Ngày 22-8, theo Uỷ ban kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Bình vừa thông báo kết luận kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản một số công trình, dự án về lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2011 – 2016.
Các đơn vị nằm trong kết luận này gồm có: lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chi cục Thủy lợi; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi; lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành phố: Minh Hóa, Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và Đồng Hới.
Một góc TP Đồng Hới, Quảng Bình. Ảnh: Tiến Luyến.
Theo đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những khuyết điểm, sai phạm như: việc chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các quy định, hướng dẫn mới ban hành về xây dựng cơ bản, nhất là các định mức, đơn giá không kịp thời.
Trong khi đó, Chủ đầu tư là UBND các xã, phường, thị trấn nói trên lại chưa chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường. Chưa gắn quyền lợi, trách nhiệm của người dân vào việc tham gia bảo vệ các công trình sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.
Việc ban hành các văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị, thành phố để chỉ đạo, hướng dẫn đối với các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn có mặt hạn chế.
Chủ đầu tư thiếu kiểm tra, đôn đốc trong công tác quản lý, điều hành dự án, nhất là việc thẩm tra, thẩm định dự án, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình, nhằm phát hiện những sai sót trong việc áp dụng các định mức, đơn giá để kịp thời điều chỉnh, bổ sung dự toán.
Trong tổng số 79 công trình, dự án được kiểm tra có 48 công trình, dự án do các đơn vị tư vấn thiết kế, lập dự toán đã áp dụng sai một số định mức, đơn giá.
Thế nhưng, trong quá trình tổ chức thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán, nghiệm thu thanh toán, chủ đầu tư trực tiếp là ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn quản lý dự án và các đơn vị thẩm tra, thẩm định dự toán không phát hiện được để đề nghị chủ đầu tư cắt giảm.
Mặt khác, trong quá trình đầu tư xây dựng, một số chủ đầu tư chưa tích cực huy động các nguồn lực, các khoản đóng góp của nhân dân theo tỷ lệ đối ứng nên còn nợ trong xây dựng cơ bản của 359 công trình, với số tiền gần 165 tỷ đồng.
Đến nay, có 676 công trình đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư chưa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành 123 công trình.