Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra tại hội thảo: Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 17-11.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam với thị trường trên 93 triệu dân, lợi thế dân số trẻ, ngày càng được tiếp cận chất lượng giáo dục ưu việt hơn, tỉ lệ tiếp cận Internet cao, khả năng ngoại ngữ được cải thiện, một nền kinh tế mở đang hội nhập nhanh, trong một khu vực kinh tế phát triển năng động có những lợi thế nhất định trong việc đuổi kịp các quốc gia đi trước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: Nhật Bắc
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức về nâng cao năng lực tranh và phát triển bao trùm cho Việt Nam.
Cụ thể, việc thay đổi mô hình kinh doanh, tự động hóa gây ra xáo trộn, chuyển dịch, thay thế lao động quy mô lớn như đang xảy ra với các hãng taxi hay các công ty sử dụng nhiều lao động trong các ngành sản xuất, chế tạo ở Việt Nam.
Những mô hình kinh doanh dựa trên các nền tảng số xuyên quốc gia đặt ra vấn đề về nghĩa vụ tài chính, cạnh tranh công bằng mà câu chuyện gần đây về taxi truyền thống và taxi công nghệ là ví dụ điển hình. Đảm bảo cạnh tranh công bằng, chủ quyền quốc gia, quản lý nhưng không hạn chế quá trình phát triển, luôn là những câu hỏi đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý.
Vậy vấn đề đặt ra là làm cách nào để Việt Nam có thể vượt qua các thách thức, tận dụng cơ hội và bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng này?
Từ góc độ là một chính phủ kiến tạo, Phó Thủ tướng cho rằng Chính phủ sẽ thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm hiểu và loại bỏ các rào cản, các vấn đề đã và có thể sẽ phát sinh; Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ chế và xây dựng các chương trình hành động cần thiết; Chính phủ cũng sẽ tích cực khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp dựa trên khoa học công nghệ ở Việt Nam.
Đồng thời Chính phủ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kết nối số bao gồm hạ tầng cứng giúp mọi cá nhân, mọi thiết bị, cảm biến được kết nối mọi lúc, mọi nơi, an toàn, với tốc độ cao, theo thời gian thực và hạ tầng mềm bao gồm những vấn đề như các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp lý về giao dịch số, chữ ký số, thanh toán điện tử, các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech), sở hữu trí tuệ.