Quảng Ninh: Than thổ phỉ “nuốt” nhà dân - Bài 2: Sự nổi giận của “thổ địa”

Cả nhà chuẩn bị ăn trưa thì bỗng nghe những tiếng “rắc rắc...”, tường nhà chạy dài những đường nứt lớn. Anh Tuấn chỉ kịp kêu lên: “Mọi người mau chạy đi!”. Khi họ vừa kịp chạy ra khỏi nhà thì nghe “ầm ầm”. Ngôi nhà sụp xuống thành một hố bom khổng lồ…

Xóm nhà hoang

Con đường chạy vào khu 3, phường Cao Xanh, TP Hạ Long nhôm nhoam những ngôi nhà hoang vắng sau cánh cổng ngả. Cả khu xóm hoang vắng, chỉ thấp thoáng vài người đang làm việc vặt trước cổng nhà. Người ở đây đa số đều đi hết rồi, chỉ còn lại những người già ở lại trông coi đồ đạc. Thậm chí có ở lại thì cũng không ai dám ở trong nhà quá lâu. Bà Dương Thị Mùi (69 tuổi, tổ 29) kể lại mà giọng vẫn còn bàng hoàng kể chuyện vừa xảy ra tháng trước: “Tôi đang ngủ thì thấy ngôi nhà rung chuyển mạnh. Tưởng động đất, cả nhà sợ quá chạy ra thì thấy nền nhà trước sân đang lở từng mảng lớn”.

Từ đó đến nay, ngôi nhà càng ngày càng nứt nẻ, nền nhà càng trồi sụt không biết sẽ sụp xuống bất cứ lúc nào. Vợ chồng người con sợ quá gửi con sang nhà người bác còn mình thì dựng một cái lán trước nhà để ở chứ không dám ở trong nhà.

Cách đó vài chục mét là ngôi nhà của anh Tuấn giờ đổ nát, không ai dám ở nữa. Đằng sau nhà là một “hố bom” khổng lồ đường kính trên 8 m với độ sâu gần 5 m. “Hố bom” đó đã từng “nuốt” một ngôi nhà nhỏ vốn là xưởng mộc của gia đình. Dưới “hố bom” đến giờ vẫn còn vương vãi những dụng cụ, thanh gỗ làm mộc. Cả gia đình anh gần 10 người phải đi “sơ tán” hết, ngôi nhà trở thành nhà hoang.

Quảng Ninh: Than thổ phỉ “nuốt” nhà dân - Bài 2: Sự nổi giận của “thổ địa” ảnh 1

“Hố bom” này trước đây là xưởng mộc. Ảnh: NGUYỄN DÂN

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều hộ dân sống trong khu 3. Khắp xóm, gần như không nhà nào là không có tường bị nứt nẻ. Một số gia đình đành phải bỏ đi vì không biết nhà sẽ sụp lúc nào. Đa số chọn giải pháp “sơ tán”. Cả nhà dọn đi ở nhờ nơi khác, chỉ để lại một hai người ở lại trông coi đồ đạc.

Giữa đô thị thời bình, cảnh sống của người dân khiến người ta nhớ về thời sơ tán tránh bom trong chiến tranh phá hoại của Mỹ 40 năm trước.

Đi không nỡ, ở cũng không xong...

Bên cạnh “ngôi nhà sạt lở” của bà Mùi là một ngôi nhà xiêu vẹo trống huơ trống hoác, không cửa, không hàng rào, thậm chí tại các cửa sổ cũng chỉ còn lại là những ô trống. Người dân cho biết đó là nhà của anh Lê Văn Hải. Người trong nhà chỉ mới dọn ra ngoài được hai hôm, chưa gom hết đồ đạc ra thì trộm đã vào khuân sạch. Thậm chí các khung cửa sắt cũng bị bọn chúng tháo ra. Trong xóm cũng xảy ra vài vụ tương tự. Vì vậy người trong xóm không ai dám dọn ra ngoài ở hẳn mà “bố trí” một, hai người ở lại trông nhà.

Chị Bùi Thị Oanh (38 tuổi, tổ 38) nói: “Chúng tôi cũng muốn dọn ra ngoài ở lắm chứ nhưng khả năng đâu mà dọn. Phường chỉ hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng để di dời nhưng một gia đình bốn khẩu muốn ở ngoài bét nhất cũng phải 3 triệu đồng/tháng”. Đồng tình, chị Nguyễn Thị Thu Hằng (30 tuổi, tổ 39) cho biết: “Bao lâu nay chúng tôi ở đây rồi, gia đình sống nhờ xưởng mộc. Bây giờ dọn ra ngoài thì làm sao tìm được một chỗ để làm xưởng mộc với giá 2 triệu đồng”. Gia đình anh Dũng ngụ ở tổ 39 còn khốn khó hơn. Cả gia đình anh sống nhờ vào khu vườn và chăn nuôi lợn, nếu dọn ra ngoài thì vợ chồng và các con anh không biết lấy gì để sống.

Các gia đình khác cũng đã định cư ở đây từ rất lâu, họ không nỡ bỏ lại cơ nghiệp mấy chục năm gầy dựng.

Không chỉ những vùng khai thác thổ phỉ, ngay tại khu vực khai thác lộ thiên của mỏ than Núi Béo, hàng chục hộ dân khu 4 phường Hà Tu cũng đang phải sống trong nguy cơ sạt lở. Kề bên moong than bị khoét thành lòng chảo sâu hàng trăm mét lởm chởm đất đá, ầm ầm suốt ngày đêm là một khu dân cư hoang tàn, đổ nát, bị cô lập như một ốc đảo. Con đường bê tông dẫn vào khu dân cư đã bị sạt lở, vùi trong đất đá. Mặt đất xẻ đầy những vết nứt ngang dọc. Vài căn nhà sập đổ, ngổn ngang gạch vữa trên nền móng đổ nát.

Chênh vênh bên bờ đất dựng đứng lởm chởm là gần chục căn nhà vách xiêu, tường nứt, có thể đổ ụp bất cứ lúc nào.

Giếng khô nước, nhà đầy lũ bùn

Căn nhà vợ chồng ông Nguyễn Văn Ảnh, 79 tuổi, nằm cheo leo bên bờ đất, vài chỗ trên tường đã nứt toác. Hơn 30 năm sống ở đây, ông đã quen với tiếng nổ mìn, quen dư chấn khiến đồ vật rung lắc. Ông Ảnh cho biết sạt lở đã xuất hiện năm năm nay. Có vài hộ đổ nhà phải bỏ đi nơi khác. Những hộ bám trụ sống trong tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt bởi giếng nước khô kiệt. “Mỏ than đào sâu nên nước ngầm dồn hết về moong than, giếng không cạn mới lạ!” - ông Ảnh nói. Con suối Sẹc Lồ gần đó thường xuyên cạn nước, lòng suối trơ bùn đất đen sì. Công ty Than Núi Béo trang bị téc nước cho một số hộ. Nhiều nhà phải đi thồ từng can nước phục vụ sinh hoạt.

Ông Hoàng Văn Nam, Chủ tịch UBND phường Hà Tu, cho biết tháng 8-2010, một trận mưa lớn cuốn đất đá từ bãi thải theo suối Sẹc Lồ tràn vào khu dân cư. Hơn 150 hộ đã phải hứng chịu cơn lũ bùn lẫn than đen ộc vào nhà. Chính quyền và mỏ than đã phải chi hơn 400 triệu đồng giúp dân khắc phục. Theo ông Nam, phường Hà Tu hiện có gần 400 hộ dân phải sống chung với bụi than do hoạt động sàng tuyển, chuyên chở than của mỏ. Gần 100 hộ khu 3, 4, 7 nằm gần vỉa than đã bị lún nứt.

Những ngôi nhà lụm xụm trong một buổi chiều đông heo hút gió càng làm không khí thêm hoang lương. Một cụ già bùi ngùi nói: “Bao đời nay ở có làm sao đâu, bỗng dưng hai năm nay xảy ra chuyện sạt lở vậy. Cũng bắt đầu từ nạn thổ phỉ khai thác than lậu. Nhà thì không còn ở được nữa rồi. Không biết tết này làm sao đây...”.

Bị thiệt, dân chưa di dời

Nói về các trường hợp phải di dời, ông Phạm Mạnh, Chánh Văn phòng UBND phường Cao Xanh, cho biết: “Mỗi hộ dân được hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng nhận liền lúc sáu tháng cho việc di dời ra ngoài. Bên cạnh đó, địa phương còn bố trí nơi tái định cư bằng hình thức bốc thăm tại khu vực Hà Khánh C (cách chỗ ở cũ khoảng 3 km) cho mỗi hộ là khoảng 80 m2. Đất cũ của người dân sẽ được bàn giao cho công ty than.

Quảng Ninh: Than thổ phỉ “nuốt” nhà dân - Bài 2: Sự nổi giận của “thổ địa” ảnh 2

Khu 4 Hà Tứ sống bên bờ miệng vực. Ảnh: NG.DÂN

Tuy nhiên, theo người dân ở đây cho biết nơi ở mới là khu vực ven biển, đất nền rất yếu. Để xây nhà cần phải đặt móng gấp hai ba lần những nơi khác. Chỉ riêng tiền đặt móng thôi họ đã không đủ rồi nói chi tiền xây nhà. Hơn nữa, có những hộ có diện tích nhà cũ từ vài trăm mét vuông lên đến cả ngàn mét vuông, việc chuyển họ đến một khu đất chỉ còn 80 m2 khiến họ cảm thấy bất công. Những người dân ở đây còn cho biết khu đất mới nằm gần nhà máy xi măng. Gió thổi bụi đất xi măng từ nhà máy đó sang rất độc hại. Chính vì vậy giá đất khu nhà ở đấy tuy nằm sát biển nhưng lại thấp nhất khu vực. Ông Phạm Văn Mộng có diện tích nhà hơn ngàn mét vuông nêu ý kiến: “Không phải chúng tôi không chấp hành nhưng đổi như vậy thì bất công cho chúng tôi quá. Chẳng thà họ lấy giá đất thấp hơn thị trường một chút cũng được rồi mua lại đất của chúng tôi thì chúng tôi cũng sẵn lòng đi. Chứ như thế này chúng tôi cũng không có tiền để đi được, đành sống được lúc nào hay lúc ấy thôi”.

NGUYỄN DÂN - HUY HOÀNG

Kỳ tới: Lật mặt “thủ phạm” gây sụt lún

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm