Quảng Bình: Hơn 12 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất bị chặt phá

(PLO)- Các lực lượng chức năng Quảng Bình đang xác minh, điều tra làm rõ sự việc hơn 12 ha rừng tại xã Sen Thuỷ bị khai thác, chặt phá.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy, khu vực rừng đã bị khai thác, chặt phá thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất tại khu vực hồ Bàu Sen, xã Sen Thủy.

"Chủ rừng” là ai?

Cụ thể, khu vực rừng phòng hộ do Ban Quản lý khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong (BQL KDTTN ĐC-KNT) quản lý đã bị khai thác, chặt phá với diện tích 9,69 ha tại lô 11, khoảnh 3, tiểu khu 433C và lô 2, 3, khoảnh 2, tiểu khu 434C.

Trong 9,69 ha rừng phòng hộ bị khai thác, chặt phá có 7,63 ha khai thác trắng lấy cả cây phi lao và keo; 2,06 ha chỉ cắt lấy cây keo, còn cây phi lao vẫn chừa lại.

Những vệt bánh xe tải lớn trong khu vực rừng bị khai thác, chặt phá. Ảnh: BẢO THIÊN

Những vệt bánh xe tải lớn trong khu vực rừng bị khai thác, chặt phá. Ảnh: BẢO THIÊN

Cùng với diện tích rừng phòng hộ bị tàn phá thì khu vực rừng sản xuất tại lô 11a và lô 12, khoảnh 3 tiểu khu 433C do UBND xã Sen Thủy cũng đã bị khai thác, chặt phá với khoảng 2,85 ha.

Theo ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, người dân khai thác, chặt phá rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất tại khu vực hồ Bàu Sen, xã Sen Thủy là có.

“Hiện Chi cục đang khẩn trương chỉ đạo các phòng chuyên môn điều tra, làm rõ, xác minh lại diện tích, chủ quản lý. Đồng thời, đơn vị sẽ tiến hành tham mưu cho huyện Lệ Thủy thành lập tổ xác minh lại hiện trường, các đối tượng vi phạm và hồ sơ rừng theo đúng quy định”, ông Duẫn nói.

Nhiều cây gỗ keo, phi lao bị chặt phá gần đây còn nguyên nhựa cây. Ảnh: BẢO THIÊN

Nhiều cây gỗ keo, phi lao bị chặt phá gần đây còn nguyên nhựa cây. Ảnh: BẢO THIÊN

“Chủ rừng” nói gì

Theo giải trình của BQL KDTTN ĐC-KNT, vào ngày 2-8, người dân thôn Sen Đông vào khoảnh 3, tiểu khu 433C khai thác rừng trồng, đơn vị đã lập biên bản yêu cầu các hộ đình chỉ việc khai thác. Lúc này, các hộ dân đã khai thác được khoảng 2 ha (cắt xen kẽ không tạo thành lô).

Ngày 5-10, người dân tiếp tục khai thác rừng tại khu vực nói trên với lý do, năm 2009 thôn Sen Đông được cán bộ địa chính giao đất tại khoảnh 3, tiểu khu 433C. Thôn Sen Đông sau đó đã chia đất cho các hộ, nhóm hộ để trồng rừng.

Việc cắt trắng cây sẽ gây nguy cơ lũ quét trong tương lai. Ảnh: BẢO THIÊN

Việc cắt trắng cây sẽ gây nguy cơ lũ quét trong tương lai. Ảnh: BẢO THIÊN

Đối với các sự việc trên, BQL KDTTN ĐC-KNT đều lập biên bản và báo cáo các cơ quan chức năng xác định rõ, xử lý việc khai thác rừng.

Nhưng đến ngày 11-10, người dân thôn Sen Đông tiếp tục vào khai thác rừng với lý do thôn đã chia đất, nộp lệ phí để nhận đất trồng rừng, thậm chí đưa cả máy múc vào đào bới, san ủi để trồng lại rừng.

Ngày 12-10, các lực lượng chức năng đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt hành chính đối ông Hoàng Thái Trương (SN 1962, xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy) và ông Nguyễn Xuân Tâm (SN 1970, ở xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy) về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép, mỗi người 3.000.000 đồng.

Ông Bạch Thanh Hải, Giám đốc BQL KDTTN ĐC-KNT cho biết, diện tích rừng mà người dân khai thác, chặt phá thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất tại khu vực hồ Bàu Sen, xã Sen Thủy trước đây do đơn vị được tạm giao quản lý.

Từ ngày 18-10, phần diện tích này đã được bàn giao cho đơn vị khác. Trước mắt, để xử lý vụ việc, đơn vị đã lập biên bản xử lý người vi phạm. Về chức năng quản lý nhà nước được giao, quan điểm của đơn vị là sai phạm đến đâu xử lý đến đó, nếu các trạm quản lý bảo vệ rừng buông lỏng quản lý sẽ xử lý nghiêm.

Đường vào khu vực rừng bị khai thác, chặt phá. Ảnh: BẢO THIÊN

Đường vào khu vực rừng bị khai thác, chặt phá. Ảnh: BẢO THIÊN

Về phía xã Sen Thủy, ông Lê Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã cho biết, về hồ sơ giao đất trước đây, thực hiện công tác quản lý đất đai phần diện tích ngoài lâm phận và Nghị quyết số 03-2008 ngày 16-1-2008 của HĐND xã, ngày 8-7-2009, UBND xã đã giao cho thôn Sen Đông bảo vệ, quản lý phần diện tích rừng (0,86 ha) thuộc địa phận thôn Sen Đông.

Tuy nhiên, vào năm 2010 và 2013, thôn Sen Đông đã tổ chức chia phần diện tích ngoài lâm phận cho các tổ chức, các nhóm hộ trong thôn để trồng cây và chia luôn phần đất rừng của BQL KDTTN ĐC-KNT quản lý để các hộ dân trong thôn trồng cây.

“Từ khi thôn Sen Đông tổ chức chia và người dân trồng cây đến khi khai thác, UBND xã Sen Thủy không nhận được báo cáo của tổ bảo vệ rừng và BQL KDTTN ĐC-KNT.

Hiện, chính quyền địa phương đã thông báo, tuyên truyền đề nghị người dân dừng khai thác rừng; chỉ đạo các cơ quan liên quan lập danh sách, rà soát các hộ dân liên quan đến vụ việc. Quan điểm chỉ đạo của chính quyền địa phương ai sai đến đâu xử lý đến đó”- ông Bắc thông tin.

Một số hình ảnh PV PLO ghi nhận tại hiện trường:

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm