sẻ về góc nhìn của đơn vị soạn thảo, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT-TT cho biết, Luật CNCNS được xây dựng theo hướng thúc đẩy hơn là quản lý cứng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số nói chung và tài sản số nói riêng.

Theo bà Hằng, tài sản số trên thế giới hiện chủ yếu đang thể hiện dưới dạng tài sản mã hoá, rất đa dạng về hình thức mà pháp luật hiện hành không thể quản lý hết chỉ bằng 1 bộ luật duy nhất. Nếu muốn quản lý hết tất cả các loại hình tài sản này thì chúng ta sẽ phải sửa rất nhiều luật khác như Luật Dân sự, Luật Ngân hàng,....

Bà Hằng cho biết, Luật CNCNS bao trùm nhiều lĩnh vực công nghiệp, công nghệ số. Trong đó, đơn vị soạn thảo đã dành tới gần 10% thời lượng của luật (6 điều trong tổng số 73 điều) cho thấy sự quan tâm đối với lĩnh vực tài sản số là đang rất lớn.

“Cơ quan quản lý chưa bao giờ từng có ý định cấm tài sản số mà chỉ cân nhắc hài hoà lợi ích giữa thúc đẩy phát triển và bảo vệ quyền lợi, quản trị rủi ro”, bà Hằng nhấn mạnh.

Trên góc độ tác động đối với ngành ngân hàng, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, tài chính - ngân hàng là ngành sẽ chịu tác động đầu tiên khi tài sản số có hiệu lực. Sự tác động đến từ việc thay đổi những sản phẩm - dịch vụ đã có sẵn, cho tới việc tạo ra một lớp tài sản hoàn toàn mới đi cùng với những sản phẩm - dịch vụ cũng chưa từng có trước đây.

Ông Trần Huyền Dinh, với cương vị CEO AlphaTrue, hoạt động trong lĩnh vực Web3 cho rằng, hành lang pháp lý rõ ràng về tài sản số sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp công nghệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm