Dừng số lượng xe tham gia Uber, Grab và đòi công bằng

Đó là kiến nghị của ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, tại buổi tọa đàm trực tuyến quản taxi công nghệ và kinh nghiệm quốc tế do báo Giao Thông tổ chức, diễn ra sáng 22-3 tại Hà Nội.

Ông Tạ Long Hỷ đánh giá cao dự thảo lần thứ tư nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, vì đã định danh được loại hình Uber, Grab và đưa vào quản lý. Theo ông Hỷ, việc đưa ra các điều kiện tương đối cân bằng về điều kiện kinh doanh là phù hợp và đây cũng là mục đích đấu tranh lâu nay của taxi truyền thống.

Buổi tọa đàm với sự có mặt của đại diện taxi truyền thống, các doanh nghiệp, luật sư. Riêng đại diện Uber, Grab dù được mời nhưng không đến tham dự. Ảnh: VIẾT LONG

“Chúng tôi đánh giá việc áp dụng công nghệ trong điều hành, quản lý vận tải. Nên chúng tôi không yêu cầu cấm loại hình Uber, Grab mà mong muốn có một sân chơi công bằng, khi đã công bằng đơn vị nào phù hợp thì tồn tại còn không sẽ chết, đó là quy luật…” - ông Hỷ nhấn mạnh.

Nhắc đến phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể liên quan đến quản Uber, Grab vừa qua, ông Hỷ cho rằng dù xã hội đa phần đồng tình nhưng cũng có ý kiến khác. Với góc độ doanh nghiệp, ông Hỷ khẳng định phát biểu của bộ trưởng là hợp lý và tổng thể. Cụ thể, đảm bảo được quyền lợi doanh nghiệp, người lao động, người tiêu dùng… Như vậy có thể thấy tất cả phải hài hòa, không thể để quyền lợi người này mà mất đi quyền lợi người  khác, hay cái lợi của nhóm người này mà mất đi lợi ích của toàn xã hội…

“Ai đảm bảo 100% tài xế đều tốt, không có tội phạm hình sự trà trộn vào, không có những kẻ lợi dụng môi trường này để làm ăn phi pháp… Vậy chúng ta phải quản thế nào để đảm bảo an toàn cho hành khách, người lao động phải hưởng các quyền lợi theo luật lao động, Nhà nước không thất thu thuế…“ - ông Hỷ nói.

Theo Hiệp hội Taxi TP.HCM, hiện nay nhiều người vay ngân hàng mua ô tô chạy Grab, Uber gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: VIẾT LONG

Đối với số lượng xe uber, Grab hiện nay, ông Hỷ cho rằng quá trình ban hành nghị định thay thế Nghị định 86 còn dài. Để các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM không đau đầu với việc số lượng xe Uber, Grab phát triển chóng mặt, Bộ GTVT cần phải điều chỉnh lại Quyết định 24/2016 về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó dừng ngay việc cấp phù hiệu cho xe dưới chín chỗ, để ngăn chặn hệ lụy xã hội, đảm bảo sự công bằng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định việc tạm dừng cấp phù hiệu xe dưới chín chỗ là thẩm quyền của địa phương, nếu địa phương cảm thấy “nhà quá tải rồi” thì Sở GTVT có nhiệm vụ tham mưu. Không phải cái gì cũng đẩy lên Bộ GTVT.

Đáp lại, ông Tạ Long Hỷ cho rằng việc dừng cấp phù hiệu không hề đơn giản. Ông Hỷ cho biết đã tâm sự với một vài giám đốc Sở GTVT, tất cả đều bảo không dám dừng vì Quyết định 24 của Bộ GTVT, đơn vị tham gia thí điểm cũng là Bộ GTVT duyệt. Nếu dừng phải có quyết định của Bộ GTVT: “Tôi cho rằng nếu được Bộ GTVT ra một văn bản ngắn với nội dung ủy quyền cho địa phương dừng cấp phù hiệu xe dưới chín chỗ…” - ông Hỷ nêu giải pháp.

Không đồng tình, ông Lê Đình Thọ cho rằng nếu cảm thấy đó là thẩm quyền của Bộ GTVT, địa phương phải có đề nghị lên để Bộ GTVT xem xét. “Nhưng đây tôi muốn nói là thẩm quyền quản lý nhà nước tại địa phương, thẩm quyền tổ chức giao thông tại địa bàn thuộc UBND mà cơ quan tham mưu là Sở GTVT” - ông Lê Đình Thọ nói.

Ông Hỷ nói tiếp: “Thưa thứ trưởng, thứ trưởng nói đúng nhưng nhiêu khê lắm. Cụ thể, UBND phải trình vấn đề này lên HĐND tỉnh thông qua và được Bộ GTVT đồng ý… Tức là quá trình không phải đơn giản, nói là ngày mai làm được. Thậm chí trong văn bản tổng kết hai năm thí điểm Quyết định 24, Bộ GTVT cũng có kiến nghị Chính phủ tạm dừng cấp phù hiệu cho xe dưới chín chỗ, hiện Chính phủ vẫn chưa có ý kiến có tạm dừng hay không…”.

Thời điểm đó, ông Lê Đình Thọ khẳng định Bộ GTVT kiến nghị tạm dừng. Nhưng vấn đề là địa phương có thể tạm dừng rồi báo cáo Bộ GTVT. “Làm sao Bộ GTVT biết hết được những vấn đề địa phương. Tôi khẳng định vấn đề này là việc của địa phương, nếu như cháy nhà anh không vào dập lửa mà cứ chờ là sao…” - ông Thọ nêu ví dụ và cho biết nếu Hà Nội muốn dừng có thể làm báo cáo trên cơ sở thực trạng địa phương, chứ không phải Bộ GTVT tự nhiên chỉ đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm