Quảng Ninh: Than thổ phỉ “nuốt” nhà dân - Bài 1: Sống trong thống khổ

“Cứ thấy ngôi nhà nào có vườn cổng đóng kín thì đó đều là nơi của bọn than thổ phỉ đang khai thác than” - H., một tay trước kia từng làm than thổ phỉ, chỉ vào những căn nhà mà chúng tôi đi ngang qua.

Một lò đã “rút ruột” tới 1.000 tấn!

Khi thấy tôi vừa định đưa máy ảnh lên chụp, H. khoát tay cản liền: “Chỉ cần nó biết anh là nhà báo đến tìm hiểu thì lát nữa anh nằm chung với đống than kia luôn”. Tôi nhìn quanh và thấy rải rác những bóng người đen nhẻm, trên tay là cuốc xẻng đang nhìn chúng tôi dò xét.

Với người Hạ Long, chuyện than thổ phỉ không lạ. Mới đây, đêm 11-12, cơ quan chức năng bắt quả tang 24 đối tượng đang khai thác than trái phép trên vùng đất của gia đình ông Đỗ Văn Lộc tại tổ 65, khu 5, phường Cao Xanh. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ hai xe ô tô, hai máy phát điện, hai máy ép hơi, hai máy tời và một số tang vật. Theo ước tính, riêng điểm lò này đã khai thác trên 1.000 tấn than.

Hai ngày sau, đêm 13-12, Công an tỉnh Quảng Ninh và lực lượng liên ngành lại tiếp tục bắt giữ 30 đối tượng khai thác than trái phép tại phường Cao Xanh và cho nổ mìn phá sập lò.

Theo thống kê chính thức vừa công bố, trong năm 2011, Quảng Ninh đã triệt phá 950 lượt lò than thổ phỉ, thu gần 14.000 tấn than.

“Ở đây, bất cứ ai cũng biết chuyện khai thác than trái phép, chỉ là họ không nói hoặc không dám nói thôi” - dẫn tôi đi H. vừa nói vừa chỉ vào những ngôi nhà thấp thoáng bóng người với cuốc xẻng trên tay. Trong khắp khu 5, phường Cao Xanh này, hầu như nhà nào cũng có mối quan hệ ít nhiều nào đó với bọn than thổ phỉ. Nhà nào có đất thì bán hoặc cho thuê để thổ phỉ khai thác than. Còn nhà nào không có điều kiện thì làm dịch vụ như nấu nướng, bán nước cho “công nhân” khai thác than. Từ đó hình thành nên mối quan hệ cộng sinh giữa một số hộ dân và than thổ phỉ.

Quảng Ninh: Than thổ phỉ “nuốt” nhà dân - Bài 1: Sống trong thống khổ ảnh 1

Toàn cảnh khu 5 với những lò than trái phép (vòng tròn đỏ). Ảnh: NGUYỄN DÂN

Quảng Ninh: Than thổ phỉ “nuốt” nhà dân - Bài 1: Sống trong thống khổ ảnh 2

Lò than thổ phỉ hoạt động công khai ngay giữa ban ngày. Ảnh: NGUYỄN DÂN

Quảng Ninh: Than thổ phỉ “nuốt” nhà dân - Bài 1: Sống trong thống khổ ảnh 3

Lò than thổ phỉ sau trại heo khu 5, Hà Khánh. Ảnh: HUY HOÀNG

Những cuộc dằn mặt tàn bạo

Mặc dù vậy, có những nhà vẫn kiên quyết không hợp tác với bọn than thổ phỉ và họ đã bị trả thù một cách tàn bạo. Bác PVM (xin được giấu tên) mặc dù đã gần 80 tuổi nhưng vẫn bị bọn chúng hăm có ngày sẽ chặt chân vì bác đấu tranh chống nạn khai thác than lậu. Có những buổi tối từng tốp thanh niên mang dao kiếm chạy xe rảo quanh trước nhà.

Dã man hơn, chị KT bởi vì tố cáo bọn than thổ phỉ mà con gái chị chỉ mới hơn 10 tuổi bị bọn chúng nhẫn tâm đổ dầu nhớt pha phân với nước tiểu lên đầu. Không những thế, căn nhà chị còn bị bọn chúng khủng bố, đe dọa bằng cách ném gạch đá và những thứ xú uế lên cửa.

Bên cạnh đối phó với bọn than thổ phỉ, những người dân ở đây còn nơm nớp với cuộc sống không yên bình của mình. Chỉ tay vào một bể chứa nước lớn giờ đã cạn trơ đáy nứt nẻ, bà KO nói: “Hôm đó tôi đang làm bếp thì nghe tiếng mìn đánh rung chuyển cả mặt đất. Bể nước từ từ cạn đi. Chỉ vài giờ sau thì không còn một giọt. Bể nước sinh hoạt dùng cho cả gia đình, giờ không biết làm sao đây”. Bà nói xong thì một tiếng “ầm” lớn xa xa như đệm cho câu nói của bà. “Đấy, bọn chúng lại đánh mìn đấy. Đánh suốt đêm ngày như thế thì đất nào mà không bị chấn động”.

Không những thế, những người dân khác còn chỉ cho tôi những đường nứt nẻ suốt căn nhà. Gần như không căn nhà nào còn nguyên vẹn cả. “Nhà ở đây yếu lắm rồi. Bên dưới thì lòng đất bị ăn hết cả, tụi nó lại cho nổ mìn ầm ầm, xe và máy nổ chạy rầm rập suốt đêm. Những căn nhà này chỉ chờ ngày sụp xuống thôi” - một người dân than thở.

Chính quyền: Không biết vì sao lún, sụt

Tại khu vực đồi Đèo Sen (phường Hà Khánh), ngay dưới chân cột điện cao thế sát khu xử lý nước thải là một lò than thổ phỉ. Đây là một trong hai lò thổ phỉ tại Đèo Sen của D. “vàng”. Đường lò được khoét xiên vào lòng núi, sâu chừng 35 m, miệng lò được chèn chống bằng khung gỗ vuông được tạo thành từ các cột gỗ to cỡ bắp đùi. Giếng lò ăn sâu xuống chạm vỉa than bề ngang chừng 2,5 m, cao hơn đầu người. Đường lò được thắp sáng bằng hệ thống bóng điện sáng rực, đồng thời có máy thổi khí cấp khí thở cho nhóm thợ hầm lò. Suốt ngày đêm, các tốp thợ khai thác than khoét than từ vỉa đưa vào gàu đưa lên mặt đất bằng hệ thống máy tời và thanh trượt chạy dọc theo hầm lò. Cứ thế tạo thành đường hầm sâu hút trong lòng đất. Khoét than tới đâu họ lại dùng cột gỗ đóng khung chống lò tới đó. Từ miệng lò tới đáy lò được đặt hai thanh trượt để nâng hạ gàu than. Tầng địa chất trong lòng núi bị khoét rỗng tương đương với khối lượng lớn đất đá và than đưa ra khỏi miệng lò được cảnh báo sẽ tạo nên hiện tượng sụt, lún đất.

Đáng nói ở chỗ việc “đánh” các lò than thổ phỉ thì chính quyền làm rất tốt nhưng xử lý dứt điểm hậu quả do than thổ phỉ gây ra thì giải pháp còn nửa vời do lúng túng xác định nguyên nhân. Ngay ông Vũ Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, vẫn còn tuyên bố xanh rờn là vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây sụt, lún đất. “Việc này không thể đánh giá bằng cảm quan mà cần phải có cơ quan đủ năng lực tiến hành khoan thăm dò địa chất mới có thể xác định nguyên nhân chính xác” - ông Hợp nói.

Cột điện cũng đổ

Tháng 3-2011, chân cột điện cao thế số 3 đường dây 110 KV trên quả đồi gần Đèo Sen thuộc phường Hà Khánh đã xuất hiện tình trạng rạn nứt, lún, sụt. Mặt đồi có nhiều vết rạn dài, quanh chân cột điện có nhiều vết nứt rạn nhỏ, một số ốc vít chân trụ cột bị bật tung. Cột điện cao thế số 2 ở cách đó không xa cũng bị kéo nghiêng.

Chi nhánh lưới điện cao thế Hạ Long (Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc) nhận định tầng địa chất phía dưới bị rỗng. Dư luận đặt nghi vấn tác nhân gây ra sự cố sụt, lún đất đe dọa cột điện cao thế chính là các lò than thổ phỉ. Tại khu vực, có hai lò than thổ phỉ của chủ lò T. “ghẹ” đã hoạt động trong thời gian dài.

Trước nghi vấn việc đào bới than thổ phỉ khiến cho lòng đất bị rỗng, gây sụt, lún, UBND TP Hạ Long yêu cầu phía Vinacomin triển khai lực lượng xuống tận đáy hai lò than thổ phỉ để xác định nguyên nhân gây sụt, lún chân cột điện cao thế. Tuy nhiên, lực lượng cấp cứu mỏ chỉ xuống được đến 40 m lại phải quay lên do bên dưới hai lò thổ phỉ này không có hệ thống thông khí và đèn chiếu sáng. Mặc dù công an đã vào cuộc nhưng do số lượng lò than thổ phỉ tại khu vực dày đặc nên không xác định được trách nhiệm thuộc về chủ lò nào. Sự việc rơi vào bế tắc.

NGUYỄN DÂN - HUY HOÀNG

Kỳ tới: Sự nổi giận của “thổ địa”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm