Quảng Nam tự hào 550 năm vùng đất “địa linh nhân kiệt”

Sáng 28-12, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VN) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển”. Hội thảo là hoạt động chính trong sự kiện kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471-2021).

Hội thảo do PGS-TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN; ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN, đồng chủ trì.

Hội thảo nhận được sự tham gia của hơn 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực: Kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... ở các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan trung ương và địa phương trong cả nước.

Vùng đất “địa linh nhân kiệt”

Phát biểu mở đầu hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhắc lại hành trình ra đời danh xưng Quảng Nam. Cách đây 550 năm, vua Lê Thánh Tông thành lập đạo thừa tuyên Quảng Nam - đơn vị hành chính thứ 13 của nước Đại Việt, danh xưng Quảng Nam ra đời. Với sứ mệnh thiêng liêng, Quảng Nam luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

“Đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, hàm chứa nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng và cũng là quê hương của nhiều bậc chí sĩ yêu nước, những lãnh tụ cách mạng và nhân sĩ trí thức nổi tiếng. Nhìn lại 550 năm hình thành và phát triển, sâu thẳm trong mỗi người dân đất Quảng luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Quảng Nam tươi đẹp như ngày nay” - chủ tịch tỉnh Quảng Nam khẳng định.

Ông Thanh cho rằng đây là mốc thời gian để người Quảng Nam tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc hơn.

Đồng chủ trì hội nghị, PGS-TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN, cho rằng hội thảo là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học nhận diện, đánh giá, khẳng định vị trí, vai trò cùng những đóng góp to lớn của vùng đất và con người Quảng Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Ông Quang nhắc lại trong cuốn sách Đại Việt sử ký toàn thư (bộ quốc sử cổ nhất của VN) chép rõ: “Tháng 6 năm 1471, Vua Lê Thánh Tông lấy đất Chiêm Thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam”. Tên gọi Quảng Nam khi đó đã hàm chứa tầm nhìn sâu rộng của vị hoàng đế Đại Việt khát khao được mở rộng đất đai về phương Nam. Kể từ đó cho đến nay, con người và vùng đất Quảng Nam luôn hiện diện ở vị trí trang trọng trong những trang sử vàng của dân tộc VN.

Quảng Nam là nơi hình thành và phổ biến chữ Quốc ngữ sớm nhất VN. Thương cảng Hội An phát triển mạnh mẽ với sự quần tụ của người Việt, người Nhật, người Hoa, là điểm đến của thuyền buôn từ phương Đông, phương Tây. Đầu thế kỷ 21, Quảng Nam lại nổi lên như là cái nôi của phong trào Duy Tân với tên tuổi lẫy lừng của tam kiệt: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (đứng giữa) và GS Lê Văn Lan (áo sọc) thắp nhang mộ ngài Lê Tấn Trung nhân kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam. Ảnh: THANH NHẬT

Kỳ vọng giải pháp đưa Quảng Nam hội nhập toàn cầu

Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng qua hội thảo này sẽ làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của vùng đất và con người Quảng Nam trong tiến trình lịch sử 550 năm hình thành và phát triển, đồng thời khuyến nghị những định hướng và giải pháp góp phần đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam LÊ TRÍ THANH

Những điều cao quý, tốt đẹp hội tụ trong hai chữ Quảng và Nam

Bên lề hội thảo, GS - nhà sử học Lê Văn Lan cho biết chữ Quảng và chữ Nam ra đời đã 550 năm nhưng nó không chỉ là một kết tinh của ngần ấy thời gian mà kéo dài cả ngàn, vạn năm nữa của nước Việt mà thế kỷ 15 dân tộc ta đạt được, làm chủ được.

Chúng ta đã gặp được cả một nền đất được khai phá từ thời vua Lê Thánh Tông nhưng còn rất nhiều yếu tố đóng góp vào sự khai phá này để cuối cùng có một xứ trên bình diện cả nước, gắn bó với tên tỉnh mà vua Minh Mạng lập cho đến nay được 190 năm. Theo ông, cả nước chỉ có vài tỉnh/miền đất có thuật ngữ chữ xứ thêm vào là xứ Lạng, xứ Huế, xứ Quảng.

“Tất cả những gì đã gói lại trong chữ “xứ” như thế, gắn liền với chữ Quảng của Quảng Nam có cái trữ lượng ở đây là sự dồn nén của lịch sử, sự kết tinh của những phẩm chất đẹp đẽ, tinh hoa mà đã vượt qua vô vàn khó khăn để có được. Và như vậy, còn thêm vào đây cả sự kiên cường, kiên trì, dũng cảm và sáng tạo trong đấu tranh, trong gìn giữ bờ cõi và phát triển. Bấy nhiêu những điều cao quý, tốt đẹp đó hội tụ lại trong hai chữ Quảng và Nam. Điều đó khiến cho Quảng Nam, mở rộng ra là đất nước VN, rộng hơn nữa là khu vực Đông Nam Á, Quảng Nam có một vị thế rất đặc biệt trong bối cảnh của không gian và thời gian như vậy” - ông Lan nhấn mạnh.

Cần bảo vệ và làm giàu đa dạng văn hóa Quảng Nam

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm cho hay đa dạng văn hóa của Quảng Nam đã tạo ra nguồn lực cho sự phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội như du lịch, sản xuất hàng thủ công, các ngành công nghiệp sáng tạo… Tuy nhiên, trong bối cảnh Quảng Nam ngày càng tham gia tích cực vào quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự đa dạng văn hóa ở đây bị suy giảm theo nhiều chiều hướng khác nhau.

Trong tham luận của mình, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm cũng đưa ra năm nhóm giải pháp cơ bản để bảo vệ và làm giàu đa dạng văn hóa ở Quảng Nam. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm