Quan tòa hóa giải sân hận cho bị cáo

Phiên tòa phúc thẩm vụ trộm cắp tài sản do TAND TP.HCM xét xử ngày 8-9 kết thúc trong niềm vui khôn tả của không chỉ bị cáo, mẹ bị cáo mà còn của cả HĐXX và những người dự khán. Bị cáo Nguyễn Minh Đức được tuyên trả tự do ngay tại tòa.

Nếu không có sự nhạy cảm và khéo léo của các quan tòa, có lẽ bị cáo Đức còn phải ngồi tù thêm gần hai năm nữa. Và điều quan trọng hơn, có thể trong suốt đời mình, Đức sẽ luôn mang nặng lòng thù hận người dì ruột của mình - bị hại trong vụ án.

Cha bệnh nặng, con lại thấy tiền...

Quê ở Gia Lai nhưng Đức có người dì ruột là bà Trọng, nhà tại quận Tân Bình, TP.HCM. Học hết lớp 5 thì Đức nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn. Bị cáo được dì ruột mang xuống TP.HCM nuôi nấng và cho học nghề tại nhà. Hơn 10 năm nay, Đức được dì ruột thương yêu và coi như con nuôi.

Chiều 16-7-2013, bà Trọng lấy tiền hàng được 102 triệu đồng về cất trong tủ sắt nhưng quên khóa. Sau đó, bà bóp khóa cửa phòng đi ra ngoài nhưng lại để quên chìa khóa trong phòng. Đến khoảng chiều, Đức hỏi dì mượn chìa khóa để vào phòng lấy đồ nghề thì bà Trọng kêu Đức trèo vào phòng lấy chìa khóa ra mở cửa.

Sau phiên tòa, Nguyễn Minh Đức được đưa về trại tạm giam Chí Hòa để làm thủ tục trả tự do. Ảnh: HOÀNG YẾN

Đức trèo được vào phòng thì thấy cửa tủ sắt hé mở, bên trong có cục tiền nên Đức nảy sinh lòng tham, lấy trộm toàn bộ số tiền trên đem giấu vào hốc cầu thang của sân thượng. Đến giờ khóa cửa tiệm, chờ cho mọi người về hết, Đức lên sân thượng lấy số tiền trên và trèo qua mái nhà kế bên thoát ra ngoài. “Ẵm” được cục tiền to trên tay, Đức liền đón xe về quê ở Gia Lai đưa toàn bộ số tiền trên cho mẹ ruột và Đức nói đó là tiền trúng số. Lúc này cha của Đức đang bị bệnh nặng nên số tiền này sẽ vô cùng có ý nghĩa (nếu nó là tiền lương thiện).

Hai ngày sau, bà Trọng phát hiện số tiền cất trong tủ sắt bị mất nên đến công an phường trình báo. Kết quả điều tra xác định Đức là người đã trộm cắp số tiền trên. Đang bỏ trốn, Đức biết có lệnh truy nã của cơ quan điều tra nên đã ra đầu thú. Biết rõ sự việc, mẹ Đức cũng đã đem toàn bộ số tiền trả lại cho em gái mình, tức dì của Đức.

Rút kháng cáo vì... hận người dì

Xử sơ thẩm, TAND quận Tân Bình đã tuyên phạt Đức hai năm sáu tháng tù. Sau đó Đức kháng cáo xin giảm án với lý do đã khắc phục được hậu quả.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm qua, mẹ của Đức đến tòa rất sớm. Bà cầu mong tòa khoan hồng mà giảm nhẹ hình phạt cho con.

Nhưng thật bất ngờ, ngay đầu phiên xử, bị cáo bỗng nhiên thay đổi ý định và xin rút kháng cáo tại tòa. Lý do theo Đức là vì thấy án đã nhẹ, bị cáo biết khung hình phạt của tội trộm cắp ở khoản 2 là từ hai đến bảy năm tù.

Thông thường, nếu bị cáo rút kháng cáo tại phiên xử, tòa sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm và bản án sơ thẩm đương nhiên có hiệu lực pháp luật. Nhưng trong vụ này, tòa đã không vội vàng làm thế.

Nhìn thái độ bị cáo rất lạ, có gì như bất cần, như uất ức, chủ tọa và cả thẩm phán phụ xử đã quyết định tìm hiểu kỹ rồi quyết định cũng chưa muộn.

Nhiều lần tòa hỏi vì sao bị cáo thay đổi đột ngột như vậy, rằng nếu đã thấy án nhẹ sao trước đây lại kháng cáo. Tuy nhiên, Đức chỉ trả lời muốn rút kháng cáo mà không giải thích gì. Nhưng bị cáo bật khóc.

Chính những giọt nước mắt của bị cáo đã mách bảo rằng mối nghi ngờ của quan tòa là có cơ sở. Vì vậy, tòa kiên trì giải thích cho bị cáo biết mức án mà cấp sơ thẩm tuyên phạt là có phần nặng, nếu xét xử phúc thẩm, biết đâu bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ nào đó để tòa xem xét giảm án, bằng không thì tòa tuyên y án cũng chưa muộn.

Tòa hỏi thêm mẹ bị cáo đồng thời giải thích tương tự. Cuối cùng, bị cáo thôi rút kháng cáo và chấp nhận được xử phúc thẩm.

Chủ tọa hỏi: “Bị cáo có oán giận gì người dì của mình không?”. Đức im lặng nhưng mắt nhòe ướt. Cũng câu hỏi tương tự nhưng mẹ bị cáo trả lời: “Hận. Trả tiền cho nó xong, van xin thì nó nói với tôi không có chuyện gì, không báo công an nhưng cuối cùng thì... Tôi nuôi chồng bị tai nạn nằm suốt 15 năm nay, hiện ông ấy đã qua đời vì không tiền chữa trị. Giờ thì thêm đứa con bị tù tội”. Nói xong, bà bật khóc.

Cái kết có hậu

Hiểu nỗi lòng hai mẹ con Đức, chủ tọa công bố một tờ tường trình của người dì bị cáo. Bà Trọng viết: “Sau khi tôi báo việc mất trộm cho công an khu vực thì bên điều tra đến gặp tôi làm việc. Khi tôi biết Đức lấy số tiền trên về cho cha mẹ cháu và mẹ cháu đã đem tiền trả lại cho tôi, tôi đã báo công an khép lại hồ sơ vụ án...”.

Bản tường trình này còn nói dù bà Trọng đã yêu cầu công an khép lại vụ việc, đã làm đơn bãi nại cho người cháu ruột của mình nhưng theo luật, cơ quan tố tụng không thể không truy tố bị cáo ra tòa.

Chủ tọa phân tích thêm cho hai mẹ con bị cáo hiểu rằng không phải bị hại rút đơn hoặc bãi nại là Đức không phạm tội. Tuy nhiên, pháp luật ngoài trừng trị còn xét cả hoàn cảnh phạm tội cũng như những tình tiết giảm nhẹ khác cho bị cáo.

Đến đây thì gương mặt của bị cáo và người mẹ dãn ra. Giọt nước mắt lúc này đã gột rửa mọi muộn phiền, uất hận trong họ.

HĐXX nhận định đây là vụ án trộm cắp đã hoàn thành nhưng giữa bị cáo và nạn nhân có mối quan hệ ruột thịt. Nạn nhân bãi nại và bị cáo cũng đã trả lại tiền. Án sơ thẩm xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Tuy nhiên, tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt xuống còn sáu tháng 12 ngày tù (bằng với thời gian tạm giam) và tuyên trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa.

Tòa vừa tuyên án xong, mẹ bị cáo bật khóc và chấp tay lạy HĐXX trước khi theo con trai ra khỏi phòng xử.

Chiều hôm qua, sau khi Đức làm thủ tục rời khỏi trại tạm giam Chí Hòa, không biết trong bữa cơm đoàn tụ có người dì của Đức cùng dự hay chưa...

HOÀNG YẾN

Con người ta vô phúc mới đáo tụng đình, ở đây chuyện xảy ra giữa những người thân lại càng xót xa. HĐXX đã vận dụng hết các tình tiết, trong đó có cả hoàn cảnh khiến Đức phạm tội để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Khi xét xử, chúng tôi không chỉ xử cho xong mà còn phải thấu lý đạt tình, phải hiểu được tâm tư của cả bị cáo. Qua đó, chúng tôi làm cầu nối để họ giải tỏa được mối bất hòa với nhau. Chúng tôi thấy vui vì điều đó.

Thẩm phán chủ tọa VƯƠNG VĂN NGHĨA, TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm