Xếp Grab vào loại hình vận tải hành khách nào đó là câu hỏi đang khiến Bộ GTVT đau đầu trong quá trình dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Trong khi đó, dư luận đang mong chờ Bộ GTVT có tư duy quản lý hiện đại phù hợp với thời đại công nghệ 4.0.
Đừng quản lý cứng nhắc
. Phóng viên: Thưa ông, ông nhận định gì về những tác động của Grab (và Uber trước kia) khi xâm nhập thị trường Việt Nam trong mấy năm qua?
+ TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT): Những phương thức kinh doanh mới khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam đã làm thay đổi cơ bản những mô thức quản lý cũ.
Trước đây tư duy của chúng ta là nếu một người đứng ra kinh doanh phải lập doanh nghiệp (DN), phải có tài sản, phải mua thiết bị, phải tổ chức kinh doanh từ đầu đến cuối, phải chịu trách nhiệm với khách hàng... Tuy nhiên, xu hướng bây giờ các nhà đầu tư không kinh doanh từ đầu đến cuối như vậy nữa. Họ chỉ chọn kinh doanh một hay một số trong nhiều công đoạn đó. Ví dụ như Grab chỉ kinh doanh dịch vụ kết nối thôi.
. Nhưng các DN taxi truyền thống đang đòi Nhà nước phải quản Grab như một loại hình kinh doanh vận tải đã có. Điều này có hợp lý không?
+ Cá nhân tôi không thích sử dụng cụm từ “taxi truyền thống”, bởi nói như vậy sẽ làm méo mó đi từ “truyền thống” vốn có nghĩa là những gì đã được nhiều người chấp nhận và truyền từ đời này qua đời khác.
Một mô hình taxi, cũng giống như các mô hình kinh doanh khác, không phải là thứ trường tồn qua nhiều thế hệ mà luôn vận động, thay đổi theo sự phát triển kinh tế-xã hội, sự phát triển của khoa học công nghệ.
Mô hình taxi hiện nay thực ra phải gọi là “taxi kiểu cũ” thì mới đúng. Vì vậy, tôi nghĩ ở đây không đơn thuần là vấn đề cạnh tranh giữa các công ty với nhau mà là vấn đề thuộc về tư duy quản lý. Khi cái mới ập đến, ta có hai lựa chọn: Hoặc là phòng thủ thật kỹ và cố bắt cái mới thay đổi để phù hợp với cái mình đang có; hoặc là chào đón cái mới và cố gắng tạo điều kiện để những cái cũ, không còn phù hợp thay đổi để vươn lên theo cái mới.
Tôi luôn nghĩ tư duy theo hướng thứ hai sẽ luôn làm xã hội tốt hơn, phù hợp với quy luật phát triển hơn.
Sau khi Uber, Grab vào Việt Nam, các hãng taxi kiểu cũ cũng tiến hành những thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới. Ảnh: HTD
. Với sự thay đổi này, cơ quan quản lý nên nhìn nhận và xử lý như thế nào, thưa ông?
+ Sự quản lý của Nhà nước phải thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Đừng bắt sự phát triển của thị trường phải uốn theo sự quản lý cứng nhắc đã định sẵn.
Bộ GTVT đang chia vận tải đường bộ thành các loại hình khác và cố gắng quy định các điều kiện để loại hình này không cạnh tranh, không chồng lấn với loại hình kia. Điều này vô hình trung lại khiến thị trường bị phân mảnh, cắt khúc.
Đã đến lúc phải tư duy rằng các loại hình vận tải cần tuân theo đặc điểm và cơ chế vận hành của thị trường. Theo đó, các phương thức kinh doanh vận tải phải có quyền cạnh tranh với nhau, được “lấn sân” lẫn nhau, như vậy thì người tiêu dùng và bản thân DN mới có lợi.
. Vậy bài toán quản lý phải giải như thế nào cho hợp lý?
+ Quản lý trong câu chuyện này là cần tư duy theo quy luật thị trường, ở đó người tiêu dùng phải là trung tâm và có quyền lực nhất. Ta cần xem người tiêu dùng thích mô hình kiểu Grab hay mô hình taxi kiểu cũ để từ đó có cách hành xử, ưu tiên phát triển cho phù hợp.
Về khía cạnh quản lý nhà nước, một yếu tố quan trọng cần lưu ý là bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia kinh doanh. Chẳng hạn các taxi công nghệ cũng cần được đăng ký và nộp thuế theo đúng các quy định pháp luật về thuế, nếu cần phải bổ sung. Còn đối với taxi kiểu cũ, cần rà soát xem có những quy định gì không cần thiết thì bỏ hoặc sửa đổi.
DN phải làm theo nhu cầu của thị trường
. Thực ra sau khi có Grab, Uber vào, các hãng taxi cũng xây dựng các ứng dụng gọi xe cho riêng mình. Liệu điều này có phù hợp với chuỗi kinh doanh mà Việt Nam đang khuyến khích, theo đuổi?
+ Sau khi Uber, Grab vào Việt Nam, thị trường vận tải hành khách đường bộ đã diễn ra sự cạnh tranh hết sức khốc liệt. Các hãng taxi kiểu cũ một mặt thực hiện những động tác phản đối theo nhiều cách khác nhau nhưng cũng phải tiến hành những thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới. Đây là những hiệu ứng tích cực từ cạnh tranh.
Như tôi đã nói ở trên, sự phát triển của kinh tế thế giới, đặc biệt là sự phát triển của khoa học công nghệ khiến tư duy kinh doanh đã có nhiều thay đổi mà chúng ta chưa theo kịp, taxi công nghệ chính là một ví dụ của sự phát triển đó.
. Có bạn đọc hỏi liệu có thể có một ứng dụng tích hợp cho tất cả hãng taxi không. Chẳng hạn tôi chỉ cần vào ứng dụng Grab rồi có thể đặt được xe của cả Vinasun, TaxiGroup, Mai Linh…
+ Đây là một gợi ý rất hay cho các hãng taxi và cả các công ty công nghệ. Mô hình này cũng là sự giao thoa rất đẹp giữa cái mới và cái cũ, giữa công nghệ và thói quen, tách bạch giữa DN cung cấp công nghệ và hãng taxi (để không còn phải gượng ép gọi là taxi công nghệ).
Tuy nhiên, có một điểm lưu ý, việc này phải xuất phát từ DN, do DN làm. Nhà nước không nên làm việc này vì thứ nhất, đây không phải là việc thuộc chức năng của Nhà nước; thứ hai, việc này thị trường hoàn toàn có thể làm được và làm tốt. Các DN phải làm theo đòi hỏi của thị trường, tức nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng và phù hợp với khả năng, chấp nhận một sự thua thiệt nhất định khi mình chưa theo kịp taxi công nghệ.
. Xin cám ơn ông.